Vừa qua, Trung tâm Kết nối cộng đồng UEF (TT.KNCĐ) và đối tác DNXH ForGood Việt Nam đã thực hiện buổi lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác (MOU) trong 05 năm tới với nội dung chung là thúc đẩy việc thực hiện 17 Mục tiêu bền vững, trong đó có mục tiêu số 4 - Chất lượng giáo dục và số 5 - Bình đẳng giới, cụ thể thúc đẩy bình đẳng giới; giáo dục kỹ năng chuyển đổi trong bối cảnh thế kỷ 21; hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp và nữ giới khởi nghiệp; và nâng cao năng lực cho thanh niên - sinh viên UEF.
Buổi ký kết có sự tham dự của Chị Trần Thị Ngọc Trân - Đồng sáng lập ForGood, Anh Huỳnh Lê Khánh - Đồng sáng lập ForGood, TS. Nhan Cẩm Trí - Phó hiệu trưởng UEF, TS Đỗ Hữu Nguyên Lộc - Phó hiệu trưởng UEF và Chị Đinh Nguyễn Thiên - Giám đốc TT. KNCĐ UEF.
Thầy Nhan Cẩm Trí - Phó hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Trung tâm Service-Learning là đơn vị có rất nhiều dự án ý nghĩa trong thời gian vừa qua. Thầy có đọc những bài reflection (chiêm nghiệm) của các bạn sinh viên tham gia dự án của Trung tâm và rất cảm động vì thông qua hoạt động Service-Learning đã giúp thế hệ trẻ thay đổi suy nghĩ và hành động. Thầy rất vui vì điều đó. Thầy hy vọng sự hợp tác sắp tới sẽ đem đến cho các bạn nhiều cơ hội trải nghiệm thú vị để các bạn hiểu rằng, sống trên cuộc đời này ngoài việc phát triển giá trị bản thân còn cần đóng góp tạo giá trị cho cộng đồng.”
Trong phần chia sẻ của mình, anh Huỳnh Lê Khánh - Đồng sáng lập ForGood Việt Nam có nói: “Chúng ta là những người trẻ đang được sống trong một nền Kinh tế Xanh - nền Kinh tế hạnh phúc. Sự kết hợp giữa ba yếu tố Kinh tế - Xã hội - Môi trường tạo nên nền kinh tế sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng và tài nguyên thiên nhiên, có mức phát thải thấp và giảm thiểu những rủi ro về môi trường và cải thiện công bằng xã hội. Cụm từ “Kinh tế Xanh” đã không còn xa lạ khi việc phát triển kinh tế hiện đại đã có chiều hướng biến đổi mới.
Kinh tế Xanh được coi là mô hình phát triển chất lượng cao, là mô hình phát triển theo chiều sâu, lấy mục tiêu “lồng ghép bảo vệ môi trường, giảm rác thải carbon trong sản xuất kinh doanh” làm động lực phát triển.
Thứ nhất, kinh tế Xanh là nền kinh tế thân thiện với môi trường, giảm phát thải khí nhà kính để giảm thiểu biến đổi khí hậu.
Thứ hai, kinh tế Xanh là nền kinh tế tăng trưởng theo chiều sâu, ít hao tổn nhiên liệu, tăng cường các ngành công nghiệp sinh thái, đổi mới công nghệ.
Thứ ba, kinh tế Xanh là nền kinh tế tăng trưởng bền vững, xóa đói giảm nghèo và phát triển công bằng xã hội.
Anh Huỳnh Lê Khánh - người đồng sáng lập ForGood Việt Nam chia sẻ thêm: “Anh sinh ra và lớn lên ở một vùng nghèo tại Bến Tre và anh được chứng kiến những bất công của phụ nữ, trẻ em quê anh. Hơn nữa anh là người của cộng đồng LGBT và mất 20 năm để anh có thể đối mặt với sự kỳ thị và bất công từ xã hội. Kinh tế Xanh là một nền kinh tế của hạnh phúc nghĩa là nó sẽ đảm bảo hạnh phúc cho tất cả đối tượng tham gia nền kinh tế đó…”
“Kinh tế xanh đúng nghĩa sẽ là giải pháp đảm bảo được phát triển kinh tế đồng thời cũng góp phần bảo vệ những vấn đề khác liên quan đến môi trường sống của con người. Hiện nay có nhiều đơn vị lợi dụng cụm từ “kinh tế xanh” để thu hút thị trường nhưng hoàn toàn không đảm bảo được như cam kết, khiến người tiêu dùng mất lòng tin và đây cũng là hạn chế cho những người làm thật.” Thế mới thấy, mỗi bản thân chúng ta cần trau dồi những kiến thức, kỹ năng thật đầy đủ và sâu để có thể làm việc trong nền kinh tế mới. Kỹ năng xanh được anh Huỳnh Lê Khánh nhắc đến chính là kiến thức, khả năng, giá trị và thái độ cần thiết để sống, phát triển và hỗ trợ một xã hội bền vững và hiệu quả về tài nguyên.
