1. Service-Learning là gì?
Service-Learning là trải nghiệm học tập gắn với việc phục vụ cộng đồng một cách có kế hoạch, có định hướng, cũng như thiết kế các cơ hội để sinh viên có thể phản hồi, suy ngẫm từ những trải nghiệm học tập-phục vụ này. Service-Learning ở giáo dục đại học có lịch sử hàng chục năm ở các nước Âu, Mỹ, và là xu hướng phát triển mạnh trong vòng 10 năm qua tại các nước tiên tiến ở châu Á.
Trường Đại học Kinh tế - Tài chính thành phố Hồ Chí Minh (UEF) là một trong những trường đại học đầu tiên ở Việt Nam có Trung tâm Service-Learning nhằm phát triển các nội dung phục vụ cộng đồng lồng ghép vào chương trình đào tạo, tạo ra văn hóa phục vụ cho sinh viên, góp phần thực hiện sứ “mạng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu xã hội và hội nhập toàn cầu; xây dựng môi trường tự do học thuật và nghiên cứu giúp người học phát triển toàn diện, năng động và sáng tạo; phát triển năng lực làm việc thực tế, tính chuyên nghiệp và tinh thần trách nhiệm với xã hội thông qua việc kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp và cộng đồng”.
2. Service-Learning đem lại lợi ích gì?
Đối với sinh viên: hoạt động Service-Learning mang lại những trải nghiệm thực tế và sự thấu hiểu sâu sắc về bối cảnh và yếu tố kinh tế, xã hội, văn hóa và cả chính trị hình thành nên những khái niệm nêu ra trong môn học; Service-Learning đem lại cho sinh viên các nhóm kỹ năng quan trọng:
Khả năng suy nghĩ phản biện
- Biết cách xác định vấn đề của cộng đồng.
- Tìm ra các nguyên nhân gốc rễ của một vấn đề, từ đó có cơ sở phát triển những hiểu biết và trách nhiệm công dân mang tính thời đại.
- Đề xuất được những giải pháp/hoặc giải pháp thay thế cho một vấn đề.
- Đánh giá các thông tin và tìm ra những vấn đề khúc mắc.
- Biết cách liên kết và tương tác giữa những nguyên tắc chuyên môn trong ngành mình theo học với những nguyên tắc của các cộng đồng, xã hội (sự việc, quy định, quy trình…).
Kỹ năng giao tiếp
- Biết cách giao tiếp lời nói hiệu quả (các cuộc họp, trao đổi qua điện thoại, thương lượng…).
- Biết lắng nghe trong quá trình giao tiếp.
- Biết cách giao tiếp ngôn ngữ viết hiệu quả (email, memo, thỏa thuận, viết mục tiêu, báo cáo, bài phản hồi…).
- Biết tranh luận hiệu quả khi đề xuất ý tưởng hay giải pháp khác.
- Học cách giao tiếp nhóm hiệu quả.
- Biết cách trình bày, thương lượng, trao đổi với đối tác.
Kỹ năng nghề nghiệp và làm việc nhóm
- Phát triển kỹ năng lãnh đạo.
- Biết cách làm việc nhóm và làm việc với các bên liên quan.
- Có hiểu biết thực tế về những trách nhiệm hàng ngày trong công việc và ngành nghề mà sinh viên đang theo học.
- Biết cách lập kế hoạch, lập đề án cho một can thiệp cụ thể, giải quyết một nhu cầu cụ thể của cộng đồng, với những hoạch định logic cơ bản như mục tiêu cần đạt được, đầu ra/kết quả, hoạt động, nguồn lực, khung thời gian…
- Có những kỹ năng nghề nghiệp giúp đóng góp cho xã hội trong tương lai (quan tâm tới những tác động về môi trường, con người, văn hóa…).
Trách nhiệm dân sự
- Hình thành suy nghĩ rằng người ta có thể dành thời gian đóng góp cho cộng đồng xung quanh họ.
