Menu
  
Ngành

Phân biệt ngành Kinh tế số với ngành Kinh doanh quốc tế

21/05/2024
Hội nhập quốc tế và sự phát triển của công nghệ số là những tác động mang tính tính xu hướng đến nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay. Theo dòng chảy đó, nhiều ngành học chuyên môn ra đời, gắn liền với thời đại để kịp thời cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cho thị trường lao động. Trong đó có hai ngành nhận được sự quan tâm rất lớn từ các thí sinh là Kinh tế số và Kinh doanh quốc tế. 
Vậy, bằng cách nào để phân biệt ngành Kinh tế số với ngành Kinh doanh quốc tế? Bài viết dưới đây sẽ có đáp án chi tiết cho thắc mắc này.
 
Nhiều thí sinh còn đang phân vân giữa ngành Kinh tế số với ngành Kinh doanh quốc tế

Ngành Kinh tế số và ngành Kinh doanh quốc tế được hiểu như thế nào?
Ngành Kinh tế số là ngành học trang bị kiến thức, kỹ năng liên quan đến việc sử dụng thông tin được số hóa để phân bổ nguồn lực, đẩy mạnh năng suất, góp phần tăng trưởng kinh tế chất lượng cao. Hiểu một cách rõ ràng hơn, đây là ngành nghiên cứu về cách sử dụng các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, blockchain và big data để phân tích dữ liệu và đưa ra các quyết định kinh tế thông minh.
 
Chương trình đào tạo của hai ngành được thiết kế chuyên biệt

Còn về Kinh doanh quốc tế, đây là một lĩnh vực năng động và mang tính toàn cầu thuộc nhóm ngành kinh doanh. Theo đuổi ngành này, các bạn sẽ được cung cấp những kiến thức chung về quản trị kinh doanh, chiến thuật, chiến lược kinh doanh xuyên quốc gia. Nói một cách dễ hiểu, kinh doanh quốc tế là toàn bộ các hoạt động giao dịch, kinh doanh được thực hiện giữa các quốc gia, nhằm thỏa mãn các mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp, cá nhân và các tổ chức kinh tế.
Ở mỗi ngành, sinh viên sẽ lĩnh hội được kiến thức chuyên môn gì?
Sinh viên theo đuổi ngành Kinh tế số sẽ được đào tạo kiến thức nền tảng về công nghệ số, kinh tế, tài chính, quản trị kinh doanh, thương mại điện tử,... Song song đó, các bạn còn được trang bị kỹ năng ứng dụng các công nghệ số dẫn đầu xu thế của thời đại như AI, IoT, BigData, BlockChain,… để giải quyết yêu cầu công việc trong hoạt động kinh tế, quản trị. Ngoài ra, sinh viên được rèn luyện đầy đủ các kỹ năng cần thiết để đủ năng lực làm việc và thích ứng với môi trường thay đổi nhanh chóng của các công ty, doanh nghiệp triển khai chuyển đổi số.
 
Sinh viên sẽ được lĩnh hội nhiều kiến thức liên quan đến chuyên ngành riêng mà mình theo đuổi

Riêng với ngành Kinh doanh quốc tế, sinh viên được bồi dưỡng kiến thức nền tảng về quản trị kinh doanh, các vấn đề tổng quan và chuyên sâu về thương mại quốc tế, các chính sách kinh tế đối ngoại chủ yếu hiện nay,... Tiếp theo là nhóm kiến thức nghiệp vụ, kỹ năng cụ thể về các vấn đề chống phá giá, thanh toán quốc tế, bảo hiểm ngoại thương, tranh chấp trong thương mại quốc tế, cách thức xâm nhập thị trường nước ngoài, kỹ năng làm việc nhóm, đàm phán, thương lượng, giải quyết tình huống kinh doanh, đặc biệt là kỹ năng tiếng Anh...
Sự khác nhau về vị trí việc làm của ngành Kinh tế số và Kinh doanh quốc tế
Khi hai ngành đã có sự khác biệt rõ rệt trong đào tạo như vậy thì cơ hội việc làm trên thị trường lao động cũng có sự khác nhau. 
 
Thị trường hiện nay cần số lượng lớn nguồn nhân lực được đào tạo từ ngành Kinh tế số và Kinh doanh quốc tế

Tốt nghiệp cử nhân ngành Kinh tế số tại UEF, các bạn có thể đảm nhiệm những vị trí việc làm hấp dẫn sau đây:
- Chuyên viên tư vấn độc lập về chuyển đổi kỹ thuật số, công nghệ tài chính (fintech);
- Chuyên viên trong các doanh nghiệp kỹ thuật số, doanh nghiệp khởi nghiệp kỹ thuật số, công ty tài chính công nghệ;
- Cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến kinh tế và kinh tế số;
- Điều phối viên, tư vấn dự án trong các tổ quốc tế, các tổ chức phi chính phủ hoạt động vì mục tiêu phát triển kinh tế;
- Nghiên cứu viên, giảng viên ngành kinh tế số tại các trường Đại học, Viện nghiên cứu,...
Ngành Kinh doanh quốc tế cũng mang lại cơ hội việc không kém phần chất lượng cho các bạn sinh viên sau khi tốt nghiệp như:
- Chuyên viên xuất nhập khẩu; Chuyên viên Quản trị Logistics; Chuyên viên Quản trị kinh doanh xuất nhập khẩu và Quản trị chuỗi cung ứng trong môi trường toàn cầu;
- Chuyên gia phân tích và thiết lập các chương trình quản trị rủi ro, quản lý và kinh doanh vốn, hoạt động đầu tư, kinh doanh ngoại hối;
- Chuyên gia phân tích, cán bộ cấp trung tại các trung tâm xúc tiến thương mại;
- Công chức, cán bộ thương mại, hải quan các cấp tại các cơ quan tài chính công;
- Giảng dạy, nghiên cứu tại các trường Đại học, Viện kinh tế;
- Đảm nhiệm các vị trí cấp cao như quản lý bộ phận quản lý kinh doanh quốc tế, giám đốc thương mại, giám đốc bộ phận xuất nhập khẩu, giám đốc điều hành;
- Tự khởi nghiệp thành lập các công ty chuyên buôn bán, kinh doanh, hoạt động xuất nhập khẩu,..
Hy vọng những thông tin trên đã giúp các bạn thí sinh phân biệt được ngành Kinh tế số với ngành Kinh doanh quốc tế ở nhiều khía cạnh. Mong rằng, từ những thông tin đã cung cấp, các bạn sẽ đưa ra lựa chọn đúng đắn và phù hợp về ngành nghề sẽ theo đuổi sau khi rời ghế THPT.
 
TT.TT-TT
TIN LIÊN QUAN