Menu
  
Tin tức sự kiện

Chuyên gia chia sẻ cùng UEFers những kỹ thuật tạo hứng thú cho trẻ em trong giảng dạy tiếng Anh

16/10/2024
Nhằm cung cấp đến sinh viên UEF, đặc biệt là các bạn có định hướng trở thành giáo viên tiếng Anh những kỹ thuật dạy học tích cực và tạo hứng thú cho trẻ em, Trung tâm Tin học - Ngoại ngữ đã tổ chức buổi workshop “Practical strategies to engage and inspire young learners” vào chiều ngày 15/10. Hoạt động này mang đến sự hứng thú cho UEFers bởi những kiến thức mới lạ và phương pháp dạy học sinh động được truyền tải. 
 




Hoạt động đã mang đến cho UEFers trải nghiệm thú vị về việc dạy học tiếng Anh
 
Chương trình có sự tham dự của TS. Đỗ Hữu Nguyên Lộc - Phó Hiệu trưởng, TS. Mạch Trần Huy - Phó Chánh Văn phòng trường, TS. Phạm Huy Cường - Trưởng Khoa Tiếng Anh, PGS.TS. Dương Mỹ Thẩm - Phó Trưởng Khoa Tiếng Anh, ThS. Nguyễn Đình Tuấn - Phó Trưởng Khoa Tiếng Anh, TS. Đăng Anh Lực - Phó Trưởng Khoa Quan hệ công chúng và Truyền thông, ThS. Nguyễn Phước Lân - Phó Giám đốc Trung tâm Tin học - Ngoại ngữ và ThS. Hoàng Thị Ngọc Hiền - Trợ lý Trưởng Khoa Tiếng Anh. 
Tại workshop, các bạn đã có cơ hội được học hỏi cùng các chuyên gia trong giảng dạy ngoại ngữ: ThS. Bùi Đức Tiến - Thạc sĩ ngôn ngữ học ứng dụng, ThS. Trần Ngọc Hà - Thạc sĩ Tesol và ThS. Nguyễn Nhứt Linh - Thạc sĩ Tesol.
 

TS. Đỗ Hữu Nguyên Lộc chia sẻ về ý nghĩa của workshop này
 
Theo đó, sinh viên đã hiểu và thực hành hai phương pháp TPR và Chanting. Trong đó, TPR có thể được hiểu là phương pháp phản xạ toàn thân, sử dụng ngôn ngữ hình thể. Đây là việc học từ vựng và câu mới qua việc nghe và bắt chước lại kết hợp với hành động. Việc lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ tạo thành năng lực ngôn ngữ. Phương pháp này mang lại hiệu quả cao, tạo sự hứng thú cho người học mà lại dễ thực hiện.
Bên cạnh đó, căn cứ vào khả năng bắt chước nhanh của các em nhỏ thì phương pháp Chanting là một trong những phương pháp tốt nhất để giúp các em hứng thú với việc học ngôn ngữ. Các bài chants tiếng Anh được chọn lọc là một trong những tài liệu cho việc dạy tiếng Anh hiệu quả vì nhịp điệu góp phần vào việc giúp trẻ tăng cường khả năng ghi nhớ rất nhanh và có hiệu quả lâu dài. Diễn giả chia sẻ thêm rằng khi thực hành các bài chants có thể cho kết hợp beat nhạc để tạo sự thích thú đối với trẻ em. Ngay tại buổi workshop, các bạn cũng đã thực hành hai phương pháp này cùng diễn giả. 
 



Các diễn giả truyền đạt kinh nghiệm bằng cách tương tác trực tiếp để tạo hứng khởi cho sinh viên
 
Ngoài ra, tại chương trình, các chuyên gia cũng đã chia sẻ về những công cụ AI đã và đang được triển khai trong quá trình giảng dạy và học tiếng Anh như: Hệ thống Chatbot hỗ trợ học tập; hệ thống đề xuất và cá nhân hóa nội dung giảng dạy; phần mềm thiết kế bài giảng sáng tạo;...  
Những công cụ dựa trên AI có thể giúp giảm tải khối lượng công việc để giáo viên tập trung vào những công việc sáng tạo và tương tác trực tiếp với học sinh. Đồng thời, với khả năng cá nhân hóa trải nghiệm học tập, AI có thể giúp gia tăng hiệu quả và động lực học tập cho người học. ThS. Trần Ngọc Hà nhấn mạnh: “AI sẽ đóng vai trò hỗ trợ để giáo viên tạo ra những bài giảng chất lượng chứ không có vai trò thay thế được giảng viên trong việc giảng dạy ngoại ngữ”. 
 



Sinh viên tự tin thể hiện khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ
 
Các chuyên gia đã truyền tải những kinh nghiệm giảng dạy của mình đến sinh viên một cách trực quan, sinh động và đầy hứng khởi. Hy vọng các bạn sẽ áp dụng tốt những điều này và tạo ra môi trường học tập thú vị cho các em nhỏ. Đối với những bạn định hướng theo nghề giáo thì đây chính là những bài học giá trị cần ghi lại để phát triển xa hơn trên con đường sự nghiệp.
 
TT.TT-TT
TIN LIÊN QUAN