- Quan tâm đến các vấn đề của địa phương và có thói quen tìm hiểu về khu vực xung quanh nơi mình sinh sống, học tập, làm việc.
- Giúp sinh viên hình thành thói quen lên kế hoạch cải thiện cộng đồng địa phương.
- Tin rằng họ có thể đem lại tác động tích cực trong việc giải quyết những vấn đề xã hội ở địa phương của mình.
Trách nhiệm công dân toàn cầu
- Có nhận thức nhân bản về con người do được tiếp xúc với các cộng đồng thiệt thòi.
- Rất thoải mái khi làm việc trong những môi trường văn hóa khác biệt.
- Được tiếp xúc với con người có văn hóa khác nhau, hoặc những dân tộc khác nhau.
- Hiểu rằng có những quan điểm khác biệt về những vấn đề quốc tế.
- Nhận ra những tác động liên đới có thể có từ những gì mình làm tới các cộng đồng lân cận và xa hơn thế.
Phát triển học thuật và thành công trong học tập
- Hiểu được những nội dung học thuật có thể sử dụng trong cuộc sống hàng ngày như thế nào.
- Học tập tốt hơn với các môn học có hoạt động thực tế.
- Nhìn thấy sự liên quan giữa hoạt động học tập ở trường đại học với những hoạt động đời thực.
Đối với xã hội: Service-Learning giúp hình thành một thế hệ nhân lực tiên tiến, nhân bản hơn, sớm nhận thức sâu sắc các vấn đề của xã hội phát triển, có trách nhiệm với xã hội và thấu hiểu các vấn đề mang tính toàn cầu.
3. Service-Learning khác với thực tập và tình nguyện như thế nào?
Service-Learning là hoạt động đóng góp thời gian, công sức và kỹ năng để giải quyết một vấn đề của cộng đồng, thường là thông qua các tổ chức, cơ quan phi lợi nhuận, và không nhận thù lao. Trong khi đó, thực tập bao gồm làm việc cả ở các công ty kinh doanh, có lợi nhuận, và đôi khi thực tập có thể bao gồm nhận thù lao. Ở hoạt động thực tập, cá nhân sinh viên được hưởng lợi (có cơ hội thực tập nghề nghiệp) hơn là cơ quan, tổ chức nhận thực tập.
Hoạt động tình nguyện cũng khác với Service-Learning dù khó phân biệt hơn.
Khác biệt giữa Service-Learning và tình nguyện
Service-Learning |
Tình Nguyện |
Học tập |
Mục tiêu của hoạt động này là học tập, và các hoạt động gắn kết chặt chẽ với nội dung môn học. |
Có thể làm ngẫu hứng, không có định hướng học tập.
|
Người giáo dục |
Cả giảng viên và cộng đồng cùng là nhà giáo dục, hoạt động giáo dục được hai bên cấu trúc, định hướng từ trước. |
Không có định hướng, kế hoạch giáo dục. Tình nguyện viên có thể tình cờ học được điều gì đó. |
Tính chất công việc |
Tình nguyện, không nhận thù lao. Người học phải trả phí cho yếu tố học tập. |
Tình nguyện, không nhận thù lao. Tình nguyện viên đôi khi phải trả phí tham gia một số chương trình |
Người hưởng lợi |
Cả người học và cộng đồng cùng hưởng lợi. |
Cộng đồng hưởng lợi nhiều hơn |
Kỹ năng |
Đòi hỏi có kỹ năng (hoặc đã được chuẩn bị các kỹ năng) |
Có thể có kỹ năng hoặc không |
Thời gian cam kết |
Thường là một học kỳ hay nguyên năm học |
Bất cứ khoảng thời gian nào |
Cơ hội nghề nghiệp |
Một kinh nghiệm nghề nghiệp tốt |
Có thể xem là kinh nghiệm nghề nghiệp |
Tính chất cộng đồng |
Tập trung vào việc làm việc với cộng đồng và học tập từ cộng đồng nhiều hơn. |
Ít định hướng giáo dục khi thực hiện hoạt động |