Với sự góp mặt của 10 tổ chức cộng đồng và đông đảo các bạn sinh viên, chương trình “Ngày hội kết nối cộng đồng” do Trung tâm Kết nối cộng đồng, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF) tổ chức vào ngày 25/7 vừa qua đã trở thành một không gian gắn kết giữa Nhà trường với các tổ chức phi lợi nhuận, đồng thời tạo môi trường để sinh viên tìm hiểu các hoạt động cộng đồng, thể hiện tinh thần trách nhiệm xã hội của các bạn trẻ hiện nay.
Ngày hội diễn ra trong không khí cởi mở, tràn đầy năng lượng với 3 hoạt động chính: Triển lãm gian hàng, giới thiệu thông tin các tổ chức cộng đồng; Báo cáo tổng kết các dự án Service - Learning tại UEF và Hội thảo "Kinh tế tuần hoàn - doanh nghiệp Sai-tex International"; Hội thảo kết nối “Chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng mô hình Service – Learning vào môn học”.
Ngày hội diễn ra với nhiều hoạt động đặc sắc
Kết nối và phục vụ cộng đồng qua gian hàng triển lãm
Ngày hội quy tụ các gian hàng đến từ 10 tổ chức cộng đồng, tổ chức phi chính phủ gồm: Trung tâm khuyết tật và phát triển, Trung tâm hỗ trợ phát triển cộng đồng LIN, Doanh nghiệp xã hội Nhà của thời thơ ấu, Bạn trẻ em đường phố, Dự án Diều Ngược Gió, Sân khấu nhỏ Ibsen, Mái ấm Truyền tin, Doanh nghiệp xã hội Vietnamese Bamboo, Dự án Upshift, Tổ chức Ruy Băng Tím.
Phát biểu tại chương trình, ThS. Bùi Quang Đông – Trưởng phòng Công tác sinh viên, Giám đốc Trung tâm Kết nối cộng đồng UEF gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các tổ chức đã tham gia sự kiện có ý nghĩa thiết thực của Nhà trường, đồng thời hy vọng mối quan hệ hợp tác lâu dài và tốt đẹp giữa Nhà trường với các tổ chức trên.
ThS. Bùi Quang Đông chia sẻ mở đầu chương trình
Không chỉ hướng tới việc trưng bày, giới thiệu sản phẩm đến các bạn sinh viên, thông qua hoạt động ở ngày hội, các tổ chức mong muốn góp phần tăng cường nhận thức và nâng cao sự hiểu biết của các bạn trẻ về các vấn đề xã hội, cảm nhận cuộc sống khác, tôn trọng sự khác biệt, thấu cảm nhiều hơn với những hoàn cảnh đặc biệt, như chị Trần Thị Hồng Đào – Dự án Diều Ngược Gió chia sẻ.
Những trò chơi tập thể đã kết nối mọi người lại gần nhau hơn
Hiểu hơn về kinh tế tuần hoàn hướng đến sự phát triển bền vững
Nằm trong chuỗi hoạt động của ngày hội, Hội thảo “Kinh tế tuần hoàn” do công ty Sai-tex International (trụ sở tại Mỹ và nhà máy tại khu công nghiệp Amatar – Đồng Nai) chia sẻ đã giúp các bạn sinh viên hiểu hơn về khái niệm “Kinh tế tuần hoàn” - một trong những xu hướng phát triển của các tập đoàn lớn trong những năm gần đây.
Nhiều kiến thức thực tế bổ ích được công ty Sai-tex International chia sẻ tại chương trình
Kinh tế tuần hoàn là một mô hình kinh tế trong đó đặc biệt chú trọng đến quản lý và tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín nhằm loại bỏ những tác động tiêu cực đến môi trường. Ví dụ: thay vì bỏ đi những chiếc quần jean cũ, chúng ta có thể làm mới chúng bằng cách trang trí và bán lại với giá hợp lý; hoặc những chiếc quần jean cũ này có thể được thu gom và tái chế lại thành những vật liệu hoàn toàn mới ứng dụng trong lĩnh vực xây dựng, nông nghiệp xanh mà Sai-tex International đang triển khai hiện nay.
Sinh viên UEF tổng kết các dự án Service – Learning đã thực hiện trong thời gian qua
Cũng tại hội thảo, các bạn sinh viên UEF tham gia dự án “Thành công với lòng thấu cảm” đã có những tổng kết về hoạt động. Theo đó, các bạn đã được trau dồi kỹ năng và nâng cao nhận thức về trách nhiệm công dân, phát triển cộng đồng bền vững và tự rèn luyện bản thân để trở thành công dân tốt trong tương lai.
Ứng dụng mô hình Service – Learning vào môn học tại UEF
Không chỉ chú trọng đào tạo kiến thức học thuật trên lớp, UEF còn tạo điều kiện cho các bạn sinh viên tham gia các dự án cộng đồng cũng như lồng nghép mô hình Service – Learning vào từng môn học cụ thể nhằm đa dạng hóa kiến thức cho các bạn.
Theo đó, UEF đã lồng ghép mô hình học tập này vào 2 môn học là Quản trị thương hiệu (khoa Kinh tế) và Thiết kế web (khoa Công nghệ thông tin) và đã đạt được những thành công nhất định.
ThS. Lý Đan Thanh – Phó trưởng khoa Kinh tế chia sẻ về những thuận lợi và khó khăn khi áp dụng mô hình Service – Learning vào môn Quản trị thương hiệu
Thầy Hoàng Văn Hiếu đưa ra nhiều giải pháp để lồng ghép mô hình học tập Service – Learning vào môn Thiết kế web
Ở vị trí là tổ chức cộng đồng, bà Nguyễn Ngọc Bảo Dung – Sân khấu nhỏ Ibsen cho biết: “Mô hình học tập gắn kết cộng đồng mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho sinh viên như: Thực tế, học được ngay, trải nghiệm được và rút kinh nghiệm được ngay. Đồng thời tìm được tiếng nói chung của cả 3 bên Sinh viên – Giảng viên – Cộng đồng”.
Cùng xem thêm một số hình ảnh nổi bật tại ngày hội:
Tin: Kim Bằng, ảnh: Huy Trịnh – Quỳnh Như