Menu
  
Tin tức sự kiện

Chuyên gia giúp UEFers nắm bắt tình hình chuỗi cung ứng thời Covid và sự ứng biến của doanh nghiệp

25/11/2021
Một trong những “cú sốc” kinh tế xảy ra bởi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 là sự đứt gãy của chuỗi cung ứng, gây tác động tiêu cực lên các hoạt động của đời sống, an sinh xã hội. Điều này dẫn đến nguy cơ nền kinh tế đi lệch khỏi quỹ đạo tăng trưởng mà Việt Nam đã cố gắng xây dựng, phát triển trong nhiều năm qua. Trên tinh thần đổi mới tư duy, tìm cách thích ứng, phục hồi, duy trì và phát triển kinh tế sau đại dịch, vào tối 25/11, khoa Tài chính - Thương mại UEF đã tổ chức Hội thảo “Covid-19: Đứt gãy chuỗi cung ứng và chuyển đổi của doanh nghiệp”
 
 đứt gãy chuỗi cung ứng

Hội thảo cập nhật những thông tin giàu tính thực tiễn cho sinh viên
 
Chương trình có sự tham dự của các khách mời: ThS. Nguyễn Phúc Khoa - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Kỹ nghệ súc sản Việt Nam (VISSAN), ThS. Nguyễn Thế Sỹ Quý - Phó Trưởng phòng Thị trường VISSAN, bà Đinh Thị Ngọc Niềm - Đồng sáng lập, Chủ tịch – Tổng giám đốc Công ty Cổ Phần Tư vấn Global Care, ThS. Nguyễn Thanh Sang - Tổng giám đốc Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn Chuẩn Việt (Vietvalues). Về phía UEF gồm: ông Đỗ Quốc Anh - Phó Chủ tịch Hội đồng trường, PGS.TS. Ngô Cao Cường - Phó Hiệu trưởng thường trực, ThS. Nguyễn Tiến Hùng - Trưởng khoa Tài chính - Thương mại, ThS. Hà Thị Thuỷ - Phó Trưởng khoa Tài chính - Thương mại, ThS. Tăng Mỹ Sang - Phó Trưởng khoa Tài chính - Thương mại, ThS. Huỳnh Quốc Phong - Giám đốc Trung tâm Hợp tác doanh nghiệp và đại diện lãnh đạo các đơn vị cùng giảng viên, sinh viên tham dự. 
Đặc biệt, hội thảo còn có sự tham gia, theo dõi của bà Lê Thành Duyên - Phó Tổng giám đốc Audi Việt Nam, tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành Quản trị kinh doanh loại giỏi tại UEF. Với kinh nghiệm hơn 8 năm phát triển kinh doanh khối khách hàng cá nhân tại DongA Bank, bà Lê Thành Duyên được mời làm giảng viên danh dự của Viện Quốc tế UEF. 
 







Đại diện UEF và các khách mời tham dự hội thảo tối 25/11 
 
Mở đầu hội thảo, ông Đỗ Quốc Anh chia sẻ: “Do diễn biến của dịch bệnh Covid-19 nên chuỗi cung ứng bị đứt gãy, làm ngưng trệ và ảnh hưởng đến nền kinh tế chủ lực của đất nước. Đây là vấn đề mang tính cấp bách và phụ thuộc vào tình hình tương lai. Vì vậy, hội thảo hôm nay cung cấp thông tin kiến thức cần thiết để các bạn sinh viên UEF nói chung và ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng nói riêng có thể tiếp thu, học hỏi và có tư duy đổi mới, thích nghi trong thời gian tới”.  
 

