Menu
  
Tin tức sự kiện

Sinh viên Khoa Quan hệ quốc tế tự tin tham gia nghiên cứu khoa học với những bí quyết từ chuyên gia

13/03/2023
Nghiên cứu khoa học là phong trào cần được đẩy mạnh trong môi trường đại học để sinh viên phát triển các kỹ năng của bản thân, theo đuổi đam mê và giải quyết nhiều vấn đề trong cuộc sống. Nhằm mang đến cho sinh viên những kiến thức nền tảng về nghiên cứu khoa học gắn với ngành nghề, giúp các bạn định hướng quy trình phát triển cho những dự án của mình, sáng nay - 13/3, Khoa Quan hệ quốc tế đã tổ chức talkshow: “Phương pháp nghiên cứu khoa học trong Quan hệ quốc tế”.
Sự kiện có sự tham dự của TS. Đào Minh Hồng - Phó Trưởng khoa Quan hệ quốc tế cùng sự tham gia và hỗ trợ của các thầy cô trong Khoa.
Đồng hành và mang đến những kiến thức bổ ích cho các bạn sinh viên là PGS.TS. Nguyễn Đức Lộc - Giám đốc Viện nghiên cứu Đời sống xã hội Social Life. 
 



Diễn giả đã mang đến cho sinh viên những bí quyết để thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học
 
Chương trình xoay quanh 5 nội dung chính: Tri thức khoa học là gì; Nghiên cứu khoa học là gì; Phân loại các loại hình nghiên cứu; Quy trình nghiên cứu; Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu. 
Tại talkshow, sinh viên đã cùng tìm hiểu định nghĩa của các thuật ngữ liên quan đến quá trình nghiên cứu khoa học cũng như bản chất của nó. Theo đó, nguồn gốc sâu xa của việc nghiên cứu bắt đầu từ câu hỏi “tại sao” và mong muốn khám phá “cấu trúc ngầm”, giải mã những điều chưa biết về thế giới. Đề tài nghiên cứu cần có tính mới, tính hiện đại và tính khoa học. Bên cạnh đó, khi lựa chọn và bắt đầu thực hiện, sinh viên cần đảm bảo 2 thành tố quan trọng là sử dụng chất liệu từ thực tiễn cuộc sống kết hợp với góc nhìn lý thuyết. Ngoài ra, về khía cạnh đạo đức trong khoa học, trước khi bắt đầu, các bạn cần trả lời cho mình câu hỏi: Chúng ta có nên thực hiện dự án này hay không?.
 


“Học mà chơi” với những bài tập minh họa thực tế từ diễn giả
 
Đến với chương trình, diễn giả cũng hướng dẫn cho các bạn sinh viên từng bước để tạo nên một công trình nghiên cứu hoàn chỉnh nhất. Trước hết, để nghiên cứu khoa học, các bạn cần trang bị và đảm bảo cho mình kiến thức trên 3 mảng thiết yếu: Kiến thức khoa học về vấn đề định nghiên cứu; Phương pháp tiến hành nghiên cứu; Kỹ năng hay kinh nghiệm nghiên cứu. Sau khi đã tích lũy cho mình lượng thông tin cần thiết cũng như những góc nhìn, quan điểm về cuộc sống, sinh viên có thể chính thức bắt tay vào thực hiện. Quy trình nghiên cứu khoa học gồm 4 bước cơ bản: Lựa chọn đề tài nghiên cứu; Hình thành luận điểm khoa học; Thiết kế nghiên cứu, khảo sát; Trình bày luận điểm khoa học. Ở mỗi bước sẽ có những yêu cầu riêng, đòi hỏi người thực hiện phải có đủ kỹ năng, sự nghiêm túc, kiên trì cùng niềm đam mê lớn đối với một số lĩnh vực nhất định.
Nghiên cứu khoa học là một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ, đặc biệt là đối với các sinh viên lần đầu được thử sức đào sâu vào các khía cạnh của cuộc sống một cách chuyên nghiệp. Tại talkshow, PGS.TS. Nguyễn Đức Lộc đã rất tỉ mỉ giải thích cho các bạn những khái niệm cũng như hướng dẫn từng bước thực hiện, các bí quyết và những lỗi sai thường gặp. Chính vốn kiến thức sâu rộng, sự uyên bác, nhiệt tình cùng những ví dụ thực tế của diễn giả đã truyền cảm hứng đến UEFers, biến hoạt động nghiên cứu khô khan trở thành một hình thức để khám phá, trải nghiệm thế giới.
 




Các nhóm nghiên cứu tích cực đặt câu hỏi cho diễn giả về đề tài của mình
 
Không chỉ lắng nghe mà trong talkshow, UEFers còn được tương tác cùng diễn giả. Tại đây, các nhóm đã lần lượt trình bày về dự án của mình để nhận góp ý từ thầy Đức Lộc, đồng thời đặt câu hỏi về những vấn đề mà mình gặp phải trong quá trình nghiên cứu.
Kết thúc sự kiện, sinh viên Khoa Quan hệ quốc tế đã tích lũy được nhiều kiến thức chuyên môn bổ ích, đồng thời từng bước xác định được các công việc cần làm để thực hiện đề tài của mình một cách chỉn chu nhất. Nghiên cứu khoa học là một hành trình tuy khó khăn nhưng thú vị, mở ra những chân trời mới cho người tham gia. Vì thế, trong những năm đại học của mình, UEFers hãy cùng “đồng đội”  thực hiện những dự án nghiên cứu ấn tượng để phát triển kỹ năng, bổ sung vào CV một điểm cộng thật lớn và có nhiều trải nghiệm đáng nhớ nhé.

Anh Thy 
Ảnh: Tuấn Nâu 
TIN LIÊN QUAN