Vừa qua, các bạn sinh viên UEF tham gia dự án “Xoay tròn” đã hoàn thành xong giai đoạn tập huấn kỹ năng. Trong chặng đường này, các bạn đã nhận được sự hướng dẫn từ các anh chị chuyên gia giàu kinh nghiệm hoạt động cộng đồng: anh Nguyễn Minh Nam - dự án Vẽ Voi, chị Nguyễn Thu Hằng - Phụ trách nội dung của sân chơi sáng tạo thuộc Doanh nghiệp xã hội Tò He, ThS. Trần Huỳnh Phú Khánh - Nhà sáng lập Vietnam Academic Illustration.
Dự án được triển khai với mục tiêu cung cấp cho các bạn sinh viên UEF một cách tiếp cận mới về hoạt động sáng tạo thông qua nghệ thuật vẽ. Từ việc làm quen với hoạt động vẽ sáng tạo, các bạn nhận ra được những giá trị lớn hơn là những tác phẩm, từ đó dùng vẽ đồng hành với các trẻ có hoàn cảnh đặc biệt và khám phá bản thân.
Những buổi tập huấn khác với tưởng tượng
Nội dung trong các buổi tập huấn của dự án luôn mang đến cho các bạn sinh viên nhiều bất ngờ thú vị. Các bạn được biết thêm nhiều công dụng khác của vẽ, hiểu rằng vẽ không chỉ là phương thức nghệ thuật để các họa sĩ biểu diễn ý tưởng mà còn là còn được dùng như một công cụ trị liệu giúp các bạn hiểu rõ hơn về bản thân.
Buổi giới thiệu dự án Xoay tròn
Các hoạt động tập huấn trong dự án luôn tràn đầy màu sắc. Từ những hướng dẫn của các anh chị tập huấn viên, các bạn được tiếp xúc với nhiều khái niệm đương đại của vẽ, nhận ra rằng vẽ là bản năng và dành cho mọi người.
Những góc nhìn mới cùng nhiều sự kết hợp mới lạ như: kết hợp vẽ với “mindfulness” giúp các bạn sinh viên dần dần đã nhận thức rõ hơn tác dụng kết nối từ vẽ; Vẽ bằng 1 nét hay vẽ mình trong gương,... đã giúp các bạn nhìn ra nhiều giá trị rằng “một nét vẽ nghuệch ngoạc đôi khi lại tạo nên nét riêng và còn thể hiện một phần của nội tâm” – chia sẻ từ bạn Diễm. Hơn hết, các bạn hiểu rằng đôi khi tác phẩm không quan trọng bằng những cảm xúc hạnh phúc khi đặt bút.
Sinh viên thực hành bài tập vẽ bằng 2 tay
Ngoài ra, kỹ thuật dùng vẽ như một phương pháp kết nối hiệu quả cũng được các anh chị hướng dẫn tận tình và đây được xem như một trong những kỹ năng quan trọng sẽ hỗ trợ các bạn rất nhiều khi triển khai hoạt động thực tế tại cộng đồng.
Sinh viên thực hành bài tập “Vẽ không phán xét”
Và lập kế hoạch hoạt động
Điều quan trọng nhất ở dự án Xoay tròn không dừng lại ở việc các bạn thành viên có thêm kiến thức về vẽ mà còn là việc ứng dụng những kiến thức hữu ích này vào thực tế, hỗ trợ các trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, đồng hành với các trẻ trong quá trình phát triển nội lực.
Những kế hoạch cụ thể đã được các bạn lập ra với sự cố vấn từ các anh chị chuyên gia. Nhiều bài học kinh nghiệm thực tế đã được các anh chị điều phối lồng ghép khéo léo và các tình huống giả định càng giúp các bạn phát huy sức sáng tạo, khả năng xử lý tình huống tinh tế khi giao tiếp với trẻ.
Lập kế hoạch và trình bày trước các anh chị chuyên gia
Bên cạnh những kỹ năng chuyên môn, các bài học trong lớp tập huấn đã giúp các bạn gia tăng thấu cảm và nhận thức được sự cần thiết khi nhân rộng hoạt động vẽ đến cộng đồng. Các bạn sẽ đồng hành với trẻ và dùng nghệ thuật vẽ để hạn chế sự rập khuôn trong nhận thức, từ đó phát huy hết sự sáng tạo của trẻ. Có thể thấy, đây là những động lực rất lớn giúp các bạn chuẩn bị tốt cho quá trình hoạt động dự án sau này.
Sinh viên tham gia những tình huống giả định để kiểm năng kỹ năng ứng biến
Được biết, sắp tới các bạn thành viên dự án Xoay tròn sẽ tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm mới lạ cho sinh viên UEF trước khi chính thức triển khai với các trẻ tại cộng đồng.
Tin và ảnh: Trung tâm Kết nối cộng đồng