Menu
  
Tin tức sự kiện

​Điểm danh những đề tài xuất sắc của cuộc thi "Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo" trước giờ G

09/08/2021
Vào 17g00 ngày 10/8, vòng Chung kết cuộc thi Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo 2021 sẽ được tổ chức. Vượt ải thử thách của 2 vòng thi trước, 12 đề tài ấn tượng nhất đã đi đến “trạm" cuối và chuẩn bị bứt phá về đích. Với sự đầu tư chỉn chu, những sản phẩm khởi nghiệp thể hiện được sự sáng tạo và kiến thức kinh doanh, xã hội của sinh viên Nhà UEF. 
 
 
Được biết, 12 dự án ở vòng Chung kết được chia đều thành 3 bảng gồm: Dịch vụ, Công nghệ, Sản phẩm. Trong đó, nhiều ý tưởng được đánh giá cao về tính ứng dụng thực tiễn và nhận được “lời hứa” đầu tư đầy triển vọng. 
 
Bảng sản phẩm bám sát yếu tố môi trường 
 
Ở bảng Sản phẩm, 4 dự án vào vòng Chung kết gồm: “Túi xách và chậu cây từ những phụ phẩm bỏ đi của mía và cà phê", “Khẩu trang tự phân hủy NV Mask", “Túi rác tự phân hủy sinh học bằng chất hữu cơ PEAD", “S.BANA - Vải tơ chuối". 
Trong đó, sản phẩm túi xách được làm từ phụ phẩm của mía và cà phê đã xuất sắc chiến thắng Mini Contest và đại diện cho Nhà UEF góp mặt ở cuộc thi Start-up quy mô toàn khu vực sắp tới “My Summer Startup - Wildcats". Đây là cuộc thi sáng tạo ý tưởng khởi nghiệp dành cho tất cả bạn trẻ từ 17 tuổi trở lên, đang sinh sống và học tập tại Thái Lan và Việt Nam. Cuộc thi do Trung Tâm Kết nối cộng đồng UEF kết nối với đại diện của Thái Lan tại Việt Nam. 
 
 


Những dự án về bảo vệ môi trường của bảng Sản phẩm 
 
Ngoài ra, nhóm còn xuất sắc là một trong top 5 đại diện của Việt Nam lọt vào vòng Pitching (gọi vốn) trước các các nhà đầu tư giàu kinh nghiệm của Vương Quốc Anh và nhận được sự bảo trợ phát triển dự án của Global Wales toàn cầu trong khuôn khổ cuộc thi “Long Life Creative Bootcamp" - Cuộc thi khởi nghiệp được tổ chức bởi trường Đại học Bách Khoa Hà Nội phối hợp cùng với trường Đại học Bangor (Vương Quốc Anh).
03 sản phẩm còn lại của bảng này đều được lấy ý tưởng từ mục đích bảo vệ môi trường, tận dụng vật liệu ít tốn kém để tạo ra thành phẩm. Sản phẩm vải tơ chuối S.BANA được đánh giá cao khi dệt vải từ sợi tơ của cây chuối, đảm bảo thân thiện môi trường, không gây ô nhiễm và tiết kiệm chi phí sản xuất. Với đề tài liên quan đến kiến thức chuyên môn cao, nhóm sinh viên thực hiện cũng cho thấy sự cố gắng tìm tỏi, học hỏi để đưa ra kết quả nghiên cứu. 
Rác thải là vấn đề “nóng” của môi trường, vì vậy sản phẩm khẩu trang tự phân hủy và túi rác tự phân hủy là 2 dự án bám sát thực tiễn, có tính khả thi cao. Đặc biệt trong hoàn cảnh khó khăn của dịch bệnh, khẩu trang được sử dụng với số lượng lớn, từ đó hình thành khối lượng rác thải không nhỏ, dẫn đến việc sử dụng túi ra cũng tăng cao. 2 dự án dường như có sự liên quan, bỗ trợ cho nhau, sử dụng khẩu trang tự phân hủy và túi rác tự phân hủy góp phần làm giảm số lượng lớn rác thải trong môi trường. 
 
Vấn đề sức khỏe được đề cao trong lĩnh vực dịch vụ 
 
Ở bảng Dịch vụ, 2 trong 4 dự án chung kết đều liên quan đến sức khỏe, gồm: “M-Healthcare - Chăm sóc sức khỏe di động", “WHIZE - Dịch vụ đào tạo trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ việc làm cho người cao tuổi". Cạnh đó là 2 dự án “VIENNA - Ứng dụng E-Commerce cho chuỗi cung ứng nông sản xanh khu vực TP.HCM"“Dịch vụ thời trang MIGI - Mix and Giv"
Lấy ý tưởng từ tình trạng dịch vụ y tế trong thời gian dịch bệnh, khả năng cung ứng về dịch vụ y tế tại các bệnh viện tuyến cuối hiện nay so với nhu cầu thực tế là chưa hoàn toàn đáp ứng được, dự án về M-Healthcare ra đời là tiềm năng, để tiếp tục giải quyết các nhu cầu về dịch vụ y tế, hỗ trợ gánh nặng trong ngành y tế hiện nay.
 



