Kế toán và Kiểm toán đều là những công việc liên quan đến vấn đề tài chính của doanh nghiệp, song có sự khác nhau ở một số thao tác đặc thù. Vì thế, các bạn thí sinh cần phân biệt ngành Kế toán và Kiểm toán. Hãy tìm hiểu sự khác biệt đó qua bài viết dưới đây.
Ngành Kế toán và Kiểm toán được hiểu như thế nào?
Để phân biệt rõ ràng hai ngành học này, trước tiên các bạn cần tìm hiểu kỹ khái niệm và cách phân loại.
Kế toán là công việc ghi chép, thu nhận, xử lý và cung cấp các thông tin về tình hình hoạt động tài chính của một tổ chức, doanh nghiệp, một cơ quan nhà nước, một cơ sở kinh doanh tư nhân,... Đây là một bộ phận đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực quản lý kinh tế. Từ quản lý ở phạm vi từng đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp cho đến quản lý ở phạm vi toàn bộ nền kinh tế.
Kế toán được chia thành hai loại:
- Kế toán công: Là kế toán tại những đơn vị hoạt động không có tính chất kinh doanh, không lấy lợi nhuận làm mục đích hoạt động, gồm các tổ chức đoàn thể xã hội, các tổ chức nhà nước,...
- Kế toán doanh nghiệp: Là loại kế toán ở các doanh nghiệp, hoạt động với mục tiêu chính là kinh doanh sinh lời.
Thí sinh cần tìm hiểu cách phân biệt ngành Kế toán và Kiểm toán để tránh nhầm lẫn
Kiểm toán là quá trình thu thập và đánh giá về những thông tin tài chính nhằm xác định và báo cáo về mức độ phù hợp giữa những thông tin đó với các chuẩn mực đã được thiết lập từ trước.
Phân loại theo chủ thể, kiểm toán có 3 loại: kiểm toán độc lập, kiểm toán nhà nước và kiểm toán nội bộ.
Chương trình học của ngành Kế toán và Kiểm toán ra sao?
Sinh viên theo học ngành Kế toán và Kiểm toán tại UEF sẽ được đào tạo theo các lộ trình và định hướng khác nhau.
Đối với ngành Kế toán, sinh viên sẽ được cung cấp kiến thức về khung pháp lý của kế toán, hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam và chuẩn mực kế toán quốc tế; các quy định về đạo đức nghề nghiệp của kế toán kiểm toán; kiến thức về thu thập, xử lý, kiểm tra và cung cấp thông tin về tình hình tài chính, hiệu quả hoạt động kinh doanh thông qua các nghiệp vụ của kế toán: tính phí, làm dự toán, phân bổ ngân sách, quản lý doanh thu theo sát các kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp.
Ngoài các kiến thức nền tảng, tổng quan sinh viên học ngành kế toán còn được trang bị kỹ năng khác như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng lập kế hoạch, kỹ năng quản lý thời gian…
Nếu lựa chọn ngành Kiểm toán, sinh viên được cung cấp kiến thức về khung pháp lý của kiểm toán, hệ thống chuẩn mực kiểm toán Việt Nam và quốc tế, các quy định đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán; kiến thức về thu thập, xử lý, kiểm tra và cung cấp thông tin về tình hình tài chính, hiệu quả hoạt động kinh doanh thông qua các nghiệp vụ của kiểm toán.
Bên cạnh đó, sinh viên có thể tích lũy những kỹ năng cần thiết như cách dùng phương pháp đối chiếu, logic, diễn giải thông tin, điều tra, kiểm kê, thử nghiệm để xác minh tính trung thực của tài liệu và tính pháp lý của các báo cáo tài chính,...
Kế toán và Kiểm toán đều là ngành học liên quan đến thông tin tài chính
Sự khác nhau về vị trí công việc của cử nhân ngành Kế toán và Kiểm toán
Bên cạnh yếu tố về chương trình đào tạo và kiến thức chuyên ngành, các bạn cũng có thể thấy được nét tương đồng, khác biệt giữa ngành Kế toán và Kiểm toán dựa vào vị trí nghề nghiệp.
Cử nhân ngành Kế toán có cơ hội phát triển bản thân qua các vị trí công việc như:
- Chuyên viên bộ phận quản trị tài chính - kế toán của các doanh nghiệp sản xuất, thương mại, dịch vụ (doanh nghiệp, tổ chức tài chính, đơn vị hành chính sự nghiệp);
- Chuyên viên kiểm toán nội bộ, kiểm soát nội bộ trong các doanh nghiệp sản xuất, thương mại, các định chế tài chính, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp của các quốc gia trong khu vực ASEAN;
- Đảm nhiệm vị trí cấp cao như quản lý bộ phận kế toán, kế toán tổng hợp, kế toán trưởng, giám đốc tài chính, trưởng nhóm, giám đốc kiểm toán;
- Tự khởi nghiệp thành lập các công ty dịch vụ tài chính - thuế - kế toán, kiểm toán,...
Cử nhân ngành Kiểm toán có thể đảm nhận những vị trí công việc sau:
- Kiểm toán nội bộ trong bộ phận kiểm toán trực thuộc một công ty, tổ chức, cơ quan;
- Kiểm toán độc lập tại các công ty, văn phòng làm các dịch vụ, tư vấn về kiểm toán cho các công ty, doanh nghiệp cần đến hoạt động kiểm toán;
- Làm việc tại cơ quan kiểm toán nhà nước với tư cách là một tổ chức cơ quan hành chính tương đương Bộ có quyền kiểm soát các Bộ khác trong các hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản, các dự án vay nợ, sử dụng ngân sách nhà nước,...
- Nghiên cứu, giảng dạy về kiểm toán tại các trường đại học.
Sau khi tìm hiểu các thông tin trên, hy vọng các bạn đã hình dung được cách phân biệt ngành Kế toán và Kiểm toán, đây là cơ sở giúp các bạn đưa ra lựa chọn ngành nghề phù hợp trong tương lai.
Nguyên Lê