Ông Đỗ Quốc Anh - Phó Chủ tịch Hội đồng trường UEF phát biểu mở đầu hội thảo 



 
Đại diện Nhà trường, PGS.TS. Ngô Cao Cường đã trao thư cảm ơn đến các diễn giả chia sẻ trong hội thảo

Về tình hình đứt gãy chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp, ThS. Nguyễn Phúc Khoa đã lấy một số minh chứng của các doanh nghiệp trong và ngoài nước để cho thấy sự ảnh hưởng tiêu cực của vấn đề này. Điểm chung là nguồn hàng hóa trên đường cung ứng bị ngưng trệ, tình trạng “sang xe, đổi tài” hay ảnh hưởng do phân biệt “hàng hóa thiết yếu và không thiết yếu”. 
Ông Phúc Khoa đã lấy ví dụ về ngành thủy hải sản và dệt may để cho thấy vấn đề đứt gãy chuỗi cung ứng xảy ra nghiêm trọng trong đại dịch. Về ngành thủy hải sản, đại diện nhiều doanh nghiệp cho biết do giãn cách nên chuỗi cung ứng tôm gần như bị đổ vỡ. Nguy cơ những tháng cuối năm thiếu trầm trọng nguyên liệu. 
Tương tự, ngành dệt may cũng đang “chật vật” cố gắng hoàn thành các đơn hàng đã nhận và duy trì các đơn hàng với khách. Nhiều doanh nghiệp lo lắng đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất khi gặp khó khăn ở cả chiều nhập nguyên liệu và xuất khẩu. 
 


Ngành thủy hải sản và dệt may bị ảnh hưởng nặng nề do ảnh hưởng của đứt gãy chuỗi cung ứng 

Ảnh hưởng của việc đứt gãy chuỗi cung ứng càng dễ nhận thấy khi nhìn vào báo cáo “Tình hình doanh nghiệp và người lao động trong bối cảnh đại dịch Covid-19” do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân công bố, lý do cao nhất khiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa tạm thời là do đứt gãy chuỗi cung ứng ngay trong nước, tỷ lệ này chiếm tới 35,4%. 
Bởi tác động của đại dịch, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, xu hướng của người tiêu dùng cũng thay đổi với các điểm đáng chú ý như: thắt chặt chi tiêu, ưa chuộng hàng nội địa hơn, quan tâm đến sức khỏe và chú trọng đến các sản phẩm tốt cho sức khỏe, lối sống tại nhà gia tăng, giảm số lần đi chợ, tăng thói quen tích trữ hàng hóa, tăng mua sắm online, quen dần với thực phẩm tươi sống. 
 




Các báo cáo về tác động của đứt gãy chuỗi cung ứng đến doanh nghiệp, xu hướng người tiêu dùng

Đi cùng với những thay đổi của người tiêu dùng và thị trường, các doanh nghiệp đã đặt ra giải pháp để chuyển đổi. ThS. Nguyễn Thế Sỹ Quý cũng chia sẻ về giải pháp dài hạn và ngắn hạn để thích ứng trong bối cảnh chung. Theo đó, giải pháp ngắn hạn là nâng cao khả năng sáng tạo và khả năng thích ứng của mỗi doanh nghiệp, mỗi ngành; thích nghi và chuẩn bị tâm lý sẵn sàng sống chung với dịch an toàn và thông minh theo quy trình sản xuất an toàn, con người an toàn và tăng cường phương pháp làm việc từ xa. 
Giải pháp dài hạn gồm 4 bước: Tái cấu trúc doanh nghiệp theo định hướng phát triển bền vững, thân thiện môi trường; Ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý; Đầu tư, trang bị máy móc thiết bị, quy trình sản xuất hiện đại, thân thiện môi trường; Xây dựng mục tiêu đa dạng thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa, trong đó nâng dần tỷ lệ nội địa hóa nguồn nguyên vật liệu đầu vào. 


Giải pháp đặt ra cho các doanh nghiệp 

Với những chia sẻ bổ ích của các diễn giả và những trao đổi, thảo luận cùng các giảng viên qua phần giải đáp trực tiếp thắc mắc cho sinh viên, hy vọng các bạn đã tiếp cận được thông tin khách quan, nhìn nhận thực tiễn và có thái độ thích ứng kịp thời trong việc lựa chọn nghề nghiệp tương lai. 
 
Nguyên Lê
TIN LIÊN QUAN