Ngày nay, việc trang bị các kỹ năng sơ cấp cứu là yếu tố quan trọng không thể thiếu, giúp chúng ta ứng phó hiệu quả, kịp thời trong nhiều tình huống khẩn cấp. Không chỉ bảo vệ sức khỏe cộng đồng, những kiến thức này còn là nền tảng xây dựng một môi trường học đường an toàn, đáp ứng được yêu cầu của nền giáo dục hiện đại. Trên tinh thần đó, sáng ngày 11/1, UEF đã phối hợp với Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch tổ chức thành công Lớp tập huấn Kỹ năng Sơ cấp cứu năm học 2024-2025 cho các cán bộ - giảng viên - nhân viên (CB-GV-NV) trường.
Lớp tập huấn thu hút sự tham gia của các thành viên Nhà UEF
Đồng hành với các CB-GV-NV UEF trong chương trình, về phía Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch có TS. Phạm Minh Nhựt - Giảng viên Bộ môn Điều dưỡng Cấp cứu ngoại viện, cô Huỳnh Ngọc Yến - Giảng viên Bộ môn Điều dưỡng Cấp cứu ngoại viện và các bạn sinh viên thuộc câu lạc bộ Cấp cứu ngoại viện PMC.
ThS. Bùi Quang Đông - Trưởng phòng Công tác sinh viên trao thư cảm ơn đến diễn giả
Sơ cấp cứu là những biện pháp can thiệp y tế ban đầu, được thực hiện ngay khi một người gặp phải sự cố bất ngờ như chấn thương, ngất xỉu hay các tình huống nguy hiểm khác trước khi có sự hỗ trợ từ các nhân viên y tế chuyên nghiệp. Việc sơ cứu kịp thời không chỉ giúp giảm thiểu hậu quả do tai nạn gây ra mà còn có thể cứu sống người gặp nạn trong những tình huống khẩn cấp.
Tham gia lớp tập huấn sơ cấp cứu lần này, các thầy cô đã từng bước tiếp cận từ tổng quan lý thuyết, những nguyên tắc cơ bản đến các quy trình sơ cấp cứu, sau đó được hướng dẫn thực hành trực tiếp trên mô hình. Việc kết hợp giữa lý thuyết và thực hành là cách để thầy cô Nhà UEF hiểu sâu hơn về các bước cứu trợ, đồng thời nâng cao sự tự tin trong việc áp dụng vào thực tế, sẵn sàng đối mặt với những tình huống khẩn cấp.
Diễn giả chia sẻ những kỹ năng cần thiết để ứng phó kịp thời trong các tình huống thực tế
Một trong những kỹ năng quan trọng nhất là cách tiếp cận an toàn và toàn diện một nạn nhân tuân theo nguyên tắc “DRSCAB” (Danger - Response - Send - Circulation - Airways - Breathing). Phương pháp này không chỉ giúp nhận diện và xử lý đúng vấn đề mà còn đảm bảo an toàn cho cả người bị nạn và người cứu giúp.
Bên cạnh đó, các thầy cô cũng được học kỹ năng hồi sinh tim phổi (CPR) - quy trình cấp cứu kết hợp ép tim và thổi ngạt cho nạn nhân ngưng tim, ngưng thở, kỹ năng sơ cấp cứu cho tình huống hóc dị vật, kỹ năng cầm máu, băng bó vết thương,... Tất cả những tình huống đều được TS. Phạm Minh Nhựt giải thích và hướng dẫn tỉ mỉ.
Sau phần lý thuyết đầy bổ ích, CB-GV-NV UEF đã được trực tiếp trải nghiệm và rèn luyện các kỹ năng sơ cấp cứu với mô hình. Dưới sự hướng dẫn tận tình, các thầy cô đã thực hành quy trình ép tim và thổi ngạt, cũng như cách băng bó vết thương chính xác để ngừng chảy máu và bảo vệ vết thương khỏi nhiễm trùng. Có thể nói, buổi tập huấn vừa là cơ hội học hỏi, tiếp cận với các phương pháp sơ cấp cứu hiện đại, vừa là dịp để các thầy cô củng cố khả năng phản ứng nhanh, chính xác, bảo vệ an toàn cho sinh viên và cộng đồng trong những tình huống thực tế.
Đội ngũ CB-GV-NV trực tiếp thực hành, rèn luyện các kỹ năng sơ cấp cứu
Là một trong những nền tảng vững chắc để xây dựng môi trường học đường an toàn, trách nhiệm và nhân văn, tin rằng đội ngũ CB-GV-NV Nhà UEF đã được trang bị những kiến thức, kỹ năng y tế cần thiết, sẵn sàng ứng phó hiệu quả trong những tình huống khẩn cấp thông qua buổi tập huấn. Bên cạnh đó, chương trình còn khuyến khích mọi người, ở mọi lứa tuổi và tầng lớp tham gia học hỏi các kỹ năng sơ cấp cứu, góp phần giảm thiểu các thương tích nghiêm trọng và nâng cao an toàn cộng đồng.
TT.TT-TT