Tiếp nối chuỗi tập huấn nghiệp vụ xuất nhập khẩu thực chiến do Khoa Kinh tế tổ chức, vào tối ngày 17/7, các bạn sinh viên đã được bổ sung kiến thức liên quan đến phân tích các rủi ro trong nghiệp vụ ngoại thương và các cách để giảm thiểu tổn thất qua chủ đề “Nhận biết rủi ro trong hoạt động ngoại thương”.
Chuỗi tập huấn được Khoa chú trọng tổ chức giúp sinh viên tiếp cận kiến thức thực tế hiệu quả
Chia sẻ với các bạn tại buổi tập huấn này là bà Đỗ Lê Quyên - RM, Trade Finance and Supply Chain Department VPBank và ông Võ Thanh Tú - Founder & CEO Công ty ONEX Logistics, Viện đào tạo Logistics ONEX. Tại đây, hai chuyên gia giàu kinh nghiệm đã mang đến cho sinh viên UEF cái nhìn bao quát về thanh toán quốc tế, rủi ro về thanh toán quốc tế và sự cần thiết của logistics.
Đại diện Khoa Kinh tế trao thư cảm ơn đến diễn giả
Truyền đạt những bài học từ hơn 15 năm công tác về nghiệp vụ tài chính - ngân hàng, diễn giả Đỗ Lê Quyên không chỉ giúp UEFers học hỏi kiến thức chuyên môn mà còn gắn liền với các case-study cụ thể. Từ đó, các bạn được thực hành, suy nghĩ và đưa ra phương án giải quyết về các tình huống thường xảy ra trong công việc sau này.
Mở đầu buổi học, chuyên gia Đỗ Lê Quyên đã giúp các bạn củng cố lại những kiến thức về thanh toán quốc tế. Trong đó, diễn giả nhấn mạnh thương mại quốc tế đã mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng không kém thách thức cho nghề nghiệp. Những trở ngại về ngôn ngữ, luật pháp, văn hóa, khoảng cách, rủi ro vận tải, rủi ro trong giao dịch,... là điều dễ dàng nhận thấy.
Theo bà Lê Quyên, có rất nhiều phương thức thanh toán quốc tế. Tuy nhiên, có 3 phương thức phổ biến thường được sử dụng: Phương thức chuyển tiền TTR - Telegraphic Transfer Remittance; Phương thức L/C - Letter of Credit và phương thức nhờ thu (D/P, D/A). Trong đó, D/P (Document Against Payment) là phương thức nhờ thu kèm chứng từ trả ngay. Người nhập khẩu phải thanh toán tiền trước, nhận BCT sau. Còn D/A (Document Against Acceptance) là phương thức nhờ thu kèm chứng từ trả chậm. Nhà nhập khẩu phải ký chấp nhận thanh toán tiền vào ngày trong tương lai và nhận BCT.
Diễn giả Đỗ Lê Quyên chia sẻ những câu chuyện thực tế để sinh viên dễ dàng tiếp thu bài học
Đối với mỗi phương thức, diễn giả cũng chỉ ra những ưu điểm, nhược điểm cụ thể. Từ đó phân tích về các rủi ro có thể gặp phải tương ứng với từng phương thức. Mỗi rủi ro, báo cáo viên lại đưa ra ví dụ thực tế, minh họa giúp nâng cao giá trị thực tiễn của buổi học.
Cụ thể, đối với hình thức trả trước thì việc gặp phải nguồn hàng không đạt chất lượng hay thậm chí là bị "quỵt hàng" là điều mà nhiều chủ doanh nghiệp phải đối mặt. Chính vì thế, để giải quyết tình trạng này, các bạn cần có sự tìm hiểu kỹ lưỡng về doanh nghiệp ngay từ bước đầu. Phương pháp này có thể được thực hiện thông qua việc trực tiếp khảo sát doanh nghiệp, nhờ vào sự hỗ trợ kiểm định của bên thứ 3 hoặc thực hiện các thủ tục để bảo lãnh đơn hàng từ ngân hàng.
Qua đó, những rủi ro trong hoạt động ngoại thương cũng được diễn giả chỉ ra như: rủi ro về thanh toán quốc tế, rủi ro về tỷ giá hối đoái, rủi ro về văn hóa và chính trị, rủi ro về logistics, rủi ro về thị trường.
Trong đó, rủi ro về thanh toán quốc tế được bà Lê Quyên chia sẻ cụ thể thông qua các ví dụ từ những câu chuyện thực tế. Các rủi ro như rủi ro chất lượng hàng hóa, rủi ro về giao hàng chậm, không giao hàng, giao thiếu hàng, rủi ro tỷ giá, rủi ro cấm vận và trừng phạt, rủi ro liên quan đến chính sách quốc gia, rủi ro về chính trị và xã hội, rủi ro đạo đức, rủi ro tác nghiệp cũng được UEFers hiểu rõ hơn.
Tiếp nối buổi học, sinh viên UEF tiếp tục mở rộng kiến thức qua sự chia sẻ của diễn giả Võ Thanh Tú. Diễn giả là chuyên gia lâu năm trong nghề với vai trò tư vấn các hợp đồng hải quan, xuất nhập khẩu. Đây cũng là chủ đề được sinh viên quan tâm khi thị trường này ngày càng có nhiều biến động liên tục. Tại đây, diễn giả nhấn mạnh vào tầm quan trọng trong công việc làm thủ tục xuất nhập khẩu cho hàng hóa khi giao thương với nước ngoài.
UEFers tìm hiểu về tầm quan trọng của hoạt động ngoại thương trong kinh doanh thực tế qua chia sẻ của ông Võ Thanh Tú
Theo chuyên gia, quy tắc xuất xứ hàng hóa là những quy định về xuất xứ áp dụng cho hàng hóa có thỏa thuận ưu đãi về thuế quan và ưu đãi phi thuế quan. Các hiệp định thương mại tự do khác nhau sẽ có những quy định về nguồn gốc xuất xứ khác nhau.
Mục đích của việc này nhằm: xác định hàng hóa nhập khẩu có đủ điều kiện để được hưởng ưu đãi thuế quan hay không; đảm bảo sự cân bằng giữa "thuận lợi hóa thương mại" và "chống gian lận thương mại"; đo mức độ thụ hưởng, tận dụng ưu đãi tại các bên tham gia; kích thích sản xuất và xuất khẩu.
Bên cạnh đó, diễn giả và các bạn sinh viên cũng có những chia sẻ liên quan đến cơ hội và thách thức khi hội nhập kinh tế quốc tế, các hiệp định thương mại WTO, FTA, vấn đề thuế quan, thủ tục cấp giấy xác nhận xuất xứ C/O,…
Sinh viên làm bài tập thực hành vận dụng các kiến thức đã được lắng nghe
Với cái nhìn bao quát xoay quanh rủi ro trong hoạt động ngoại thương, tin chắc rằng sinh viên Nhà UEFers đã cập nhật, bổ sung thêm những kiến thức nghiệp vụ mới mẻ và bổ ích. Những chia sẻ của các diễn giả từ góc độ thực tế cũng giúp các bạn có sự nhìn nhận rõ ràng và đúng đắn hơn về thị trường lao động, nền kinh tế Việt Nam cũng như trên thế giới hiện nay. Các bạn sẽ hiểu rõ nhu cầu của thời đại và trang bị những kỹ năng, kiến thức phù hợp cho chặng đường nghề nghiệp sắp tới.
TT.TT-TT