Sinh viên ra trường hàng năm rất nhiều, nhưng chất lượng chưa đủ đáp ứng yêu cầu nên khó được tuyển dụng, trong khi các ngân hàng luôn trong tình trạng “khát” nhân lực có kiến thức nghề nghiệp vững vàng, năng lực thực tiễn cũng như đạo đức, trách nhiệm xã hội và tác phong chuyên nghiệp.
Ngành ngân hàng có còn “hot”?
Vào những năm sau 2006, với sự kiện Việt Nam gia nhập tổ chức WTO thì lĩnh vực tài chính - ngân hàng mới thực sự nở rộ. Đặc biệt bùng nổ vào những năm 2007-2009, khi ấy, trở thành nhân viên ngân hàng là niềm mơ ước của nhiều người.
Còn nhớ, vào thời điểm đó, người ta rỉ tai nhau và xuýt xoa mỗi khi Tết về, nhân viên ngân hàng được thưởng đến cả trăm triệu. Lúc bấy giờ, ngân hàng thực sự trở thành xu hướng nghề nghiệp “hot” nhất so với thị trường.
Tuy nhiên từ những năm 2011 trở đi, thông tin về bão hòa nguồn nhân lực trong ngành tài chính, ngân hàng đã khiến nhiều người không dám theo đuổi niềm đam mê của mình.
Bởi lẽ hàng năm, sinh viên các trường đại học, cao đẳng ra trường với số lượng ngày càng tăng. Theo thống kê của người viết, tại Việt Nam có khoảng hơn 200 trường đại học, học viện và cao đẳng trong số này có đến gần 1/3 trường đào học khối ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng, bất kể cả những trường không hề có thế mạnh đào tạo cũng mở rộng giảng dạy ngành này.
Nguồn cung vượt quá cầu nên các ngân hàng bỗng dưng có quyền tuyển dụng và chắt lọc khắt khe hơn. Về mặt bằng cấp, trong phần yêu cầu tuyển dụng, một số nhà băng ưu tiên, thậm chí có đơn vị ghi rõ chỉ nhận hồ sơ của các sinh viên tốt nghiệp bằng khá trở lên tại các khối ngành chuyên sâu tại các trường kinh tế top đầu như: Học viện/Đại học Ngân hàng, Đại học Ngoại thương, Đại học Kinh tế quốc dân, Học viện tài chính, Đại học Kinh tế ( Đại học Quốc gia Hà Nội),...
Đặc biệt khi hệ thống ngân hàng bắt đầu bộc lộ những yếu kém, nhiều ngân hàng phải tái cơ cấu bắt buộc, phải tham gia sáp nhập, hợp nhất rồi các ngân hàng khỏe mạnh cũng tiến hành tái cấu trúc toàn diện dẫn đến việc sàng lọc bộ máy nhân sự là điều thể không thể tránh khỏi. Theo chia sẻ của lãnh đạo một ngân hàng thương mại, chỉ có 10% nhân viên ngân hàng “hào hứng” với quá trình tái cấu trúc đang rầm rộ diễn ra, bởi đơn giản họ sợ bị mất việc, giảm lương.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng hay trầm lặng, tài chính ngân hàng vẫn là ngành nghề có vai trò huyết mạch của nền kinh tế, đóng vai trò định hướng chiến lược chính sách tiền tệ, chính sách vĩ mô.
Khi ngân hàng chuyển sang "săn đầu người"
Sự hồi phục trở lại của lĩnh vực tài chính ngân hàng trong hai năm gần đây đã kéo theo bài toán nguồn nhân lực chất lượng cao. Ngày nay trình độ học vấn và các bằng cấp chưa đủ để quyết định trong việc tuyển dụng lao động của nhiều doanh nghiệp và người sử dụng lao động. Nhà tuyển dụng còn căn cứ vào yếu tố cá nhân như kỹ năng, sự nhạy bén trong xử lý công việc và giao tiếp. Do vậy, sinh viên cần phải mở rộng không chỉ là kiến thức về ngân hàng mà còn cần trang bị những kiến thức kỹ năng mềm.
Bà Trần Thị Bảo Quế, Giám đốc Khối tổ chức nhân sự ngân hàng MB nhận định, vẫn còn rất nhiều dư địa cho các bạn sinh viên ngành tài chính, ngân hàng.
Cơ cấu ngành nhân sự ngân hàng hiện nay dẫn đến định hướng phát triển chung của tất cả các ngân hàng là đẩy mạnh phát triển các dịch vụ ngân hàng bán lẻ, phát triển các chuyên gia trong lĩnh vực trọng yếu, công nghệ thông tin, quản trị rủi ro, thẩm định và gia tăng các sản phẩm ngân hàng hiện đại. Đây sẽ là những ngành sẽ cần rất nhiều nhân sự trong thời gian tới.
Tạm tính đến năm 2020, bà Quế cho biết, toàn ngành ngân hàng cần khoảng 300.000 nhân sự, so với con số 240.000 ước tính hiện nay.
Song khác với những cơn “sốt” về số lượng trong thời gian qua, thị trường lao động ngành ngân hàng ngày càng khó tính và đòi hỏi cao. Đây cũng là tình trạng vừa thừa, vừa thiếu trong ngành tài chính, ngân hàng. Sinh viên ra trường hàng năm rất nhiều, nhưng chất lượng chưa đủ đáp ứng yêu cầu nên không được tuyển dụng; còn các ngân hàng luôn trong tình trạng “khát” nhân lực có kiến thức nghề nghiệp vững vàng, năng lực thực tiễn cũng như đạo đức, trách nhiệm xã hội và tác phong chuyên nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT VietinBank cho biết, sắp tới, khi hình thành thị trường chung, các ngân hàng trong khu vực được quyền cung cấp sản phẩm, dịch vụ ngân hàng cho khách hàng vượt biên giới, là cơ hội để ngân hàng nước ngoài tham gia sâu hơn, hiện diện nhiều hơn tại Việt Nam, mức độ cạnh tranh và đặc biệt là vấn đề nhân lực khiến các ngân hàng phải nghiên cứu kỹ. Hiện nay các ngân hàng Việt Nam đã phải cạnh tranh để thu hút nhân tài với các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam rất vất vả, vì vậy sắp tới đây sẽ là một thách thức rất lớn với các nhà băng nội.
Kết quả điều tra cho thấy thị trường lao động của ngành ngân hàng vẫn là một điểm đến hấp dẫn cho người lao động trong thời gian tới bởi nhu cầu tuyển dụng tăng lên trong khi các ngành hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm vẫn được đánh giá là có mức lương bình quân cao nhất.
Kim Tiền
Theo Trí thức trẻ