Sự phát triển của công nghệ hiện đại mang đến nhiều thuận lợi nhưng cũng không kém phần thách thức cho các lĩnh vực kinh tế, xã hội. Trong đó, ngành Luật cũng chịu những tác động đáng kể. Để có thể nhanh chóng thích nghi và linh hoạt ứng biến trước những biến động của thời cuộc, đòi hỏi sự chủ động và cập nhật liên tục của mỗi cá nhân. Nhằm giúp các giảng viên, sinh viên Luật UEF có thêm những góc nhìn sâu, rõ về vấn đề này, Khoa Luật UEF đã phối hợp với Câu lạc bộ Pháp luật - Integrity Law Club (ILC) tổ chức buổi talkshow với chủ đề "Công nghệ AI và tác động đến đào tạo, giảng dạy Luật" vào sáng nay - 28/2.
Đồng hành, chia sẻ cùng UEFers trong sự kiện này là ThS. Bạch Thị Nhã Nam - Nghiên cứu sinh ngành Luật, Đại học Griffith, Úc. Đại diện Khoa Luật tham dự có ThS. Vũ Anh Sao - Phó Trưởng khoa.
Diễn giả là nghiên cứu sinh ngành Luật tại Úc
ThS. Vũ Anh Sao - Phó Trưởng Khoa Luật cũng có những chia sẻ về công nghệ AI
Xuyên suốt chương trình, diễn giả đã chia sẻ tổng quan về công nghệ 4.0, trí tuệ nhân tạo (AI), ứng dụng AI và cụ thể hóa những ứng dụng AI trong việc hành nghề luật.
Khách mời cũng đưa ra những thách thức của trí tuệ nhân tạo đối với việc nghiên cứu pháp luật. Theo đó, tư cách pháp lý, trách nhiệm pháp lý, bản chất pháp lý của AI là những vấn đề chưa hoàn toàn rõ ràng; các thách thức liên quan đến khía cạnh đạo đức và an ninh, các định kiến, nhận thức sai từ dữ liệu đầu vào; việc ứng dụng tích cực những phương tiện giao thông không người lái; vấn đề bất khả xâm phạm đối với đời sống cá nhân;...
Một số nội dung trao đổi trong talkshow
Để đáp ứng sự phát triển của cuộc cách mạng công nghệ, người dạy cần cập nhật kiến thức liên tục, tập trung phát triển tư duy cho người học. Không chỉ nắm thông tin về các quy định pháp luật thực định mà phải gắn đào tạo lý thuyết và thực tiễn, gia tăng hoạt động phân tích, bình án, so sánh pháp luật.
Ngoài ra, cần mở rộng các nguồn của pháp luật, chú trọng học thuyết pháp lý được ví như con mắt của pháp luật, giúp thấu hiểu pháp luật.
ChatGPT hay Robot Sophia là những ứng dụng của công nghệ trí tuệ nhân tạo
Những chia sẻ từ phía diễn giả đã góp phần giúp giảng viên, sinh viên ngành Luật UEF có thêm những thông tin, kiến thức về việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào lĩnh vực ngành nghề. Từ đó, mỗi cá nhân sẽ có sự chủ động hơn trong việc cập nhật, tận dụng công nghệ mới để mang lại hiệu quả cao nhất cho quá trình giảng dạy, học tập.
TT.TT-TT