Menu
  
Tin tức sự kiện

Hơn 120 công trình nghiên cứu tham gia Hội thảo khoa học Quốc gia HEGC tại UEF

24/04/2023
Sáng 22/4 vừa qua, UEF đã phối hợp với Cục Công tác phía Nam, Bộ Khoa học công nghệ tổ chức thành công Hội thảo khoa học Quốc gia về giáo dục đại học trong bối cảnh quốc tế hóa (Higher Education In The Globalized Context - HEGC).
Hội thảo đã góp phần tạo diễn đàn để các nhà nghiên cứu, các giảng viên, nhà quản lý trao đổi kết quả nghiên cứu về những vấn đề cấp thiết trong xã hội hiện nay liên quan đến lĩnh vực giáo dục nói chung và khía cạnh giáo dục đại học nói riêng. 
 
Hội thảo Quốc gia về giáo dục đại học trong bối cảnh quốc tế hóa đã diễn ra thành công tại UEF

Đến tham dự buổi Hội thảo có TS. Nguyễn Xuân Trường - Giám đốc Trung tâm Phát triển giáo dục và đào tạo phía Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo; ông Phan Thế Hùng - Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo; ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công tác phía Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ; Ông Trần Hải Đăng - Phó Trưởng phòng phụ trách, Phòng Hợp tác và phát triển tiềm lực khoa học công nghệ; ông Nguyễn Bạch Hoàng Phụng - Phó Chủ tịch thành phố Thủ Đức.
Đại diện Nhà tài trợ chính cho Hội thảo bà Trần Lâm Minh Nhi - Giám đốc Trung tâm Đào tạo Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sacombank cũng đến tham dự. Ngoài ra còn có GS.TS. Nguyễn Trung Kiên - Phó Hiệu trưởng Đại học HUTECH, Tổng Biên tập Tạp chí Phát triển và Hội nhập; PGS.TS. Nguyễn Thanh Phương - Phó Hiệu trưởng Đại học HUTECH.
Về phía Nhà trường có sự tham dự của PGS.TS Ngô Cao Cường - Phó Hiệu trưởng thường trực; TS. Nhan Cẩm Trí - Phó Hiệu trưởng; TS. Lý Thiên Trang - Phó Hiệu trưởng. Cùng với đó là các nhà nghiên cứu, thầy, cô giảng viên đến từ các trường Cao đẳng, Đại học, Viện, Trung tâm nghiên cứu,...
 

Khách mời và nhiều nhà nghiên cứu tham gia chia sẻ, trao đổi các công trình nghiên cứu khoa học tại Hội thảo 
 
Được biết, hoạt động này bắt đầu triển khai vào tháng 11/2022. Hội thảo đã nhận được hơn 120 công trình nghiên cứu đến từ 31 trường Đại học, Học viện, Cao đẳng trong và ngoài nước. Các vấn đề được triển khai trong chương trình lần này liên quan đến quốc tế hóa giáo dục đại học bằng việc cải tiến phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá và chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế các học phần thuộc khối ngành Kinh tế, Quản trị, Tài chính - Kế toán, Marketing,... Trong phần phát biểu khai mạc Hội thảo của PGS.TS Ngô Cao Cường, thầy cho biết thêm series về hội thảo sắp tới sẽ tiếp tục mở rộng sang nhóm ngành Ngôn ngữ. 
Chia sẻ về mục đích triển khai Hội thảo, PGS.TS. Ngô Cao Cường cho biết: “Vấn đề quốc tế hóa giáo dục đại học là một trong những chủ đề được quan tâm trong quá trình phát triển giáo dục hiện nay. Thông qua hội thảo, các báo cáo khoa học về những kinh nghiệm quốc tế hóa của các quốc gia phát triển đóng vai trò tham khảo quan trọng cho định hướng quốc tế hóa giáo dục đại học của Việt Nam nói chung. Mục tiêu của hội thảo mang tính thời sự này, ban tổ chức mong muốn tạo môi trường tự do học thuật nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu cho giảng viên, thầy cô hoạt động trong lĩnh vực giáo dục góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, thực hiện sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh hội nhập”.
 

PGS.TS. Ngô Cao Cường phát biểu khai mạc Hội thảo

Hội thảo chia ra 4 chủ đề chính để thảo luận, bao gồm: Quốc tế hóa giáo dục, Đào tạo giảng dạy trong bối cảnh quốc tế hóa giáo dục, Phương pháp kiểm tra đánh giá trong giáo dục đại học và Các kết quả nghiên cứu khoa học thực tế về chương trình đào tạo có liên quan. 

