PHÒNG KHOA HỌC CÔNG NGHỆ
VÀ DỰ ÁN QUỐC TẾ
Hội thảo khoa học

​Hội thảo khoa học quốc gia CFAC 2021 khép lại thành công với 2 phiên về Tài chính và Du lịch

04/07/2021
Sau 2 phiên tham luận về Kế toán và Kinh doanh thương mại vào ngày 1/7, 2 phiên còn lại của hội thảo khoa học quốc gia về Tài chính, Kế toán và Kinh doanh thương mại (CFAC 2021) chủ đề “Đổi mới công nghệ, Thị trường và Chính sách” là Tài chính và Du lịch cũng đã diễn ra thành công vào ngày 2/7 vừa qua. Đồng thời, sáng cùng ngày cũng đã diễn ra phiên bế mạc, chính thức khép lại chương trình hội thảo. 
Hai phiên Tài chính và Du lịch có sự tham dự của NGND.GS.TS. Nguyễn Thanh Tuyền – Chủ tịch Hội Đồng Khoa học và đào tạo, Tổng biên tập Tạp chí Phát triển và hội nhập; PGS.TS. Ngô Cao Cường - Phó Hiệu trưởng thường trực UEF; PGS.TS. Trần Văn Tùng - Trưởng khoa Thương mại - Tài chính HUTECH; PGS.TS. Nguyễn Quyết Thắng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam; TS. Trương Quang Dũng – Viện trưởng Viện Đào tạo sau đại học và Khoa học công nghệ UEF; TS. Trần Văn Thông - Trưởng khoa Quản trị du lịch - Khách sạn; ThS. Nguyễn Tiến Hùng - Trưởng khoa Tài chính - Thương mại; ThS. Nguyễn Phạm Hải Hà - Phó Viện trưởng Viện Đào tạo sau đại học và Khoa học công nghệ UEF; ThS. Tăng Mỹ Sang - Phó Trưởng khoa Tài chính - Thương mại. 

Các thầy cô và khách mời tham dự hai phiên Tài chính và Du lịch
 
Trong phiên tổng kết hội thảo, về phía Bộ Khoa học công nghệ có: Ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Cục trưởng phụ trách Cục công tác phía Nam; ông Huỳnh Văn Tùng - Trưởng phòng Kế hoạch - Tài Chính, Cục Công tác phía Nam; ông Trần Hải Đăng - Phó Trưởng Phòng hợp tác và phát triển tiềm lực Khoa học công nghệ, ông Quan Quốc Đăng - Phụ trách Đổi mới sáng tạo vùng Nam Bộ. 
Về phía Sở khoa học công nghệ có: ông Ngô Anh Tín – Giám đốc Sở Khoa học công nghệ Thành phố Cần Thơ. Về phía khách mời và nhà tài trợ có: PGS.TS. Trần Mai Ước - Chánh Văn phòng Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM; TS. Đoàn Thị Quỳnh Anh - Trưởng khoa Kế toán Trường Đại học Lao động Xã hội; bà Võ Thị Bảo Trân - Giám đốc công ty Matilak; bà Lê Thị Hậu - Giám đốc phát triển hội viên khu vực Đông Nam Á ACCA Việt Nam; ThS. Nguyễn Thanh Sang - Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn chuẩn Việt (Vietvalues); ThS. Nguyễn Phúc Khoa - Chủ tịch HĐQT Vissan Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (VISSAN). 
Đa dạng vấn đề được thảo luận trong phiên về Tài chính 
Trong phiên hội thảo về Tài chính có 3 tham luận được trình bày, gồm: (1) Giám sát phòng ngừa thao túng thị trường chứng khoán trong nền kinh tế số; (2) Luật pháp hoá hoạt động cho vay ngân hàng: Bước đi tất yếu tại Việt Nam; (3) Tác động của chuyển đổi số tới thị trường bảo hiểm. 
Tham luận 1 do TS. Nguyễn Thanh Huyền đến từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trình bày đã phân tích chi tiết về vấn đề thao túng thị trường chứng khoán, bao quát các nội dung: Tổng quan thao túng thị trường chứng khoán, quy trình thao túng thị trường chứng khoán, ảnh hưởng của vấn đề thao túng thị trường chứng khoán, phương pháp và chế tài. 
Những thao túng giá phổ biến trên thị trường chứng khoán
 
Theo đó, phương pháp được TS. Nguyễn Thanh Huyền đưa ra bao gồm: Phương pháp theo dõi giao dịch chứng khoán (theo dõi, phân tích các hoạt động liên quan đến giao dịch và thu nhập, xác minh thông tin từ công chúng) và phương pháp kiểm tra tuân thủ, thanh tra (được sử dụng chủ yếu khi có sự cố nhất định xảy ra). 
Trong tham luận 2, ThS. Tăng Mỹ Sang đã chia sẻ cụ thể và mang lại nhiều góc nhìn về hình thức cho vay P2P (P2P là mô hình kết nối trực tiếp giữa người có tiền và người cần vay tiền thông qua ứng dụng trực tuyến trên điện thoại di động hoặc máy tính). 
 
