Sáng 6/7, Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa quốc tế UEF đã tổ chức thành công Hội thảo khoa học quốc tế về khoa học, kinh tế và xã hội. Với chủ đề "Giảng dạy ngôn ngữ Nhật, Hàn, Trung thay đổi và thích ứng trong bối cảnh hiện nay", chương trình đã trở thành diễn đàn để các giảng viên trao đổi kết quả nghiên cứu, tập trung vào các vấn đề bức thiết trong bối cảnh quốc tế hóa giáo dục đại học.
Hội thảo thu hút nhiều đề tài nghiên cứu mang tính thực tiễn cao
Chương trình có sự tham dự của PGS.TS. Ngô Cao Cường - Phó Hiệu trưởng thường trực UEF; ThS. Nguyễn Xuân Hưng - Giám đốc Trung tâm Đào tạo thiết kế dự án UEF, ThS. Phạm Huỳnh Anh Việt, TS. Hà Minh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện công nghệ Việt Nhật HUTECH.
Về phía Khoa tổ chức có TS. Võ Văn Thành Thân - Trưởng Khoa; TS. Nguyễn Thị Lan, ThS. Phạm Thị Thùy Linh - Phó Trưởng Khoa; ThS. Cao Đỗ Quyền – Trợ lý ngành Ngôn ngữ Nhật cùng đông đảo thầy, cô các ngành học liên quan đang công tác tại UEF và HUTECH.
PGS.TS. Ngô Cao Cường khích lệ tinh thần nghiên cứu của giảng viên
TS. Võ Văn Thành Thân chia sẻ tại Hội thảo
Hội thảo diễn ra với 4 tham luận được trình bày. Hội đồng phản biện và các thầy, cô tham gia trao đổi tích cực với tinh thần giao lưu, cầu thị.
Đối với ngành Ngôn ngữ Trung Quốc, ThS. Hứa Phạm Cẩm Tú đã có bài báo cáo khoa học với đề tài: “Ảnh hưởng của video ngắn trên nền tảng TikTok đến việc giảng dạy tiếng Trung qua mô hình phân tích SWOT”. Tham luận này phân tích các ưu điểm cùng cơ hội, thách thức dành cho người làm công tác giảng dạy trước sự bùng nổ của các video ngắn trên nền tảng TikTok. Từ đó, chọn lọc, kết hợp giữa phương pháp truyền thống cùng những tiện ích của công nghệ để xây dựng môi trường học tập tích cực.
ThS. Hứa Phạm Cẩm Tú bắt kịp xu hướng với đề tài gắn liền mạng xã hội TikTok
Ở phiên dành cho ngành Ngôn ngữ Nhật, ThS. Lý Như Quỳnh mang đến đề tài nghiên cứu về “Dạy và học tiếng Nhật trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0”. Nội dung bài viết hướng đến việc phân tích xu thế tất yếu hiện nay là sự phát triển công nghệ. Dựa vào đó cho thấy việc dạy và học tiếng Nhật cũng cần có những sự thay đổi để phù hợp với thời đại. Đồng thời, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao về nhân sự biết tiếng Nhật của thị trường lao động.
ThS. Lý Như Quỳnh trình bày tham luận
Trong khi đó, tham luận “Những khó khăn và giải pháp giảng dạy học phần cơ sở văn hóa Nhật Bản cho sinh viên tại Viện Công nghệ Việt - Nhật (VJIT)” ThS. Phan Thị Nga đã chỉ ra những khó khăn của người dạy và người học. Tác giả đề xuất giải pháp phù hợp nhằm đem lại những kết quả tốt hơn trong việc định hướng, truyền đạt kiến thức và khơi gợi tinh thần chủ động, sáng tạo của sinh viên.
Đề tài của ThS. Phan Thị Nga thu hút các giảng viên cùng trao đổi, thảo luận
“Nghiên cứu về giáo dục đọc tiếng Hàn qua webtoon dành cho sinh viên năm 3 ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc tại UEF” là tham luận cuối cùng của Hội thảo. Nghiên cứu của tác giả Dương Văn Thành. Sản phẩm đề xuất phương án áp dụng webtoon nhằm giúp sinh viên nâng cao khả năng tiếp cận ngôn ngữ qua hình thức kết hợp truyện tranh vào giảng dạy.
Tác giả Dương Văn Thành đề xuất phương án học tập sinh động và gần gũi cho sinh viên ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc
Các thầy, cô giao lưu, chia sẻ và phản biện đề tài nghiên cứu
Hội thảo diễn ra sôi nổi với nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận và phản biện giữa các thầy, cô. Nhìn chung, các đề tài được đánh giá cao về tính thiết thực, đáp ứng nhu cầu giảng dạy và học tập ngôn ngữ trong xã hội hiện đại. Chương trình đã thành công xây dựng môi trường học thuật, khoa học để các giảng viên cùng nghiên cứu và góp phần nâng cao chất lượng đào tạo cho sinh viên hai trường.
Quy Nguyễn - Anh Thy
Ảnh: Media Team