Menu
  
Tin tức sự kiện

​FITers được trang bị kỹ năng để chuẩn bị cho cuộc thi nghiên cứu khoa học sinh viên

19/10/2024
Trong bối cảnh phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, việc trang bị cho sinh viên những kiến thức và kỹ năng cần thiết để tham gia vào quá trình nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp ngày càng trở nên quan trọng. Nhằm khuyến khích sinh viên tham gia vào các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển tinh thần khởi nghiệp, chiều ngày 18/10, Khoa Công nghệ thông tin đã tổ chức Hội thảo phát động nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp cho sinh viên năm học 2024-2025. Đây là cơ hội để UEFers gặp gỡ, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm từ các giảng viên, nhà nghiên cứu và các chuyên gia hàng đầu.
Qua hội thảo, sinh viên có cơ hội khám phá và phát triển những ý tưởng nghiên cứu độc đáo, đồng thời được khuyến khích hình thành các dự án khởi nghiệp sáng tạo, góp phần vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế số. 
 

Buổi hội thảo là tiền đề hứa hẹn nhiều công trình chất lượng từ các nhà nghiên cứu trẻ
 
Tham dự hội thảo, về phía khách mời có: Ông Hoàng Sơn Giang - Trưởng phòng Quản lý khoa học và Phát triển dự án, Trung tâm phát triển Khoa học và Công nghệ trẻ TP.HCM; Ông Ngô Hữu Thống - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ứng dụng và Đổi mới sáng tạo doanh nghiệp (3AI), Giám đốc Trung tâm phát triển Tài sản trí tuệ và Thương hiệu DISIGO; Ông Phạm Hồ Công Trung - Giám đốc Kỹ thuật Công ty Cổ phần Công nghệ Payme; Ông Nguyễn Đức Huy - Giám đốc đào tạo Hệ thống đào tạo lập trình viên quốc tế Aptech; Bà Phạm Lê Nguyên Hảo - CEO CKFoods, Founder Casach.vn, CEO thương hiệu Huế Thương; Ông Lê Bá Thái Huy - Giám đốc điều hành Trung tâm tư vấn tuyển sinh và giáo dục MTEC; Bà Phạm Đình Quế Thảo - Đại diện UCA English.
Về phía UEF có TS. Nguyễn Hà Giang - Trưởng Khoa Công nghệ thông tin; TS. Nguyễn Thành Luân - Phó Trưởng Phòng Khoa học công nghệ và Dự án quốc tế; TS. Văn Thị Thiên Trang, TS. Nguyễn Văn Vinh - Phó Trưởng Khoa Công nghệ thông tin; cô Hoàng Thị Hằng - Trợ lý Trưởng Khoa Công nghệ thông tin; ThS. Hoàng Văn Hiếu - Trưởng ngành Công nghệ thông tin; ThS. Trần Thành Công - Trưởng ngành Thương mại điện tử; ThS. Nguyễn Thị Hoài Linh - Trưởng ngành Khoa học dữ liệu; ThS. Võ Đình Ngà - Trưởng ngành Thiết kế đồ họa; ThS. Ngô Văn Công Bằng - Trưởng ngành Kỹ thuật phần mềm cùng nhiều giảng viên và sinh viên Khoa Công nghệ thông.
 

Khoa Công nghệ thông tin gửi lời cảm ơn đến các khách mời của chương trình 
 
Phát biểu mở đầu chương trình, TS. Nguyễn Hà Giang nhấn mạnh ý nghĩa của các hoạt động nghiên cứu khoa học. Theo thầy, bên cạnh gia tăng kiến thức chuyên môn, quá trình nghiên cứu sẽ giúp sinh viên thích nghi và tạo ra nhiều giá trị thiết thực cho doanh nghiệp. Đây sẽ là “điểm sáng” khi các bạn ứng tuyển vào các công ty, tập đoàn lớn trong tương lai. 
Bên cạnh đó, thầy cho biết trong những năm vừa qua, hoạt động nghiên cứu khoa học của Khoa đã phát triển vượt bậc, nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ đông đảo sinh viên. Những nỗ lực này đã gặt hái không ít thành tích cao, chứng minh sự đam mê và tinh thần sáng tạo của các bạn sinh viên. Điều này góp phần khẳng định vị thế của Khoa trong lĩnh vực nghiên cứu, tạo động lực lớn để các thế hệ sinh viên tiếp tục tham gia vào hành trình khám phá tri thức và phát triển ý tưởng sáng tạo.
 
