PHÒNG KHOA HỌC CÔNG NGHỆ
VÀ DỰ ÁN QUỐC TẾ
Hội thảo khoa học

UEF tổ chức thành công Hội thảo khoa học quốc gia về Quản trị, Tài chính, Kế toán và Thương mại 2022

26/04/2022

Nhằm tận dụng thời cơ và đáp ứng nhu cầu thực tế trong bối cảnh khôi phục kinh tế, đồng thời thể hiện mong muốn góp tiếng nói khuyến nghị hướng tới những giải pháp thích ứng để tháo gỡ và hiện thực hóa các thế mạnh tiềm ẩn, vực dậy nền kinh tế Việt Nam, UEF phối hợp cùng Cục Công tác phía Nam - Bộ Khoa học công nghệ, Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) và các trường đại học, Học viện thuộc khối thi đua 22 tổ chức Hội thảo khoa học Quốc gia về Quản trị, Tài chính, Kế toán và Thương mại vào sáng ngày 23/4 với chủ đề “Bối cảnh quốc tế, chiến lược địa phương”.
 

Hoạt động được khai mạc vào sáng ngày 23/4 với sự tham dự của đông đảo các giảng viên, chuyên gia, nhà nghiên cứu
 

Chương trình có sự tham dự của ông Nguyễn Mạnh Cường – Phó Cục trưởng phụ trách Cục công tác phía Nam, Bộ Khoa học và công nghệ; Ông Nguyễn Hoàng Hưng - Phó Trưởng ban, Ban Thi đua khen thưởng TP.HCM.

Về phía các doanh nghiệp có ông Đào Nguyên Vũ - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Sacombank; bà Nguyễn Hoàng Thanh Thủy - Trưởng phòng Marketing và truyền thông Smart Train; bà Lê Thành Duyên - Phó Tổng Giám đốc Audi Việt Nam; ông Mai Thanh Nghị - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp và khởi nghiệp tỉnh Đồng Tháp.

Về phía UEF có ông Đỗ Quốc Anh - Phó Chủ tịch Hội đồng trường; PGS.TS. Ngô Cao Cường - Phó Hiệu trưởng thường trực, Trưởng Ban tổ chức hội thảo; TS. Nhan Cẩm Trí - Phó Hiệu trưởng; TS. Lý Thiên Trang -  Phó Hiệu trưởng; TS. Hồ Viễn Phương - Phó Hiệu trưởng. Bên cạnh đó là đại diện các trường đại học, học viện thuộc khối thi đua 22 là các đơn vị đồng tổ chức hội thảo, đại diện các cơ quan thông tấn báo chí và đông đảo các tác giả nghiên cứu.
 

PGS.TS. Ngô Cao Cường - Trưởng Ban tổ chức phát biểu khai mạc Hội thảo
 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Ngô Cao Cường - Trưởng Ban tổ chức chia sẻ: "UEF cùng các đơn vị khác trong khối thi đua 22 luôn mong muốn cùng nhau tổ chức các hoạt động, san sẻ, đóng góp để cùng phát triển. Hội thảo đã nhận được trên 130 bài gửi về của 28 trường đại học và 2 doanh nghiệp. Sau quá trình xem xét và đánh giá, Ban tổ chức đã đưa 90 tham luận vào kỷ yếu. Để thực hiện được hoạt động ngày hôm nay, các tác giả nghiên cứu cũng như giảng viên, doanh nghiệp đã dành rất nhiều tâm huyết".

Chia sẻ chào mừng Hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Cường khẳng định: "Đây sẽ là nơi kết nối các nhà nghiên cứu với nhau. Tính trung thực của các đề tài được đề cao. Mỗi tham luận đều là tâm huyết của nhóm tác giả, mang đến những giá trị trong lĩnh vực của mình nói riêng và xã hội nói chung".

Đại diện các Nhà tài trợ, ông Đào Nguyên Vũ cũng cho biết: "Trải qua 2 năm đại dịch, Hội thảo đã diễn ra kịp lúc trong bối cảnh bình thường mới, đem đến nhiều góc nhìn ngành nghề cần thiết. Sacombank sẽ tiếp tục gắn kết, đồng hành và nâng cao mối quan hệ hợp tác tốt đẹp cùng UEF".
 

Đại diện Cục công tác phía Nam và Nhà tài trợ kim cương - Sacombank chia sẻ trong Hội thảo
 

Tiếp theo phần lễ khai mạc, Hội thảo đã chia thành 4 phiên chuyên sâu với 12 tham luận được trình bày. Các giảng viên, nhà nghiên cứu trong từng lĩnh vực đã có diễn đàn trình bày và chia sẻ ý kiến cùng nhau.

Tại phiên bối cảnh chung do TS. Trương Quang Dũng – Viện trưởng Viện Đào tạo sau đại học và khoa học công nghệ làm chủ tọa, có 3 đề tài tham luận được đưa ra trao đổi: “Đào tạo đội ngũ giảng viên kinh tế theo định hướng năng lực tại Cộng Hòa Liên Bang Đức” của giảng viên Phạm Hoàng Tú Linh - Học viện Quản lý giáo dục; “Chính sách hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động tại Thành Phố Hồ Chí Minh sau đợt dịch thứ 4” của tác giả Nguyễn Thanh Huyền - Trường Đại học Kinh tế - Luật và “Ảnh hưởng của vị trí thương hiệu trong các video âm nhạc lên sự gợi nhớ thương hiệu, thái độ thương hiệu và ý định mua của giới trẻ” do nhóm nghiên cứu Đinh Tiên Minh, Võ Quế Trâm, Lưu Yến Như, Trần Phương Quyên, Bùi Anh Đông, Phạm Ngọc Huy - Đại học UEH trình bày. 