4 dự án ấn tượng của bảng Dịch vụ 
 
Trong khi đó, để đảm bảo không một ai bị bỏ lại khi bệnh tật, đặc biệt là người cao tuổi, nhóm dự án WHIZE đã có đề tài rất ý nghĩa. Với dịch vụ hỗ trợ người cao tuổi về sức khỏe và việc làm, điều này góp phần giảm thiểu một số gánh nặng của quá trình già hóa dân số, tạo cơ hội việc làm tốt cho các lao động phổ thông. 
Ở đề tài dịch vụ VIENNA, nhóm sinh viên thực hiện đã cho thấy tình trạng về việc nông sản thường xuyên được kêu gọi “giải cứu" vì không tiêu thụ được. Đặc biệt trong thời kỳ Covid-19, việc vận chuyển và cung ứng càng gặp khó khăn. Vì vậy, mô hình nghiên cứu mà nhóm đưa ra được đánh giá khá cao về tính khả thi và hy vọng mang lại giá trị thực tiễn. 
Đối với dịch vụ thời trang MIGI, dự án là “bước đi" sáng tạo phù hợp với thế hệ Gen Z hiện nay. Thời trang là nhu cầu thiết yếu, nhưng cũng bị tác động bởi yếu tố kinh tế. Dịch vụ MIGI ra đời nhằm giúp quá trình mua bán, trao đổi, cho thuê, thanh lý quần áo dễ dàng hơn, kèm theo một số tiện ích sẽ tạo thêm cơ hội việc làm cho đối tượng lao động trẻ. 
 
“Bung tỏa” ý tưởng sáng tạo với bảng Công nghệ 
 
4 dự án về công nghệ ở vòng Chung kết gồm: Ứng dụng sửa xe lưu động FIMO", “JOBFREE - App and Website tuyển dụng dành cho Freelancer", “Ứng dụng chăm sóc sức khỏe thai sản - PRENATAL CARE”, “NANY - Phần mềm giúp mang lại lợi ích cho người thuê nhà"
Trong đó, dự án về JobFree đã được nhà tài trợ của cuộc thi đề nghị tài trợ để triển khai thực tế. Đây là động lực để nhóm thí sinh “bứt phá” trong Chung kết, đại diện nhóm chia sẻ: “Nhóm rất vui và bất ngờ vì không thể tin được từ một lời rủ rê “Ê, thi khởi nghiệp với mình không?” mà 3 thành viên dắt tay nhau vào tận Chung kết. Vui sướng hơn khi biết có nhà tài trợ cuộc thi muốn tài trợ cho JobFree triển khai thực tế. Đây là niềm vinh hạnh với dự án JobFree của nhóm mình”. 
Ở phần mềm NANY, nhóm thực hiện đã đề ra giải pháp mang lại nhiều lợi ích vượt trội cho những người thuê trọ với cách tính năng hữu ích: Giúp người thuê nhà nhận được tiền khi thuê: lên đến 80% tiền thuê nhà 1 tháng; Giúp mua được đồ nội thất cho nhà trọ với giá rẻ: đồ nội thất sẽ được lựa chọn sao cho phù hợp với nhà trọ, cùng với đó là nhiều voucher giảm giá hấp dẫn; Cung cấp dịch vụ chuyển nhà với giá rẻ với mức giá niêm yết rõ ràng, kèm theo nhiều voucher hấp dẫn; Cung cấp người dọn dẹp nhà với giá rẻ kèm theo nhiều voucher hấp dẫn; Livestream tư vấn nhà trọ: người đi thuê nhà có thể được tư vấn trực tiếp để chọn ra địa điểm phù hợp với nhu cầu của mình; Mạng xã hội cho những người yêu thích decor nhà trọ: nơi cộng đồng những người đi thuê trọ có thể chia sẻ những bức ảnh về quá trình decor nhà trọ của mình. 
 
 


Các nhóm dự thi của bảng Công nghệ ở vòng Chung kết 
 
Đặc biệt, dự án Prenatal Care được đánh giá khá sáng tạo khi áp dụng công nghệ 4.0 vào vấn đề thai sản. Với Prenatal Care, bạn hoàn toàn có thể yên tâm đặt các gói thai sản ngay tại nhà chỉ bằng 1 cú click. Không cần làm thủ tục, không cần tìm kiếm nơi uy tín, không cần tìm hiểu xem nên cho mẹ bầu ăn gì, dùng gì,… Tất cả đã có Prenatal Care hỗ trợ. Không những thế, ứng dụng còn có các video, music, news,… cho các mẹ bầu giải trí và cập nhật tin tức. 
Xuất phát từ một vấn đề khi đi đường, nhóm dự án sửa xe lưu động FIMO cũng cho thấy tính sáng tạo khi áp dụng sự việc vào công nghệ. Dịch vụ sửa xe lưu động đã có trong thị trường nhưng công nghệ ứng dụng chưa thật sự phát triển. Với ứng dụng FIMO, nhóm thực hiện mong muốn có thể mang đến cảm giác an tâm cho mọi người khi tham gia giao thông. Những lúc xe gặp vấn đề bất ngờ, chỉ cần thực hiện vài thao tác đơn giản trên điện thoại, những “anh hùng” sửa xe sẽ nhanh chóng có mặt và hỗ trợ. 
Các đề tài đều được lấy ý tưởng từ sự việc, sự vật xảy ra trong cuộc sống đời thường, qua quá trình nghiên cứu, tìm tòi, các thí sinh đã lập được kế hoạch chỉn chu để thực hiện dự án tốt nhất có thể. Hy vọng với niềm đam mê khởi nghiệp, top 12 dự án ấn tượng sẽ “bùng nổ" trong vòng Chung kết và gọi được nhiều vốn từ nhà đầu tư. 

 

>> Xem lại hành trình "Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo 2021" tại đây
Nguyên Lê 
Ảnh: Khoa Kinh tế 
TIN LIÊN QUAN