 

Cận cảnh về quốc tế hóa giáo dục đại học

 

Tại phiên Hội thảo về "Quốc tế hóa giáo dục đại học" có 4 tham luận được trình bày, dưới sự chủ trì của chủ tọa TS. Lý Thiên Trang và TS. Phạm Huy Cường. Các đề tài được đánh giá chỉn chu về hình thức và mang nhiều giá trị về mặt nội dung. Trên tinh thần học hỏi các nhà nghiên cứu cùng chủ tọa và phản biện đã có phần trao đổi, chia sẻ thẳng thắn với nhau, cùng hướng đến sự toàn diện và đóng góp nhiều giá trị hơn trong những hoạt động nghiên cứu sắp tới. 
 
Phiên đầu tiên có 4 tham luận tham gia trình bày, chia sẻ

4 tham luận tại phiên Hội thảo "Quốc tế hóa giáo dục" gồm: Quốc tế hóa giáo dục đại học Việt Nam hướng tới giáo dục đào tạo công dân toàn cầu được thực hiện bởi tác giả Cao Thị Cẩm Vân và Văn Thị Thiên Hà - Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn; Vai trò của xếp hạng đại học toàn cầu - Một phân tích so sánh giữa ba tổ chức ARWU, QS và THE do tác giả Nguyễn Thị Như Thuận - UEF thực hiện; Hoạt động ngoại khóa: Yếu tố ảnh hưởng đến việc đào tạo công dân toàn cầu trong bối cảnh quốc tế hóa được thực hiện bởi tác giả Phan Nguyễn Phong Luân - Trường Cao đẳng Công thương TP.HCM; Vai trò của số hóa trong quốc tế hóa giáo dục đại học do tác giả Nguyễn Văn Thỏa - UEF trình bày.

 

Góc nhìn về đào tạo giảng dạy trong bối cảnh quốc tế hóa giáo dục

 

Với chủ đề “Đào tạo giảng dạy trong bối cảnh quốc tế hóa giáo dục” được chủ trì bởi TS. Hà Thị Thủy và TS. Phan Bảo Giang, phiên Hội thảo này đã nhận về 4 tham luận xoay quanh việc ứng dụng công nghệ thông tin hoặc các phương pháp giảng dạy đổi mới như tâm lý học sáng tạo, sự tự chủ của người học nhằm làm tăng ảnh hưởng tích cực của các buổi học lên sinh viên. 
 
Phiên thứ 2 diễn ra đồng thời cũng có 4 tham luận được trình bày

4 tham luận được trình bày và trao đổi tại phiên Hội thảo này bao gồm: Ứng dụng tâm lý học sáng tạo trong việc giảng dạy cho sinh viên chuyên ngành Marketing của tác giả Nguyễn Hữu Long - Trường Đại học Mở TP.HCM và TS. Phan Bảo Giang - UEF; Xu hướng ứng dụng các công cụ Digital Marketing trong công tác giáo dục hiện nay được tác giả Hồng Quý và Trần Hoài Khiêm - Học viện Công nghệ thông tin và thiết kế VTC thực hiện; Dạy theo đồ án và tự chủ của người học của nhóm tác giả UEF gồm Nguyễn Thị Đan Tâm và Tô Thị Kiều Oanh; Nhận thức vận dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy của giảng viên: nghiên cứu thực tiễn tại Việt Nam được thực hiện bởi nhóm tác giả Nguyễn Thị Ngọc Diệp - Trường Đại học Kinh tế Luật, ĐHQG-HCM, Trần Anh Tùng và Trần Quang Cảnh - UEF.

 

Trao đổi về phương pháp kiểm tra đánh giá trong giáo dục đại học

 

Ở phiên này có 4 tham luận được trình bày, thảo luận, gồm: Đánh giá kết quả của người học - Những phương pháp tiếp cận mới qua trường hợp môn tổ chức sự kiện do tác giả Huỳnh Vũ Thạch - Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng thực hiện; Sử dụng đề mở trong đánh giá nhằm nâng cao hiệu quả học tập và tạo động lực cho sinh viên cao đẳng của tác giả Phạm Thị Ngọc Thư - Trường Cao đẳng Công thương TP.HCM; Thiết kế và sử dụng Rubrics hiệu quả trong việc đánh giá năng lực người học ở bậc đại học thực hiện bởi tác giả Trần Thanh Huyền - UEF; Đánh giá của sinh viên Đại học Quốc gia TP.HCM về phương pháp kiểm tra đánh giá trong giáo dục đại học theo hình thức trực tuyến của tá giả Nguyễn Thanh Huyền - Trường Đại học Kinh tế Luật, ĐHQG-HCM.
 