 

TS. Trương Quang Dũng là người điều hành phiên bối cảnh chung
 

Các tác giả, giảng viên và nhà nghiên cứu trong phiên tích cực trao đổi
 

Ở phiên Quản trị kinh doanh và thương mại do TS. Huỳnh Nhựt Nghĩa - Phó Trưởng khoa Quản trị kinh doanh UEF làm chủ tọa có 3 tham luận được trình bày. Các đề tài bao gồm: "Mô hình HRBP thay đổi góc nhìn quản trị nguồn nhân lực trong thế giới VUCA" của nhóm tác giả Lưu Thị Thanh Mai, Văn Hữu Quang Nhật - Trường Đại học quốc tế Sài Gòn (SIU); "Thực trạng và giải pháp hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của sinh viên trường Đại học Việt Nam" của ThS. Nguyễn Nam Hải – Hội Kế toán tỉnh Đồng Nai và "Determinants of continuance intention to use app food (Nghiên cứu ý định tiếp tục sử dụng dịch vụ đặt đồ ăn online)" do ThS. Tăng Mỹ Hà - UEF trình bày.
 

TS. Huỳnh Nhựt Nghĩa là chủ tọa phiên về Quản trị kinh doanh và Thương mại
 

Phiên Hội thảo có sự tham dự của các giảng viên, chuyên gia trong lĩnh vực
 

Với 4 đề tài tham luận, phiên Hội thảo lĩnh vực Tài chính diễn ra với chủ tọa là TS. Lâm Thị Hồng Hoa. Nội dung được trình bày gồm có: "Tương quan giữa thị trường cổ phiếu Hà Nội và giá bitoin dưới tác động của đại dịch covid-19" của TS. Lê Văn, trường Công nghệ và Thiết kế UEH; "Mô hình tổ chức giám sát tài chính hiện đại trong xu thế kinh doanh đa ngành" của TS. Nguyễn Chí Đức – Trường đại học Sài Gòn; "Fintech Vietnamat a glance: Where we are and where we are going?" của nhóm tác giả TS. Nguyễn Thùy Dương, TS. Ngô Minh Hai – Trường đại học Gia Định và "Trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực ngân hàng" của ThS. Lâm Đặng Xuân Hoa – UEF.
 

TS. Lâm Thị Hồng Hoa điều hành phiên hội thảo lĩnh vực Tài chính
 

Phiên Hội thảo kết hợp giữa hình thức trực tiếp và trực tuyến
 

Phiên Kế toán do TS. Hà Thị Thủy - Phó Trưởng khoa phụ trách khoa Tài chính - Thương mại UEF làm chủ tọa, có 2 đề tài chính được trình bày: "Định hướng đào tạo kế toán công Việt Nam theo lộ trình áp dụng chuẩn mực kế toán công Việt Nam VPSAS" của nhóm tác giả Cao Thị Cẩm Vân, Trương Á Bình - Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn và "Hướng đi của kế toán Việt Nam trong giai đoạn hậu Covid-19". Bên cạnh đó, phiên thảo luận chung của Hội thảo lĩnh vực kế toán với chủ đề “Chiến lược giảng dạy và đánh giá người học chuyên ngành Kế toán trước bối cảnh toàn cầu” do TS. Hà Thị Thủy trực tiếp đặt vấn đề cũng trở thành diễn đàn cho các thầy, cô trao đổi sôi nổi.
 

TS. Hà Thị Thủy phụ trách chủ tọa phiên Hội thảo Kế toán
 

Các thực trạng trong lĩnh vực được đưa ra phân tích và nhiều ý tưởng giải pháp mới được đề xuất
 

Trải qua các phiên chuyên ngành có thể thấy những vấn đề bức thiết của Hội thảo khoa học Quốc gia về Quản trị, Tài chính, Kế toán và Thương mại xoay quanh: Bối cảnh tác động của Covid-19, công nghệ số và các vấn đề toàn cầu trong mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội; sự điều chỉnh chính sách của quốc gia, địa phương, ngành; sự chuyển đổi chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp nhằm thích ứng với tình hình mới để vượt qua khó khăn, thách thức,...
 

Hội thảo chính là cơ hội để các báo cáo viên trao đổi về kết quả nghiên cứu, chia sẻ cho cộng đồng khoa học. Mỗi tham luận đều được các thầy, cô đầu tư chỉn chu và nghiêm túc cho thấy những thực trạng và thách thức mà các doanh nghiệp hiện nay đang đối mặt. Qua đó, các tác giả đã đưa ra nhiều đề xuất ý tưởng và giải pháp cụ thể, thiết thực. 
 

Tin: Quy Nguyễn
Ảnh: Media Team

TIN LIÊN QUAN
Công bố Khoa học
Clarivate
Scopus
13
Năm xây dựng và phát triển
980+
Bài đăng trên tạp chí
380+
Lượt trích dẫn