Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự vận hành, phát triển của nhiều doanh nghiệp. Nhằm tạo diễn đàn trao đổi, thảo luận về các vấn đề liên quan đến phục hồi và phát triển của các doanh nghiệp sau biến động chung, khoa Kinh tế đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp phát triển doanh nghiệp trong giai đoạn mới 2021 – 2030” vào sáng nay - 25/5.
Ban tổ chức trao giấy chứng nhận cho các tác giả đã tham gia gửi bài nghiên cứu
Chương trình có sự tham dự của PGS.TS. Ngô Cao Cường – Phó Hiệu trưởng thường trực Nhà trường, TS. Nhan Cẩm Trí – Phó Hiệu trưởng, Trưởng khoa Kinh tế; các Phó trưởng khoa khoa Kinh tế: TS. Huỳnh Nhựt Nghĩa, ThS. Lý Đan Thanh, ThS. Tăng Mỹ Hà; ThS. Nguyễn Phạm Hải Hà – Phó Viện trưởng Viện Đào tạo sau đại học và Khoa học công nghệ cùng sự đồng hành của các giảng viên khoa Kinh tế.
Buổi hội thảo còn có sự tham gia của thầy cô giảng viên các trường trên địa bàn TP.HCM qua phần mềm trực tuyến hỗ trợ.
Chương trình diễn ra với 4 bài báo cáo của: ThS. Trần Ngọc Nhã Vi, ThS. Phan Vũ Ngọc Lan, ThS. Dương Bảo Trung và ThS. Nguyễn Thái Hà.
Mở đầu chương trình, TS. Nhan Cẩm Trí chia sẻ “Kỷ yếu khoa học năm nay nhận được nhiều bài viết từ phía các giảng viên, đặc biệt là các giảng viên trẻ. Điều này sẽ tạo bước đệm cho các thầy, cô các khoa tiếp tục phát triển trên con đường nghiên cứu khoa học của mình”.
TS. Nhan Cẩm Trí đã dành nhiều lời khen cho các thầy, cô tham gia nghiên cứu
Mở đầu cho phần báo cáo, ThS. Trần Ngọc Nhã Vi đã đề cập đến vấn đề về “Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến các doanh nghiệp Logistics tại Việt Nam”. Theo đó, cô Vi đưa ra thực trạng của các doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng, phân tích các số liệu dựa trên những nguồn tư liệu có được, từ đó, đề ra giải pháp mà đã được hầu hết doanh nghiệp xem là cần thiết: miễn giảm và hoãn các đợt thanh tra quản lý nhà nước; tạo ra cơ chế, đường dây nóng để liên tục trao đổi cập nhật; tăng cường thương mại điện tử, sàn giao dịch online;…
ThS. Trần Ngọc Nhã Vi – Giảng viên trẻ của khoa Kinh tế
Tiếp đó, ThS. Phan Vũ Ngọc Lan trình bày trước hội đồng về “Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Châu Âu (EVFTA): Cơ hội và thách thức cho Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19”. Theo cô Lan, sau khi ký kết hiệp định này, Việt Nam có nhiều cơ hội trong bối cảnh đại dịch như: mở rộng thị trường, thúc đẩy việc xuất khẩu; nhập khẩu nguyên vật liệu, thiết bị, dịch vụ với giá cả cạnh tranh, chất lượng tốt, công nghệ tiên tiến; thúc đẩy nhanh hơn dòng lưu chuyển hàng hóa và tiết kiệm chi phí hải quan;… Bên cạnh đó là những thách thức nhất định: sức ép cạnh tranh gia tăng mạnh trên thị trường nội địa, những đòi hỏi khắt khe về quy tắc xuất xứ, những yêu cầu chặt chẽ về vệ sinh dịch tễ, đa số các doanh nghiệp không có sự chuẩn bị hoặc chuẩn bị ở mức cơ bản vì không nắm được thông tin hiệp định.
