Phản hồi của sinh viên

Thục Nhi: Lan tỏa tình yêu thương qua hành động vì cộng đồng

15/02/2025

Cuộc sống không phải là đường thẳng, cách duy nhất để trưởng thành là phải không ngừng tiến về phía trước. Quẩn quanh những câu hỏi làm sao tìm ra con đường phù hợp cho bản thân, có thể bạn sẽ muốn nghe câu chuyện của Trần Hoàng Thục Nhi, một cựu sinh viên ngành Kinh doanh quốc tế từng theo học tại Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF). Với mong muốn học hỏi nhiều điều mới và tích lũy kinh nghiệm, Nhi đã lựa chọn Trung tâm Kết nối cộng đồng UEF (TT.KNCĐ UEF) là điểm xuất phát trên chặng đường chinh phục những chướng ngại sau này.

Được mọi người xung quanh biết đến qua những tính từ tích cực như kết nối tốt, tích cực, hòa đồng, việc Thục Nhi rời đi đã để lại một khoảng trống không nhỏ cho ban điều phối dự án Nụ cười em thơ (NCET) - hiện đang là một trong ba dự án năng nổ nhận được nhiều sự quan tâm, với sự đồng hành và dẫn dắt của TT.KNCĐ UEF.





Mặc dù đã từng có kinh nghiệm giảng dạy từ trước nhưng theo như Thục Nhi chia sẻ, đến với các mái ấm, bạn giảng dạy ở những lớp học “rất khác”, với nội dung giảng dạy cũng không giống với thông thường. Nhi bồi hồi kể lại: “Từ những ngày đầu tiên mình ứng tuyển vào dự án, mình ngay lập tức dạy học tại mái ấm Truyền Tin. Các bé ở đây phần lớn đều có hoàn cảnh đặc biệt nên mình thương và mến tụi nhỏ dữ lắm. Hiểu được tầm quan trọng của những kỹ năng sống, tụi mình đã lên giáo án và dạy các em vào những ngày cố định trong tuần với mục đích giúp các em phát triển sự tự tin, tích cực, chủ động trong giao tiếp, tự lập, tự giác trong sinh hoạt hằng ngày”. Thục Nhi cũng mong rằng, với những kỹ năng mà đội giảng dạy lồng ghép trong từng bài giảng, các em có thể phần nào sử dụng để bảo vệ bản
thân trước những nguy cơ đối với sức khỏe trong tương lai.



Việc thay đổi từ thành viên rồi trở thành ban điều phối là một bước chuyển lớn với Thục Nhi. Trong quá trình đó, đứng trước những suy tư về trách nhiệm và trọng trách phải gánh vác, Nhi chia sẻ, bạn cũng đã từng tự hỏi liệu mình có thể đảm nhận được vị trí đó không? Liệu bạn có sẵn sàng gánh vác trọng trách đó chưa? Tuy nhiên, khi những khó khăn ập đến, Nhi đã lựa chọn đối mặt để đương đầu với những thử thách đó. “Chẳng hạn, trong việc tìm kiếm đối tác mới đôi khi lại xuất hiện những vấn đề không phù hợp với định hướng của dự án. Hay khó khăn lại đến từ các nhóm giảng dạy vì với vai trò điều phối, khi dự án phát triển, mình không thể trực tiếp theo sát từng nhóm giảng dạy được. Dù qua báo cáo mọi thứ có vẻ ổn, nhưng thực tế, bên trong có những vấn đề về thành viên, việc giảng dạy thực sự chưa đạt hiệu quả như yêu cầu hay các bé khó tiếp thu được bài”.

Nhi cũng chia sẻ thêm: “Hiện tại mình đang ở vai trò một cố vấn chuyên môn. Công việc của mình cụ thể sẽ là đưa ra góp ý cho các bạn về những vấn đề phát sinh trong quá trình dạy học hoặc nêu những ý kiến, góp ý trong việc tổ chức các sự kiện của dự án. Và tất nhiên là những công việc đó được thực hiện online qua google meet nên đôi khi cũng không tránh khỏi những sai sót và vướng mắc trong quá trình truyền đạt thông tin. Thực sự là giai đoạn nào cũng có khó khăn mà (cười)”.


Vào những lúc lâm vào bế tắc, bạn rất biết ơn những buổi tập huấn của chị Trần Thị Mỹ Phượng (Giám đốc TT.KNCĐ UEF) và chị Huỳnh Kim Phụng (Điều phối viên TT.KNCĐ UEF) đã chỉ điểm cho bạn rất nhiều điều không chỉ về kỹ năng chuyên môn, quy mô quản lý dự án mà còn về khả năng đưa ra quyết định.

Nhớ lại những ngày đầu gặp các em nhỏ ở mái ấm, Nhi không khỏi bồi hồi cảm xúc khi chính các em đã khơi gợi trong bạn sự hồn nhiên và vui vẻ. Những niềm vui các em mang lại như một món quà vô giá, giúp bạn tìm lại “đứa trẻ bên trong mình” để cùng vượt qua những cảm xúc tiêu cực trong cuộc sống. Ngoài những món quà về tinh thần, Nhi cũng cười giòn khi nhớ lại những kỷ niệm được các em trao cho những hộp rau câu, bánh flan hay một cái ôm và câu nói: “Hôm sau anh chị lại tới nữa nhé!”.


Câu chuyện của Thục Nhi không chỉ là hành trình đi tìm, khám phá bản thân, mà còn là minh chứng cho ý nghĩa của việc “cho đi và nhận lại” trong cuộc sống. Những trải nghiệm tại dự án NCET đã giúp Nhi trưởng thành hơn về cả kỹ năng lẫn suy nghĩ, đồng thời tạo ra những giá trị bền vững cho cộng đồng mà bạn luôn mong muốn đóng góp. Từ những ngày đầu còn nhiều bỡ ngỡ đến vai trò là cố vấn hiện tại, Thục Nhi đã không ngừng tiến về phía trước, vượt qua mọi khó khăn để trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình. Con đường mà Thục Nhi lựa chọn - dù có nhiều chông gai - đã giúp cô trở thành hình mẫu truyền cảm hứng cho những ai cũng đang tìm kiếm lối đi của mình.

Khép lại hành trình “làm việc vì cộng đồng” tại TT.KNCĐ, chúc Nhi sẽ gặt hái được nhiều thành công và hy vọng bạn sẽ tiếp tục lan tỏa những điều ngọt ngào đến phần còn lại của thế giới!
TIN LIÊN QUAN