Các chủ tọa, phản biện và thầy cô tham dự các phiên đều trên tinh thần chia sẻ, học hỏi lẫn nhau
 
Các chủ tọa, phản biện và thầy cô tham dự trong phiên Hội thảo đã có những trao đổi, góp ý thiết thực dựa trên những kiến thức chuyên môn và trải nghiệm thực tế. Từ đó, nâng cao các giá trị học thuật trong các công trình nghiên cứu. Bên cạnh đó, những lỗ hổng nhỏ cũng được chỉ ra để các nhà nghiên cứu xem lại và rút kinh nghiệm cho những hoạt động nghiên cứu tiếp theo. 

 

Thêm các kết quả nghiên cứu khoa học thực tế về chương trình đào tạo có liên quan

 

Tại phiên hội thảo về Các kết quả nghiên cứu thực tế về chương trình đào tạo có liên quan được chủ trì bởi TS. Nhan Cẩm Trí và ThS. Ngô Thanh Phương Quỳnh, những đề tài thú vị và không kém phần thiết thực đã được 3 báo cáo viên trình bày, cụ thể là: Tăng cường tính quốc tế trong đào tạo quản trị sự kiện: Nghiên cứu trường hợp Asian Kids Fashion Week 2023 của tác giả Nguyễn Hoàng Lân - UEF; Đại học thông minh khi chuyển đổi số: trường hợp nghiên cứu tại Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM của tác giả Trương Thành Lộc - UEF; Thực trạng và biện pháp tăng cường nhận thức về trí tuệ cảm xúc cho sinh viên năm nhất trường đại học Văn Lang được thực hiện bởi nhóm tác giả Tiêu Minh Sơn - Trường Đại học Văn Lang và Nguyễn Thụy Mỹ Linh - Công ty Cổ phần Giáo dục KDI.
 
Phiên Hội thảo thứ 4 có 3 đề tài trình bày, được đánh giá thú vị và thiết thực 

Phát biểu kết thúc phiên Hội thảo này, TS Nhan Cẩm Trí cho biết: “Một ngôi trường đại học muốn phát triển hơn nữa trong tương lai thì luôn cần những cách tân đổi mới, phải tăng cường tính quốc tế hóa trong chương trình đào tạo để tiếp thu những tiến bộ của các nước bạn, tăng cường chuyển đổi để đáp ứng nhu cầu của thời đại, tạo ra những lớp sinh viên không chỉ giỏi tri thức mà còn hoàn thiện về mặt cảm xúc”.
Hội thảo Quốc gia về giáo dục đại học trong bối cảnh quốc tế hóa đã diễn ra thành công. Hơn 120 công trình nghiên cứu khoa học đóng góp cho Hội thảo lần này là cơ sở tham khảo quan trọng cho định hướng quốc tế hóa giáo dục đại học của Việt Nam. Qua đây, các nhà nghiên cứu được nâng cao năng lực nghiên cứu và công bố khoa học, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, thực hiện sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
 


Đại diện Nhà UEF gửi lời tri ân đến các khách mời và đơn vị tài trợ, đồng hành với Hội thảo
 





Các thầy, cô trình bày nhiều tham luận có giá trị thực tiễn cao
 
Được biết trước đó, Nhà trường cũng đã phối hợp tổ chức thành công nhiều Hội thảo khoa học quốc gia, quốc tế như: Hội thảo khoa học Quốc gia “Cập nhật xu hướng phát triển công nghệ số trong ngành Logistics - đào tạo và thực tiễn” vào tháng 10/2022, Hội thảo khoa học Quốc gia “English Language Education and Research in the New Normal: Prospects and Challenges - ELER 2022” diễn ra tháng 6/2022, Hội thảo khoa học Quốc gia về Quản trị, Tài chính, Kế toán và Thương mại với chủ đề “Bối cảnh quốc tế, chiến lược địa phương” tổ chức tháng 4/2022,…
 
TT.TT-TT
TIN LIÊN QUAN