 TS. Nguyễn Hà Giang nhấn mạnh ý nghĩa của các hoạt động NCKH đối với sinh viên
 
Trong buổi phát động, Khoa Công nghệ thông tin đã quyết định thành lập “Quỹ phát triển Nghiên cứu khoa học và Khởi nghiệp”. Quỹ này được thành lập với mục tiêu cung cấp nguồn tài trợ, hỗ trợ tư vấn, đào tạo và kết nối mạng lưới, giúp sinh viên biến những ý tưởng độc đáo thành hiện thực. Với sự ra đời của quỹ, Khoa mong muốn tạo ra một môi trường học thuật sôi động, nơi mà từng cá nhân có thể phát triển toàn diện và tự tin hiện thực hóa những hoạt động nghiên cứu khoa học và dự án khởi nghiệp đầy triển vọng. Đây chính là nền tảng để sinh viên khẳng định bản thân và đóng góp vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế số.
 






Nghi thức phát động và xây dựng “Quỹ phát triển Nghiên cứu khoa học và Khởi nghiệp”
 
Có thể nói, nghiên cứu khoa học là một hành trình “vượt ải” đầy thách thức, giúp “giải mã” những bí ẩn của nhân loại. Để trang bị cho sinh viên sự chuẩn bị tốt nhất trong hành trình này, Khoa Công nghệ thông tin đã tổ chức phần giao lưu và chia sẻ với chủ đề “Tư vấn kỹ năng nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp cho sinh viên" từ những khách mời và giảng viên Khoa giàu kinh nghiệm. Với những thông tin mà các diễn giả mang lại, sinh viên nắm bắt được hành trình chuẩn bị, bắt tay vào xây dựng cho mình công trình nghiên cứu riêng.
Theo dõi chương trình, sinh viên đã hiểu rõ hơn những định nghĩa, khía cạnh về nghiên cứu khoa học, cách để bắt đầu “dấn thân” vào con đường làm nghiên cứu, động lực để theo đuổi một đề tài, bí quyết vượt qua những khó khăn trong quãng thời gian thực hiện đề tài, những lợi ích, kỹ năng nhận được sau khi hoàn thành một công trình, cách làm việc nhóm hiệu quả,...
Xoay quanh hoạt động nghiên cứu, các diễn giả đã chia sẻ những câu chuyện truyền cảm hứng, khơi dậy niềm đam mê và ý chí kiên định trong việc theo đuổi nghiên cứu. Không chỉ  trải lòng về những thách thức và khó khăn mà bản thân từng gặp phải trong hành trình nghiên cứu, các diễn giả còn chia sẻ những khoảnh khắc thăng hoa khi khám phá ra những điều mới mẻ, có giá trị. Để xây dựng một công trình nghiên cứu hoàn chỉnh từ con số 0, sinh viên cần chọn đề tài phù hợp, dựa trên sự đam mê và tính khả thi trong khoảng thời gian và nguồn lực hiện có. Sau khi xác định được đề tài, việc tìm hiểu tài liệu là bước quan trọng tiếp theo, giúp nắm vững kiến thức nền tảng và các nghiên cứu trước đó.
 





UEFers được truyền cảm hứng cho hoạt động nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp
 
Tiếp theo, UEFers cần xây dựng phương pháp nghiên cứu rõ ràng, lập kế hoạch cụ thể cho từng bước trong quá trình nghiên cứu, từ thu thập dữ liệu đến phân tích và trình bày kết quả. Trong quá trình thực hiện, việc ghi chép tỉ mỉ và theo dõi tiến độ sẽ giúp bảo đảm chất lượng nghiên cứu. Sau khi thu thập dữ liệu, việc phân tích và viết báo cáo một cách rõ ràng, có hệ thống sẽ giúp truyền tải ý nghĩa và ứng dụng của kết quả nghiên cứu.
Cuối cùng, diễn giả Phạm Lê Nguyên Hảo đã cùng các bạn sinh viên tìm hiểu về sự phát triển của kinh doanh số hiện nay. Với hình thức khởi nghiệp này, làm cách nào để nhà đầu tư đặt niềm tin vào dự án và quyết định rót vốn? UEFers đã được giải đáp chi tiết cho câu hỏi trên.
 




Sinh viên tham gia thảo luận để hiểu sâu hơn về hoạt động nghiên cứu
 
Có thể thấy, nghiên cứu khoa học là một hoạt động đòi hỏi tư duy sắc bén, sự nhẫn nại và đặc biệt là động lực mạnh mẽ để các nhà nghiên cứu có thể theo đuổi đề tài của mình đến cùng. Hy vọng rằng, sau buổi lễ phát động hôm nay, các bạn sinh viên Khoa Công nghệ thông tin đã nhận được nhiều kinh nghiệm bổ ích, từ đó tích cực tham gia vào các đề tài nghiên cứu và khởi nghiệp đầy ý nghĩa.
 
TT.TT-TT
 
TIN LIÊN QUAN