Menu
  
Tin tức sự kiện

Nghề giáo và những thách thức trong thời đại 4.0

13/11/2023
Mỗi nghề mỗi khó khăn, thách thức. Nghề giáo cũng không ngoại lệ. Trong thời đại công nghệ phát triển mạnh mẽ, mọi lĩnh vực đều phải xoay chuyển theo thời cuộc để không bị rơi ra khỏi quỹ đạo tự nhiên. Các thầy, cô, giảng viên Nhà UEF cũng phải đối đầu với nhiều thách thức trong những năm học vừa qua. Cùng lắng nghe những chia sẻ từ các thầy, cô nhân kỷ niệm 41 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 để cảm nhận rõ hơn về hành trình thích ứng kỷ nguyên số của thầy và trò UEF.
 
Đón nhận thách thức của thời đại, các nhà giáo tại UEF đủ bản lĩnh để đương đầu

TS. Đặng Anh Lực - Phó Trưởng Khoa Quan hệ công chúng và Truyền thông
Nếu lúc trước người ta cần phải học, phải đi và phải làm thì mới có thể biết và tích lũy kinh nghiệm, thì bây giờ chỉ cần mở điện thoại lên, bạn có thể tìm kiếm mọi thứ. Điều này đồng nghĩa với việc giảng viên cũng phải liên tục tiến bộ để đáp ứng nhu cầu của người học.
 
“Dù thách thức có lớn đến đâu, tôi tin rằng giáo dục vẫn luôn là nguồn gốc phát triển của đất nước”, TS. Đặng Anh Lực cho biết

Theo tôi, vai trò của giảng viên bây giờ không chỉ là hoàn thành trách nhiệm và nghĩa vụ cần có mà mỗi ngày đều cần phải học hỏi để phát triển và chạy kịp với thời đại, với thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, giảng viên phải cạnh tranh với sự chú ý của rất nhiều thứ xung quanh các bạn sinh viên. Một bài post hay một chiếc podcast trên mạng xã hội hoàn toàn có thể hấp dẫn hơn một bài giảng của giảng viên. Điều này đặt ra thách thức lớn cho giảng viên trong việc duy trì sự hấp dẫn của quá trình học tập truyền thống.
Cũng như các bạn trẻ, tôi hăng hái tham gia các khóa học, hội thảo và tự nghiên cứu để cập nhật kiến thức và kỹ năng. Là một người thầy thì không chỉ đứng trước lớp và truyền đạt kiến thức mà còn là người lắng nghe, học hỏi từ các bạn sinh viên. Sự học là một hành trình suốt đời. Thời đại có thể thay đổi, nhưng tâm huyết và trách nhiệm của chúng tôi với nghề giáo sẽ luôn không đổi.
ThS. Nguyễn Ngọc Thủy Tiên - Phó Trưởng Khoa Quản trị kinh doanh
Sinh viên ngày càng thông minh, linh hoạt trong việc sử dụng các ứng dụng, công nghệ bổ trợ trong việc học. Với các lớp tôi giảng dạy, một case study đưa ra để làm rõ vấn đề ngay lập tức các bạn sinh viên đã có thể “search” ra rất nhiều câu trả lời, giải pháp cũng như đề xuất ý tưởng mới. Điều này đòi hỏi việc lựa chọn các câu hỏi tình huống, ví dụ minh họa trong mỗi bài giảng của giảng viên cần phải được nâng cấp, đầu tư, cập nhật cái mới nhiều hơn và liên tục. 
 
Cô Thủy Tiên luôn tìm cách đổi mới bản thân trong công tác giảng dạy để phù hợp với từng đối tượng sinh viên

Bên cạnh việc nghiên cứu chuyên môn, tôi thường xuyên cập nhật các kênh, từ ngữ gần gũi với các bạn gen Z để kịp thời hiểu tâm lý, nắm bắt thông tin và đưa những giải pháp giảng dạy hiệu quả, "hợp gu" với các bạn sinh viên. Chia sẻ với các thầy, cô UEF một số kênh thú vị có thể tiếp cận sau: lĩnh vực truyền thông (BrandsVietNam, Advertising Vietnam, Mango Digital,...), fanpage sáng tạo có nhiều góc độ độc đáo (RGB, Vietcetera,...), nền tảng Creative (Pinterest, Behance,...), website tiếng Anh (Adweek, Dribbble,...) hoặc đăng ký nhận Newsletter từ các ngôi trường hàng đầu thế giới về sáng tạo. 
ThS. Cao Đỗ Quyền - Trợ lý ngành Ngôn ngữ Nhật, Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa quốc tế
Nhìn về mặt công nghệ trong ngành giáo dục hiện đại, tôi thấy được những mặt thuận lợi và cả những thách thức. Về mặt tích cực: hỗ trợ đào tạo từ xa, nhờ SNS thu hẹp khoảng cách người dạy và người học, hỗ trợ nhanh thắc mắc của người học, giao bài tập, chấm bài,... Về thách thức: người học mất dần đi tính tự chủ, ỷ lại nhiều vào các phần mềm hỗ trợ, người học sử dụng các ứng dụng tương tự như chat GPT để thực hiện các bài tập, đặc biệt ở kỹ năng viết, khiến việc đánh giá chất lượng người học trở nên khó khăn.
 