Ngay sau đó, phần chia sẻ của chị Ngọc Trân - Đồng sáng lập ForGood Việt Nam đã có phần chia sẻ gây ấn tượng ngay từ những giây đầu tiên. Bằng cách đưa ra các câu hỏi cùng với những câu trắc nghiệm, cả phòng họp có lúc lặng thinh vì những đáp án “biết nói”: “Có 67% phụ nữ mù chữ trong số tất cả những người mù chữ của thế giới; có 650 triệu phụ nữ kết hôn trước năm 18 tuổi; trung bình phụ nữ trả lương thấp hơn 24% so với nam giới; trong số 500 cty lớn nhất thế giới phụ nữ là CEO chiếm 5%...”
Rồi tất cả gần như đứng hình với câu hỏi tiếp theo của chị Ngọc Trân: “Vậy trong suốt khoảng thời gian từ khi bạn sinh ra bạn đã làm gì để góp phần giải quyết những vấn đề về sự bất bình đẳng này?” Những thông tin chị Ngọc Trân chia sẻ sau đó giúp mọi người hiểu hơn về ForGood Việt nam, đây là một Doanh nghiệp xã hội, các hoạt động của ForGood Việt Nam hướng đến những giá trị tích cực, kiên cường, bền vững trau dồi những kỹ năng cơ bản cần thiết để có thể phát triển, thể hiện năng lực và cống hiến cho xã hội.
Cuối chương trình là phần ký kết hợp tác chiến lược giữa Trung tâm Kết nối cộng đồng UEF và ForGood Việt Nam, buổi ký kết là bước đầu cho những thảo luận, kế hoạch hợp tác trong 5 năm giữa hai bên, nhằm nỗ lực mang lại cơ hội học tập, phát triển năng lực cho sinh viên, cụ thể là các câu lạc bộ khởi nghiệp trẻ, kinh doanh trẻ tại trường UEF. Đây cũng là lý do, TT.KNCĐ có lời mời đại diện của các câu lạc bộ như: CLB Business Ideas Hub - BiHub, Đại diện CLB Nhà Hoạch định Tài chính trẻ - YFDM, Đại diện CLB Young Promising Managers - YMP, và các bạn sinh viên quan tâm đến khởi nghiệp xanh đến tham dự chương trình.
Chương trình kết thúc trong nhiều cái “chạm” giữa những điều chưa từng biết như một bạn có chia sẻ: “Em không ngờ mình lại vô tâm như vậy, những điều anh chị trao đổi trong buổi hôm nay như một cái gì đó khiến em sốc, vì em lại không nghĩ là nó quan trọng, cũng như kinh tế xanh em chỉ nghĩ là bán sản phẩm thân thiện môi trường, nhưng nó còn rộng hơn thế, em thích từ kinh tế hạnh phúc!”; Hay còn “chạm” đến một cơ hội như một bạn khác chia sẻ: “Anh Chị chia sẻ rất tận tình và cho em biết thêm nhiều kiến thức bổ ích, còn tạo tạo dựng cơ hội cho tất cả đối tượng tham gia khởi nghiệp”
Cùng xem thêm vài hình ảnh tại chương trình:
Đại diện câu lạc bộ đặt câu hỏi cho khách mời
Sinh viên chia sẻ và đặt câu hỏi cho các vị khách mời
Đại diện sinh viên và các câu lạc bộ chụp hình lưu niệm cùng các vị khách mời sau chương trình
Tin: Mỹ Liên
Ảnh: Hùng Lâm