Không nhận thấy rõ như nỗi đau thể xác, thế nhưng những vết thương và sang chấn về mặt tâm lý vẫn có thể dẫn đến nhiều hậu quả vô cùng nghiêm trọng, lâu dài cho từng cá nhân. Ngày nay, khi trào lưu “chữa lành” đang dần trở nên phổ biến, các bạn trẻ chọn lựa tin tưởng những biện pháp không khoa học thay vì tìm kiếm sự giúp đỡ từ các bộ phận chuyên môn. Vậy, chúng ta đang và sẽ làm gì để ngăn chặn điều này xảy ra?
Sáng ngày 15/3, Trung tâm Kết nối cộng đồng UEF đã phối hợp cùng Doanh nghiệp xã hội Kỹ năng sinh tồn Survival Skills Vietnam tổ chức buổi
workshop “First Aid for Mental Health – Sơ cứu sức khỏe tinh thần” nhằm giúp UEFers trả lời câu hỏi trên.
Workshop về cách sơ cứu sức khỏe tinh thần nhận được nhiều sự quan tâm từ sinh viên
Tham dự chương trình có ThS. Trần Thị Mỹ Phượng - Giám đốc Trung tâm Kết nối cộng đồng UEF, ông Tony Coffey - Giám đốc đào tạo Survival Skills Vietnam và chị Trang Jena Nguyễn - Đồng sáng lập, Phó giám đốc Survival Skills Vietnam.
Đại diện UEF trao thư cảm ơn đến diễn giả
Là chuyên gia y tế với hơn 30 năm kinh nghiệm cứu hộ, cứu nạn, tác giả của nhiều đầu sách và giáo trình đào tạo sơ cứu phổ biến ở Úc và New Zealand, ông Tony Coffey đã cùng chị Trang Jena Nguyễn giúp các bạn sinh viên hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc sơ cứu sức khỏe tinh thần (FAMH). Buổi workshop được diễn ra với 2 phần chính: chia sẻ lý thuyết và thực hành.
UEFers nắm bắt thêm nhiều thông tin về sức khỏe tâm lý qua chia sẻ của diễn giả
Trước những nguyên tắc cần lưu ý của FAMH: Không chẩn đoán; không điều trị, chữa trị; không phán xét; không tranh cãi với người có bệnh sức khỏe tinh thần,... diễn giả nhấn mạnh hậu quả nghiêm trọng của việc tự ý “chữa lành” cho người khác. Song song đó, sinh viên Nhà UEF cũng được tiếp cận với các thông tin về nguyên nhân gây bệnh lý tâm thần, căn bệnh trầm cảm và rối loạn lo âu, nguy cơ tự sát,...
Các bạn sinh viên được giải đáp trực tiếp những thắc mắc với diễn giả
Không chỉ lắng nghe lý thuyết, UEFers đã có phần thực hành đầy thú vị khi đóng vai bệnh nhân mắc bệnh tâm lý và người đưa ra lời khuyên. Tiến hành theo 4 bước: Kiểm tra các yếu tố rủi ro, đánh giá nguy cơ tự sát, động viên và lắng nghe, khuyến khích tìm trợ giúp. Chắc rằng các bạn sinh viên giờ đây đã nắm bắt được cách giải quyết đúng đắn khi gặp những trường hợp tương tự.
UEFers thích thú trước phần thực hành thú vị và hữu ích
Bằng vốn kiến thức sâu rộng cũng như những kinh nghiệm thực tế của mình, diễn giả đã mang đến cho sinh viên những kiến thức hoàn toàn mới lạ về cách nhận biết những dấu hiệu và phương pháp hỗ trợ các vấn đề sức khỏe tinh thần thường xuất hiện trong cộng đồng. Bên cạnh đó, Survival Skills Việt Nam trao tặng UEF phần quà vô cùng ý nghĩa là 12 suất học bổng sơ cứu trị giá 11.000.000 đồng dành cho những bạn sinh viên thực sự mong muốn học các kỹ năng sơ cứu.
Đây sẽ là bài học bổ ích giúp UEFers thấu hiểu bản thân và mọi người xung quanh hơn, vì dẫu sao những căn bệnh về tâm lý đều khó phát hiện và để lại “vết thương lòng” rất lâu.
Tin: Bảo Như
Ảnh: Thái Sơn