Hoạt động cho vay P2P ở Việt Nam và những đề xuất trong tham luận 2
 
Các nội dung được ThS. Tăng Mỹ Sang trình bày gồm: Tổng quan về cho vay P2P, ưu điểm và nhược điểm về cho vay P2P, tình hình cho vay P2P trên thế giới, hoạt động cho vay P2P ở Việt Nam, đề xuất hàm ý về việc thiết lập thị trường cho vay P2P tại Việt Nam. 
ThS. Nguyễn Tiến Hùng là báo cáo viên chia sẻ tham luận 3. Với tác động của chuyển đổi số tới thị trường bảo hiểm, ThS. Nguyễn Tiến Hùng đã làm rõ khái niệm Fintech và Insurtech và các vấn đề gồm: Nhận diện insurtech và ứng dụng bảo hiểm; Chuyển đổi kênh phân phối bảo hiểm; Sự phân mảnh kênh phân phối bảo hiểm; Khuyến nghị cho thị trường bảo hiểm Việt Nam; Khuyến nghị đối với quản lý nhà nước. 
 
Những khuyến nghị được đặt ra trong tham luận 3
 
Sau mỗi phần trình bày, hội đồng tham gia đều đưa ra những biện luận khoa học để góp phần giúp bài tham luận được hoàn thiện hơn. 
Những vấn đề thực tiễn trong Du lịch được trao đổi 
Trong phiên hội thảo về Du lịch có 4 tham luận được trình bày gồm: (1) Tiếp tục chú trọng hơn nữa đến phát triển du lịch nội địa; (2) Phát triển ngành du lịch Tây Ninh theo hướng xây dựng cụm ngành du lịch đến năm 2025; (3) Các yếu tố tác động đến phát triển nguồn nhân lực trong các khách sạn 4 sao trên địa bàn TP.HCM; (4) Các yếu tố ảnh hưởng đến hợp tác chuyển giao tri thức trong giai đoạn Covid-19 nghiên cứu tại trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH). 
Phần tham luận 1 do ThS. Lê Thị Giang đại diện nhóm thực hiện gồm: TS. Nguyễn Văn Lưu và ThS. Lê Thị Giang trình bày. Với vấn đề du lịch nội địa, các nội dung được chia sẻ gồm: khái niệm và vai trò của du lịch nội địa, thực trạng của du lịch nội địa tại Việt Nam trước và trong giai đoạn dịch Covid-19, đề ra giải pháp tiếp tục phát triển du lịch nội địa. 
Ở tham luận 2, TS. Vũ Trực Phức - Đại học Quốc tế Hồng Bàng đã chia sẻ những vấn đề về du lịch ở Tây Ninh. Theo đó, ông giới thiệu về đặc sản, danh lam thắng cảnh Tây Ninh, tài nguyên du lịch ở Tây Ninh. Đồng thời, TS. Vũ Trực Phức đã trình bày về các nhóm điều kiện của cụm ngành du lịch Tây Ninh, gồm: Nhóm điều kiện nhân tố đầu vào; Nhóm điều kiện về cầu: khách nội địa đến vì tín ngưỡng, lễ hội, khách quốc tế thì ngược lại; Nhóm ngành hỗ trợ và có liên quan. 
Ông Bùi Trọng Tiến Bảo và ThS. Đỗ Thị Ninh là nhóm thực hiện bài tham luận 3 với sự trình bày của ThS. Đỗ Thị Ninh. Mở đầu tham luận, bà phân tích những biểu đồ phân tích về thị trường du lịch tại TP.HCM, từ đó cho biết dự báo về nguồn nhân lực của TP.HCM và đề ra giải pháp phù hợp. 
 


Ở phiên về Du lịch, nhiều vấn đề cấp thiết về du lịch được trao đổi
 
Trong tham luận 4, nhóm thực hiện gồm: Nguyễn Quyết Thắng, Phạm Thanh Tuấn, Lê Văn Hoài, Phan Minh Tân. Nội dung phần trình bày thể hiện các phần: Đưa ra các biểu đồ, phân tích vấn đề; Các yếu tố ảnh hưởng đến tác chuyển giao trong giai đoạn đại dịch; Đưa ra mô hình nghiên cứu. 
Kết thúc 4 phần tham luận, hội đồng cũng tiến hành biện luận khoa học, nhận xét góp ý để các đề tài được đầy đủ hơn. 
Tại phiên tổng thể của hội thảo, đại diễn lãnh đạo các bên chia sẻ về nội dung và giá trị mà hội thảo khoa học quốc gia CFAC 2021 mang lại. Đồng thời, chủ tọa các phiên thảo luận báo cáo tình hình hội thảo. 
Sau 2 ngày diễn ra, hội thảo khoa học quốc gia về Tài chính, Kế toán và Kinh doanh thương mại (CFAC 2021) chủ đề “Đổi mới công nghệ, Thị trường và Chính sách” đã khép lại thành công, tốt đẹp. Với những đề tài ý nghĩa, thiết thực, hội thảo đã mang đến những góc nhìn mới về vấn đề tài chính, kế toán, kinh doanh thương mại, du lịch. Qua đó đề ra những giải pháp phù hợp để các vấn đề được giải quyết và hoàn thiện hơn trong bối cảnh hiện nay. 
 
Tin: Nguyên Lê - Kim Quy
Ảnh: Nguyên Võ
TIN LIÊN QUAN
Công bố Khoa học
Clarivate
Scopus
13
Năm xây dựng và phát triển
980+
Bài đăng trên tạp chí
380+
Lượt trích dẫn