Hoạt động hợp tác Doanh nghiệp

Việt Nam là 1 trong 3 nền kinh tế VIP của Châu Á

05/11/2015

Trong năm 2016 – 2017, Châu Á sẽ có 3 nền kinh tế VIP, dẫn đầu tăng trưởng ở khu vực, gồm Việt Nam, Ấn Độ và Philippines.

“Xét nền kinh tế toàn cầu, Trung Quốc có thể tăng trưởng chậm lại, Mỹ cũng tăng trưởng chậm hơn so với mong đợi. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là 1 trong 3 quốc gia Châu Á hứa hẹn về tăng trưởng”, ông Glenn B. Maguire, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Châu Á – Thái Bình Dương Ngân hàng ANZ, cho biết trong buổi họp báo Cập nhật thông tin kinh tế Việt Nam 2015 diễn ra chiều 4/11.

Theo ông Glenn, bối cảnh kinh tế toàn cầu hiện nay có một số xu hướng diễn ra cho thấy cán cân rủi ro không cân bằng. Trong đó:

- Giá dầu và giá hàng hóa tiếp tục giảm. Điều này có lợi cho kinh tế và tiêu dùng của Mỹ

- Trung Quốc giảm tốc (giảm nhiều nhất trong khu vực đầu tư – khu vực đóng góp tới 50% GDP)

- Kinh tế Mỹ phục hồi (phục hồi nhiều nhất trong khu vực tiêu dùng – khu vực đóng góp tới 70% GDP)

“Các nền kinh tế khác nhau trên thế giới có rủi ro và tương tác khác nhau với nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc. Chúng tôi đưa ra triển vọng tăng trưởng năm 2016 và so sánh với tốc độ tăng trưởng thực trong năm 2015 để đánh giá nền kinh tế nào tiếp tục tăng trưởng, không tăng trưởng, hay sụt giảm tăng trưởng”, ông Glenn nói.

“Kết quả cho ra một bức tranh đa màu – một hiện tượng ít khi xảy ra khi xu hướng của các nền kinh tế tăng hay giảm tăng trưởng khác nhau đến vậy. Điều này tác động đến thương mại toàn cầu và các nước xuất khẩu nhiều”.

Với riêng khu vực Châu Á, ông Glenn kết luận: Nhìn chung khu vực Châu Á bị ảnh hưởng tiêu cực. Tuy nhiên, 3 quốc gia trong khu vực sẽ không bị ảnh hưởng tiêu cực từ bức tranh đa dạng của nền kinh tế toàn cầu trong năm 2016 - 2017: Đó là Ấn Độ, Philippines, và Việt Nam.

Kinh tế Việt Nam là ánh sáng hiếm hoi trong bức tranh ảm đạm của hầu hết các nền kinh tế mới nổi”, ông Glenn nói.

“Nhìn vào Việt Nam chúng ta phải tự hào về thành tích của Việt Nam so với các nền kinh tế Châu Á khác, kể cả xuất khẩu hay nhập khẩu đều có giá trị đáng kể. Về thị trường tiền tệ, đồng Việt Nam vẫn ổn định trong thời gian qua trong khi đồng Baht của Thái Lan, Ringit của Malaysia hay tiền của Indonesia bị yếu đi đáng kể do ảnh hưởng của suy thoái thương mại”

Theo ANZ, sự suy thoái diễn ra nặng nề nhất ở các quốc gia sản xuất hàng hóa mà cơ cấu xuất khẩu không đa dạng như Malaysia (xuất khẩu hóa lỏng chiếm 10% GDP) hay Indonesia (xuất khẩu dầu thô chiếm 15% GDP).

Trong khi đó, Việt Nam đa dạng hóa các ngành hàng xuất khẩu rất nhanh chóng, từ các mặt hàng truyền thống như dệt may, dầu thô, thủy hải sản là chủ lực; hiện kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng như điện thoại di động, máy tính… các mặt hàng có giá trị gia tăng cao hơn và hàm lượng công nghệ cao hơn.

“Tốc độ đa dạng hóa nhanh chóng góp phần củng cố sức bật, sức bền của kinh tế Việt Nam, giúp chống lại các cú shock kinh tế trong giai đoạn hiện nay”, ông Glenn nhận định.

Tăng trưởng GDP Quý 3 của Việt Nam đạt 6,5% tính từ đầu năm, cao hơn so với dự kiến. Điều này khiến ANZ một lần nữa naagn dự báo tăng trưởng GDP lên 6,8% cho năm 2015 và 6,9% cho năm 2016 (so với dự báo trước đây là 6,5% và 6,5%).

GDP 2017 của Việt Nam được dự báo có thể tăng ở mức 7%, thậm chí 7,5%, và có thể cao hơn tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc 1% trong năm này.

Tuy nhiên, ANZ tiếp tục giữ nguyên quan điểm: Triển vọng tăng trưởng cao hơn của Việt Nam có thể đi kèm theo thâm hụt cán cân vãng lai nhẹ trong trung hạn.

Bảo Bảo - Theo Trí Thức Trẻ

TIN LIÊN QUAN