Môn học gắn kết cộng đồng

Từ môn học đến thực tế của sinh viên Quản trị kinh doanh với môn học lồng ghép Service-Learning

16/01/2024
Tiếp nối chuỗi tổng kết các môn học Service-Learning của sinh viên UEF trong kỳ học 1B năm học 2023-2024, các sinh viên môn học Phương pháp nghiên cứu kinh doanh thuộc khoa Quản trị Kinh doanh UEF đã có khoảng thời gian ngồi lại với nhau cùng nhìn về hành trình vừa qua tại “Buổi báo cáo nghiệm thu môn học Service-Learning” vào ngày 12/01/2024. 

Với sự hướng dẫn của TS Huỳnh Nhựt Nghĩa - Phó Trưởng Khoa, Giảng viên khoa Quản trị kinh doanh và 2 doanh nghiệp xã hội đồng hành là Monabee và A happier me. Phương pháp nghiên cứu kinh doanh là môn học có nhiều sinh viên tham gia mô hình lồng ghép Service-Learning nhất trong học kỳ này với 152 sinh viên tham gia chia thành 33 nhóm từ 4 lớp học. 

Buổi báo cáo tổng kết môn học Phương pháp nghiên cứu kinh doanh 

Với sinh viên Ngành quản trị kinh doanh, những “nhà quản trị” tương lai, quá trình thực hiện môn học Service-Learning được tô sáng bởi những khảo sát thực tế từ công chúng qua nhiều phương pháp và sử dụng phần mềm phân tích dữ liệu SPSS để phân tích chính xác các số liệu khảo sát. Điều này mang đến hiệu quả rõ rệt trong việc đánh giá tính khả thi của giải pháp được đưa ra bởi các nhóm. 

Trong bài báo cáo về đề tài cho thương hiệu Monabee với dòng sản phẩm mật ong Mother Nature, các vấn đề được nêu thông qua kết quả khảo sát thực tế từ người tiêu dùng. Từ đó, các nhóm sinh viên đưa ra các đề xuất giải pháp giúp mật ong Mother Nature phủ sóng rộng rãi hơn với người tiêu dùng. Qua góc nhìn sáng tạo của các “nhà quản trị” tương lai, mật ong Mother Nature được đề xuất phát triển dưới hình thức đa dạng hoá sản phẩm với các mặt hàng sốt ướp thịt mật ong, mặt nạ mật ong, nước uống mật ong,... giúp tiếp cận nhiều hơn với người tiêu dùng. 

Bên cạnh việc đẩy mạnh doanh số từ phát triển sản phẩm, các nhóm sinh viên đưa ra những đánh giá khách quan về tình hình xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp trên các nền tảng mạng xã hội từ đó đưa ra định hướng xây dựng thương hiệu theo xu hướng phát triển của thời đại số. 


Sinh viên lắng nghe chia sẻ của doanh nghiệp về tính khả thi của giải pháp 

Anh Phạm Văn Chính - Founder Monabee nhận xét “Ý tưởng mở rộng nhiều dòng sản phẩm khác của các bạn rất đáng ghi nhận. Rất cảm ơn sự gợi ý từ các bạn và tôi sẽ cân nhắc về những đề xuất này trong tương lai.”

Theo sát hành trình nghiên cứu và thực thi bài báo cáo của sinh viên, Thầy Nghĩa cũng cho rằng “Việc các bạn đưa ra những sáng kiến mới cho sản phẩm là một ý kiến đột phá và tôi đánh giá cao những sáng kiến này.”

Không chỉ đưa ra giải pháp cải thiện các điểm thiếu sót, các nhóm sinh viên còn chỉ ra các điểm mạnh cần duy trì và phát huy đồng thời tìm ra được yếu tố đáng quan tâm của sản phẩm ảnh hưởng đến quyết định mua hàng. Từ đó xây dựng giải pháp hợp lý, hiệu quả. 

Tương tự, các sinh viên thuộc nhóm đề tài Sổ tay nhật ký A Happier me cũng áp dụng nhiều phương pháp khảo sát từ trực tuyến, đến trực tiếp từ công chúng để tìm hiểu định vị sản phẩm trên thị trường. 


Dựa vào phản hồi của các đối tượng khảo sát, Sổ tay nhật ký được định hướng đến gần hơn với khách hàng qua các video hướng dẫn sử dụng sổ, lời khuyên của chuyên gia tâm lý với các phương pháp chữa lành bằng việc viết và xây dựng kênh podcast chia sẻ để kết nối với người dùng. 

Để đưa ra những giải pháp trên, bạn sinh viên chia sẻ “em là một người thích sổ tay và em cũng đã tự trải nghiệm qua sản phẩm Sổ tay nhật ký này để đưa ra những đánh giá từ một người dùng”. Ngoài ra để tăng tính cộng đồng của sản phẩm, sinh viên đề xuất việc tài trợ Sổ tay nhật ký cho các trường, hội nhóm, cộng đồng người yếu thế để lan tỏa ý nghĩa cốt lõi của sản phẩm. 

“Các bạn trình bày rõ ràng dễ theo dõi và liền mạch. Những đề xuất đưa ra phù hợp với doanh nghiệp và cho thấy các bạn có nghiên cứu sâu về đề tài” là nhận xét từ chị Nguyễn Thị Phương Anh - Founder A Happier me sau bài báo cáo của các nhóm sinh viên. 

Sinh viên nhận giấy chứng nhận hoàn thành môn học lồng ghép Service-Learning 

Những nhận xét được đưa ra qua góc nhìn thực tế từ doanh nghiệp và các góp ý chuyên môn  giảng viên hướng dẫn giúp các bạn củng cố kiến thức chuyên ngành, đồng thời cải thiện các giải pháp phù hợp với hiện trạng. 

Cũng tại buổi báo cáo, sự kết nối của Trung tâm Service-Learning đã mở ra cơ hội ký kết hợp tác giữa doanh nghiệp và khoa Quản trị kinh doanh trong thời gian gần để tiếp tục được đồng hành cùng sinh viên và cho nhiều bạn trẻ có cơ hội được trải nghiệm thực tế từ lớp học với mô hình này.

“Em đã được trải nghiệm để cải thiện những kỹ năng còn thiếu sót, được phỏng vấn các cô, chú, anh, chị khách hàng về sản phẩm của doanh nghiệp mà em đang thực hiện, được tiếp nhận thêm các kinh nghiệm từ thầy cô. Từ đó, em nhận thấy để duy trì một sản phẩm trên thị trường đòi hỏi rất nhiều yếu tố và khách hàng là những bài học đáng giá nhất mà những nhà kinh doanh tương lai như em cần quan tâm hàng đầu.” - sinh viên chia sẻ trong phần reflection sau môn học. 



Và với những cố gắng bền bỉ đó, tấm giấy chứng nhận hoàn thành môn học Service-Learning là hoàn toàn xứng đáng cho hành trình 8 tuần đồng hành và phát triển cùng đề tài của mình.
 

Tin: Thanh Trúc 
Ảnh: Kỳ Nam 
TIN LIÊN QUAN