Dựa vào những phân tích của mình, cô cũng đã đưa ra những đề xuất giải pháp thiết thực: đầu tư cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh giáo dục – công nghệ - y tế, chuyển đổi cơ cấu, đào tạo lại lao động, ưu tiên phục hồi ngành có nhiều đóng góp cho kim ngạch xuất khẩu.
ThS. Phan Vũ Ngọc Lan với những góc nhìn về EVFTA
Chủ đề về “ứng dụng công nghệ thông tin trong việc phát triển ngành khách sạn tại TP.HCM” đã được ThS. Dương Bảo Trung chia sẻ. Khi dịch bệnh bùng phát, ngành công nghiệp không khói này là một trong những lĩnh vực chịu nhiều tác động nhất, trong đó có thể kể đến như: lượng khách quốc tế suy giảm; cơ sở lưu trú đóng cửa, lao động trong nghề thất nghiệp; doanh thu từ ngành này giảm sút.
Để có thể cải thiện tình hình này trước biến động của đại dịch, vai trò của công nghệ càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Thầy Trung đã đưa ra những ví dụ về các khách sạn đã áp dụng các phương pháp công nghệ phục vụ khách hàng trong mùa dịch như: Yotel Singapore hay Robot quản gia của khách sạn Mercantile (New Orleans) hoặc công nghệ nhận diện khuôn mặt trợ lý thông minh Tmall Genie của Alibaba’s Flyzoo (Trung Quốc).
Từ những nhận thức thực tiễn với tình hình chung, báo cáo viên đã đưa ra những thuận lợi cũng như khó khăn khi áp dụng các yếu tố công nghệ ở nước ta. Đồng thời đưa ra các giải pháp dài hạn như: nuôi dưỡng tư duy về công nghệ để áp dụng ngay khi có cơ hội, nâng cao trình độ và rèn luyện tư duy cho nhân viên khách sạn việc tiếp cận với công nghệ cao, xây dựng cơ sở vật chất phù hợp, hướng dẫn và định hướng khách hàng.
ThS. Dương Bảo Trung mang đến màu sắc mới về đề tài về du lịch - khách sạn
Phần báo cáo được kết lại với đề tài “Giải pháp ngắn hạn cho doanh nghiệp Logistics vừa và nhỏ Việt Nam trong diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu” của ThS. Nguyễn Thái Hà. Theo đó, cô đã đưa ra những đề xuất giải pháp trong lĩnh vực này như: kiểm soát/tăng mức vốn điều lệ, quản trị nhân lực và quản trị khách hàng, nâng cao khả năng quản trị của bộ máy tổ chức, xây dựng liên kết với doanh nghiệp trong ngành.
ThS. Nguyễn Thái Hà trình bày bài nghiên cứu về chủ đề liên quan đến doanh nghiệp Logistics
Kết thúc buổi báo cáo, PGS.TS. Ngô Cao Cường đã gửi lời tuyên dương đến những cố gắng của các thầy, cô tham gia nghiên cứu: "Tôi đánh giá cao sự tổ chức chuyên nghiệp của Khoa Kinh tế. Chúng ta nhận thấy đã bắt đầu xuất hiện những cái tên mới trong cuốn Kỷ yếu. Mong rằng khoa Kinh tế sẽ có thêm nhiều nhà khoa học, thúc đẩy các bài viết ngày càng chuyên nghiệp, có chất lượng hơn nữa. Chúc mừng khoa Kinh tế đã tổ chức Hội thảo thành công."
PGS.TS. Ngô Cao Cường đánh giá cao những nỗ lực của của giảng viên khoa trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học
Hội thảo khoa học được khoa Kinh tế tổ chức trong thời điểm này đã mang đến những giải pháp thiết thực để doanh nghiệp “vượt khó” thời Covid. Hơn nữa, hội thảo góp phần vào việc nâng cao chất lượng đào tạo của Nhà trường, thúc đẩy những nhân tố trẻ tham gia vào lĩnh vực nghiên cứu khoa học.
Tin: Kim Quy
Ảnh: Thái Sơn – Thế Thăng