Menu
  
Ngành

Phân biệt ngành Kỹ thuật phần mềm với ngành Khoa học dữ liệu

21/05/2024
Ngày nay, sự chuyển mình mạnh mẽ của thời đại số đã giúp Kỹ thuật phần mềm và Khoa học dữ liệu trở thành những ngành học thu hút sự quan tâm, chọn học của nhiều thí sinh. Đều thuộc lĩnh vực Công nghệ thông tin, song hai ngành này vẫn có sự khác nhau ở một số điểm đặc thù. 
Vậy, phân biệt ngành Kỹ thuật phần mềm với ngành Khoa học dữ liệu như thế nào? Nếu vẫn còn băn khoăn về những ngành học tiềm năng này thì các bạn hãy theo dõi bài viết dưới đây để có góc nhìn toàn diện hơn.
Ngành Kỹ thuật phần mềm và Khoa học dữ liệu được hiểu thế nào?
Để phân biệt rõ ràng hai ngành học này, trước tiên các bạn cần tìm hiểu kỹ khái niệm và bản chất công việc.
Kỹ thuật phần mềm là ngành chuyên nghiên cứu về việc sử dụng các kỹ thuật toán học, công nghệ, lập trình, khoa học, thiết kế,… một cách có hệ thống, nguyên tắc để tạo ra, kiểm tra, đánh giá và bảo trì những phần mềm, chương trình trên hệ thống máy tính. Người làm trong lĩnh vực này phải có kiến thức về lập trình và ngôn ngữ lập trình đặc trưng như Java, C++, Python, JavaScript, đồng thời hiểu biết về vòng đời phát triển phần mềm để đưa ra những giải pháp tối ưu nhất. Đối với những bạn yêu thích lập trình thuần túy thì đây là sự lựa chọn phù hợp để theo đuổi và phát triển lâu dài. 
 
Nhiều thí sinh băn khoăn về sự khác biệt giữa ngành Kỹ thuật phần mềm và Khoa học dữ liệu khi xét tuyển

Còn Khoa học dữ liệu là khoa học về việc quản trị và phân tích dữ liệu, trích xuất các giá trị từ dữ liệu để tìm ra các hiểu biết, các tri thức hành động, các quyết định dẫn dắt hành động. Mục đích chính của lĩnh vực này là biến đổi một lượng lớn dữ liệu chưa qua xử lý, làm thế nào để định vị được thành mô hình kinh doanh, từ đó giúp đỡ các tổ chức tiết giảm chi phí, gia tăng hiệu quả làm việc, nhìn nhận cơ hội, rủi ro trên thị trường và làm gia tăng lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp. 
Khoa học dữ liệu gồm có ba phần chính: Tạo ra và quản trị dữ liệu, phân tích dữ liệu và chuyển kết quả phân tích thành giá trị của hành động.
Qua đó, có thể thấy rằng ngành Kỹ thuật phần mềm tập trung nhiều vào việc phát triển và bảo trì phần mềm, trong khi mục tiêu của Khoa học dữ liệu là phân tích và sử dụng dữ liệu để đưa ra quyết định. 
Về mặt kỹ năng, nhân sự của ngành Kỹ thuật phần mềm phải có kỹ năng lập trình và quản lý dự án, còn Khoa học dữ liệu yêu cầu cao về kiến thức thống kê và kỹ thuật phân tích dữ liệu.
Chương trình học của ngành Kỹ thuật phần mềm và Khoa học dữ liệu ra sao?
Nắm bắt nhu cầu của thị trường lao động, sinh viên theo học ngành Kỹ thuật phần mềm và Khoa học dữ liệu tại UEF sẽ được đào tạo theo các lộ trình và định hướng khác nhau.
Lựa chọn học ngành Kỹ thuật phần mềm tại UEF, sinh viên sẽ được đào tạo bài bản từ phần kiến thức nền tảng về toán học, công nghệ thông tin cho đến kiến thức chuyên sâu về các ngôn ngữ lập trình, các đặc trưng của phần mềm cũng như quy trình phát triển của nó. Thông qua một số môn học cốt lõi của ngành như: Lập trình hướng đối tượng, Lập trình trực quan, Phương pháp phát triển phần mềm hướng đối tượng, Kiểm chứng phần mềm,... sinh viên sẽ được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng để làm việc trong các tập đoàn, công ty lớn về công nghệ trong và ngoài nước. 
 
