Menu
  
Tin tức sự kiện

Các "nhà khoa học trẻ" UEF được trang bị bí quyết khai thác tài nguyên nghiên cứu khoa học hiệu quả

04/11/2023
Ngày nay, sự phát triển của công nghệ thông minh đã dẫn đến nhiều sự thay đổi trong quá trình nghiên cứu khoa học (NCKH). Hàng loạt công cụ mới xuất hiện với mục tiêu nâng cao năng suất và chất lượng, giúp công việc của các nhà nghiên cứu trở nên dễ dàng, thuận tiện hơn.
Nhằm kịp thời nắm bắt và cập nhật thông tin mới nhất về các công cụ, phương pháp NCKH trong thời đại mới, Phòng Khoa học công nghệ phối hợp với Văn phòng trường và Khoa Marketing tổ chức buổi tập huấn “Khai thác các công cụ khoa học mở và kỹ năng công bố quốc tế cho các nhà khoa học trẻ”.
 

Buổi tập huấn có sự tham gia của đông đảo nghiên cứu sinh, học viên cao học UEF

Đến tham dự buổi tập huấn có TS. Ngô Minh Hải - Phó Hiệu trưởng Nhà trường, TS. Nguyễn Thành Luân - Phó Trưởng phòng Khoa học công nghệ. Cùng với đó là sự hiện diện của đông đảo các nghiên cứu sinh và học viên cao học. 
Hai diễn giả của chương trình là PGS.TS. Lê Quang Hùng - Phó Trưởng Khoa Marketing, thầy Lê Trung Nghĩa - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu, Đào tạo và Phát triển Tài nguyên Giáo dục Mở, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. 
 
Đại diện UEF trao thư cảm ơn đến các diễn giả

Phát biểu mở đầu buổi tập huấn, TS. Nguyễn Thành Luân đã chia sẻ góc nhìn của mình về việc NCKH trong thời đại mới. Thầy cho biết: “Ngày xưa, việc NCKH gặp rất nhiều khó khăn bởi những nguồn thông tin, tài liệu tiếp cận còn hạn chế. Nhưng cùng với thời gian, sự thay đổi và phát triển của công nghệ thông minh đã đóng vai trò rất lớn trong việc hạn chế những vấn đề trên. Thông qua việc tận dụng tốt các tài nguyên mở, các thầy cô hoàn toàn có thể tiết kiệm rất nhiều thời gian và công sức, đồng thời vẫn tạo ra được những công trình nghiên cứu chất lượng”.
 
TS. Nguyễn Thành Luân chia sẻ về sự thay đổi của các hình thức NCKH trong thời đại mới

Chia sẻ về bí quyết khai thác các công cụ khoa học mở, thầy Lê Trung Nghĩa đã mở đầu bằng việc làm rõ các định nghĩa. Theo đó, khái niệm “khoa học mở” có thể được “bóc tách” trong 5 ngách chính là kiến thức khoa học mở, hạ tầng khoa học mở, sự tham gia mở của các tác nhân trong xã hội, đối thoại mở với các hệ thống kiến thức khác. Với mỗi khía cạnh, diễn giả đều có những phân tích chi tiết về ý nghĩa, cách ứng dụng và những lưu ý để đạt được hiệu quả cao nhất. 
Bên cạnh đó, với mong muốn giúp cho quá trình nghiên cứu của các thầy cô trở nên dễ dàng hơn, thầy Lê Trung Nghĩa cũng trực tiếp hướng dẫn các bước sử dụng các website như: ORCID, Zenodo, GitHub. Đây đều là những kho phi lợi nhuận được NASA khuyến nghị sử dụng để tăng tải, lưu trữ và quản lý dữ liệu NCKH mở.
 
Thầy Lê Trung Nghĩa chia sẻ những bí quyết để khai thác tốt các tài nguyên, dữ liệu mở

Tại buổi tập huấn, PGS.TS. Lê Quang Hùng đã mang đến nhiều kinh nghiệm thiết thực liên quan đến việc học tiến sĩ, viết và đăng bài báo khoa học trên các tạp chí trong nước và quốc tế. 
Theo diễn giả, trước khi bắt đầu học tiến sĩ, các thầy cô nên tham khảo những luận án đã được bảo vệ trong ba năm gần nhất để nắm bắt tình hình thực tế, tìm ý tưởng cũng như xác định tên đề tài. Sau đó là xác định hướng tiếp cận đề tài, tìm giảng viên hướng dẫn, viết đề cương chi tiết và chuyên đề một. Việc đăng ký học tiến sĩ sẽ chỉ thật sự hiệu quả nếu các thầy cô có thể hoàn thành các bước trên và có được cái nhìn tổng quan cho bài NCKH của mình. 
 
PGS.TS. Lê Quang Hùng trình bày chi tiết về những bí quyết để học tiến sĩ hiệu quả

Thêm vào đó, một trong những điều quan trọng nhất để tạo nên một công trình NCKH thành công nằm ở sự chuẩn bị. Bởi NCKH là một hành trình với nhiều khó khăn và đòi hỏi rất nhiều sự đánh đổi. Mỗi một cá nhân cần có sự sẵn sàng về mặt thời gian, tài chính, cũng như điều kiện thực tế của mình để có thể đi đến cuối với những ý tưởng của mình. 
Ngoài ra, những thông tin về thời gian, cơ sở đào tạo, tiêu chí chấm điểm cũng được diễn giả phổ biến rõ ràng. Đối với thầy cô có mong muốn thử thách tại các tạp chí quốc tế, thầy Lê Quang Hùng cũng mang đến nhiều lời khuyên bổ ích về việc chọn nhà xuất bản uy tín, bố cục, cũng như những bí quyết để tối đa hóa cơ hội thành công. Thông qua đó, các nghiên cứu sinh, học viên cao học Nhà UEF đã hiểu rõ hơn về lộ trình NCKH, cũng như có thể lên kế hoạch, định hướng công việc cho mình trong thời gian tới.
 


Các giảng viên UEF tích cực theo dõi và trao đổi với diễn giả trong suốt buổi tập huấn

Khép lại buổi tập huấn, các nghiên cứu sinh, học viên cao học Nhà UEF đã tích lũy được nhiều kiến thức bổ ích liên quan đến NCKH nói chung và công cụ, tài nguyên mở hỗ trợ nói riêng. Hy vọng rằng đây sẽ là nền tảng để các thầy cô tích lũy kinh nghiệm, triển khai các bài báo cáo khoa học dễ dàng và đạt hiệu quả cao hơn. 
 
Anh Thy
Ảnh: Thành Thắng
TIN LIÊN QUAN