ThS. Cao Đỗ Quyền nhấn mạnh: “Chúng ta cũng nên nghiên cứu các lĩnh vực gần với lĩnh vực mình phụ trách để mở rộng kiến thức liên quan”

Thời đại thay đổi, công nghệ phát triển đòi hỏi người dạy cần phải tiên phong trong đổi mới, áp dụng các phương pháp dạy học hiện đại, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật hiện đại vào hoạt động giảng dạy của mình. Theo tôi, các giảng viên nên phát triển các kỹ năng quan trọng như: kỹ năng hợp tác, lắng nghe; kỹ năng dạy học tích hợp; kỹ năng sáng tạo trong dạy học; kỹ năng sử dụng công nghệ... 
Cuối cùng, tôi muốn nói điều cốt yếu của người thầy cần làm là luôn trân trọng, giữ gìn, rèn giũa hàng ngày để thực sự có chữ “TÂM” trong sáng của nghề giáo cao quý. Chúng tôi - những người lái đò luôn cố gắng giữ vững nhiệt huyết, có tâm và có tầm để lèo lái con thuyền tri thức bao thế hệ cập bến thành công.
ThS. Nguyễn Nam Trung - Trợ lý Trưởng Khoa Luật
Trong thời đại 4.0, khó khăn lớn nhất đối với tôi là việc thích nghi với sự phát triển nhanh chóng của các ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực giáo dục, qua các phương pháp dạy học mới như: e-learning, blended-learning; content aware u-learning, collaborative environment. Bởi trước giờ, để giúp người học có thể dễ dàng tiếp thu kiến thức, tôi sử dụng phương pháp tương tác trực tiếp, qua ngôn ngữ hình thể, sự lên xuống ngữ điệu và những câu chuyện hài hước, chuyển hóa những quy định pháp luật khô khan trở nên dễ hiểu, dễ nhớ. Tuy nhiên, ngày nay, việc học tập qua các ứng dụng công nghệ làm cho sự tương tác trực tiếp ấy ngày càng ít đi.
 
Với thầy Nam Trung, việc “vào vai” người học sẽ giúp thấu hiểu sinh viên nhiều hơn

Để vượt qua những thử thách trên, tôi đã dành nhiều thời gian để "đóng vai" của một người học. Tôi tích cực tham gia các lớp học qua ứng dụng công nghệ để hiểu được những điều thú vị, những lợi ích to lớn mà công nghệ 4.0 mang lại, đồng thời trải nghiệm được những khó khăn, trở ngại người học phải đối diện. Nhờ vậy, tôi tìm ra những phương pháp phù hợp để giúp sinh viên mình có thể tiếp thu kiến thức một cách hiệu quả nhất. 
“Cho tôi một con cá, tôi sẽ ăn hết nó trong một ngày, nhưng nếu dạy tôi cách câu cá, tôi sẽ được ăn cả đời”, với tôi: nhiệm vụ của một người thầy không phải khiến sinh viên yêu thích, cần mình, mà là giúp các bạn có khả năng thích nghi khi không có mình. Truyền cảm hứng và sự thấu hiểu là điều cần thiết cho người học bên cạnh kiến thức.
Qua những chia sẻ của các thầy, cô, có thể thấy được thầy và trò Nhà UEF đã thích ứng linh hoạt với thời cuộc, biến thách thức thành ưu thế để tiếp tục hoạt động thật tốt trong công tác giảng dạy. Nhờ đó góp phần vào việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho thị trường việc làm toàn cầu. Nhân dịp 20/11, UEF chúc tất cả các thầy, cô nhiều sức khỏe, bản lĩnh bước qua mọi thách thức của thời đại, tiếp tục cống hiến sức mình cho sự nghiệp "trồng người" tại Nhà UEF. 
 
Tấn Phát
Ảnh: NVCC
TIN LIÊN QUAN