Với hệ thống cơ sở vật chất hiện đại, sinh viên được tạo điều kiện để thực hành ngay tại trường

Với ngành Khoa học dữ liệu, sinh viên sẽ được trang bị khối kiến thức nền tảng vững chắc về quản lý, xử lý và phân tích dữ liệu lớn; kiến thức chuyên ngành sâu và rộng về khoa học dữ liệu và hệ thống thông tin; các kiến thức về hội nhập, khởi nghiệp cũng như tham gia các khóa học bồi dưỡng để nắm bắt các xu hướng công nghệ mới. Một số môn học tiêu biểu của ngành Khoa học dữ liệu bao gồm: Cấu trúc dữ liệu và thuật toán, thống kê máy tính, lập trình cho khoa học dữ liệu với Python, trí tuệ nhân tạo, thu thập và tiền xử lý dữ liệu,...
Điểm chung của 2 ngành này ngoài những kiến thức về công nghệ, Nhà UEF còn tích cực  trang bị tư duy logic, khả năng phân tích và xử lý dữ liệu, đồng thời tạo điều kiện để các bạn phát triển ngoại ngữ của mình. Đây được xem là những yếu tố quan trọng góp phần tạo ra lợi thế cho sinh viên UEF khi cạnh tranh trên thị trường lao động và hội nhập toàn cầu. 
Sự khác nhau về vị trí công việc của cử nhân ngành Kỹ thuật phần mềm và Khoa học dữ liệu 
Bên cạnh yếu tố về chương trình đào tạo và kiến thức chuyên ngành, sự khác biệt giữa ngành Kỹ thuật phần mềm và Khoa học dữ liệu còn được thể hiện ở các vị trí nghề nghiệp. 
Cử nhân ngành Kỹ thuật phần mềm có cơ hội thử sức ở đa dạng các vị trí công việc như:
- Nhân viên/chuyên viên tại các công ty phát triển phần mềm, thiết kế website, gia công phần mềm, game; bộ phận vận hành và phát triển công nghệ thông tin của cơ quan, nhà máy, ngân hàng, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin;
- Chuyên viên phân tích, thiết kế, cài đặt, quản trị, bảo trì phần mềm máy tính đáp ứng các ứng dụng khác nhau trong cơ quan, công ty, trường học...
- Làm việc ở bộ phận công nghệ thông tin hoặc cần ứng dụng công nghệ thông tin của tất cả các đơn vị có nhu cầu (hành chính sự nghiệp, ngân hàng, viễn thông, hàng không, xây dựng…);
- Làm việc trong các công ty sản xuất, gia công phần mềm trong và ngoài nước. Làm việc tại các công ty tư vấn về đề xuất giải pháp, xây dựng và bảo trì các hệ thống thông tin;
- Có thể tự phát hành các sản phẩm game, ứng dụng trên thiết bị di động...
Cử nhân ngành Khoa học dữ liệu có thể chịu đảm nhiệm những vị trí công việc sau:
- Nhân viên làm công việc nghiên cứu, sáng tạo dữ liệu cho các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế,...
- Ứng dụng khoa học dữ liệu vào lĩnh vực kinh doanh, marketing,…
- Nhà phát triển dữ liệu tập trung vào các mảng viết hoặc sử dụng phần mềm phân tích, thống kê, lựa chọn mô hình xử lý dữ liệu;
- Nhà nghiên cứu dữ liệu áp dụng các kỹ năng khoa học với công cụ và kỹ thuật số liệu;
- Giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng hay các cơ sở đào tạo ngành Khoa học dữ liệu...
Đó là những thông tin mà các bạn cần biết để phân biệt ngành Kỹ thuật phần mềm với ngành Khoa học dữ liệu. Nhìn chung, cả hai ngành đều có triển vọng phát triển mạnh mẽ và đóng vai trò quan trọng trong kỷ nguyên số hiện nay. Tùy thuộc vào sở thích và kỹ năng cá nhân mà các thí sinh có thể lựa chọn một ngành nghề phù hợp để theo đuổi và phát triển lâu dài. 
 
TT.TT-TT
TIN LIÊN QUAN