Ngày 20/11 - Ngày tôn vinh nghề giáo, "nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý" đang rất cận kề. Trong không gian ngập tràn sắc màu tri ân, nhiều câu "Chuyện đời – Chuyện nghề nhà giáo" đã được chia sẻ, nhiều khía cạnh đằng sau bục giảng cũng được hé lộ qua từng cung bậc cảm xúc. Đó cũng chính là chủ đề chương trình talkshow do khoa Quản trị kinh doanh tổ chức, thu hút sự theo dõi của đông đảo sinh viên vào tối qua - 16/11.
Chương trình là không gian để các thầy, cô trải lòng về nghề giáo
Talkshow có sự tham dự của TS. Nhan Cẩm Trí – Phó Hiệu trưởng, Trưởng khoa Kinh tế; TS. Hồ Viễn Phương – Phó Hiệu trưởng, Chánh Văn phòng trường; TS. Nguyễn Thị Lan – Phó Trưởng khoa Ngôn ngữ và văn hóa quốc tế; ThS. Vũ Anh Sao – Phó Trưởng khoa Luật.
Về phía khoa Quản trị kinh doanh, có TS. Huỳnh Nhựt Nghĩa – Phó Trưởng khoa; ThS. Lê Hồng Đắc – Trưởng ngành Marketing; ThS. Đặng Thanh Thủy – Trưởng ngành Quản trị nhân lực và ThS. Trần Anh Tùng – Trưởng ngành Quản trị kinh doanh.
Hai thầy Phó Hiệu trưởng đã có lời chào mừng trong phần mở đầu talkshow
Đưa nhiều “con đò” cập bến tri thức nhưng ít ai biết rằng những “người cầm lái” cũng đã từng là cô, cậu học trò cá biệt để rồi khi được “nghề chọn mình”, họ lại quay về với những chuẩn mực của một người nhà giáo. Nhiều sinh viên sẽ tỏ ra hoài nghi và đặt dấu chấm hỏi rằng “Tại sao lại có sự thay đổi như vậy?”. Đó chính là những giá trị mà nghề đã cho cũng như là câu chuyện về cuộc đời, cái duyên với tiếng gọi “Cô ơi” của TS. Đào Minh Hồng – Phó Trưởng khoa Quan hệ quốc tế UEF.
Không thể gặp mặt trực tiếp nhưng UEFers cũng đã chuẩn bị các tiết mục văn nghệ chỉn chu gửi đến thầy, cô
Điểm thu hút của chương trình là tạo được sợi dây kết nối giữa 2 thế hệ giảng viên với từng giai đoạn khác nhau trong nghiệp cầm phấn. Bên cạnh cô Hồng là ThS. Lưu Hoàng Thiện Minh – Phó Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, một giảng viên trẻ đa tài. Mặc dù mới vào nghề chưa đến nửa thập kỷ nhưng thầy Minh đã tạo ra nhiều giá trị trong sự nghiệp giáo dục, là cái tên được nhiều UEFers nhớ đến.
Ngoài ra, sinh viên Võ Hùng Tuấn – khóa 2019 ngành Kinh doanh quốc tế cũng góp mặt để giao lưu về khao khát trở thành thầy giáo của mình. Từ những chia sẻ của những người đi trước, bạn cũng được củng cố thêm niềm tin cho định hướng tương lai.
Ba khách mời của chương trình gặp gỡ trực tuyến nhưng đã có phần giao lưu sôi động và giàu cảm xúc
Từng là một cô học trò nghịch ngợm, chưa bao giờ nghĩ rằng mình thành cô giáo. Thế nhưng, một dịp tình cờ vào 35 năm trước, TS. Đào Minh Hồng đã chính thức bước vào sự nghiệp cao quý này. Nhớ lại lần đầu tiên được nhận quà, tri ân vào ngày 20/11, cô Hồng xúc động chia sẻ: “Bởi vì từng không gương mẫu nên lúc đó mình đã tự vấn bản thân liệu rằng mình có xứng đáng hay không? Cho đến tận bây giờ, mỗi khi đến ngày này, tôi vẫn luôn có những giấy phút lắng lòng mình lại với 2 từ khóa tự vấn và tử tế”.
Khởi đầu với tâm thế “thử cho biết” nhưng đến bây giờ cô bộc bạch rằng mình rất vui mỗi khi nhận được những thắc mắc, băn khoăn của học trò về các vấn đề ngoài kiến thức học tập, vì thấy bản thân đã tạo được sự tin tưởng nhất định với sinh viên. Với cô, sự tử tế của nghề giáo là tôn trọng và đồng hành với người học được thể hiện bằng các chuẩn mực từ giảng đường đến đời sống. Hơn 3 thập kỷ chứng kiến những thăng trầm của nền giáo dục Việt Nam, cô Hồng cũng bộc lộ niềm vui trên gương mặt khi nhắc đến các thế hệ giảng viên trẻ đang tận tụy và chuẩn mực của nghề.
"Tử tế" là từ khóa được TS. Đào Minh Hồng nhấn mạnh nhiều lần khi nói về nghề giáo
Cũng là một nhân vật ngẫu nhiên đến với ngành giáo dục, thầy Thiện Minh cho biết trước đó bản thân đã từng kinh qua rất nhiều công việc, có những việc rất thích, làm rất giỏi nhưng định mệnh đã đưa đẩy thầy đến và cảm thấy yêu thích, gắn bó cùng nghiệp giảng.
Là thầy giáo thế hệ trẻ, thầy Minh đã chia sẻ nhiều câu chuyện thú vị về các buổi học thầy đứng lớp, đặc biệt là trong bối cảnh dạy trực tuyến. Trong đó, việc bắt trend và tạo các hình thức mới mẻ để sinh viên chủ động học tập là điều cần thiết. Ngoài ra, thầy giáo trẻ nêu lên quan điểm: “Một người dạy học thời đại 4.0 bên cạnh những kiến thức, hiểu biết đã có cũng cần có tư duy là người tạo ra kiến thức để thu hút người học, do đó, áp lực lại sẽ càng lớn hơn. Cũng từ đó, người thầy sẽ càng phải tận tâm hơn”.
Cũng giống cô Hồng, ThS. Lưu Hoàng Thiện Minh cũng đến với nghề giáo theo một cách ngẫu nhiên
Nhỏ tuổi nhất trong hàng ghế khách mời nhưng là người duy nhất có định hướng từ đầu là theo nghề giáo, sinh viên Hùng Tuấn cho biết đó là do xuất phát từ năm lớp 4, một người cô giáo tiểu học đã giúp bạn thay đổi bản thân mình. Bằng sự chuyển mình đó, cậu bạn nhận ra vai trò quan trọng của một người nhà giáo. Trên giảng đường đại học, thấy được sự tận tâm của các giảng viên UEF, anh bạn càng củng cố thêm niềm tin vào sự lựa chọn của mình.
Sinh viên Võ Hùng Tuấn cảm thấy thú vị và vui vẻ khi truyền đạt kiến thức đến người khác
Cuối chương trình, UEFers đã được tham gia vào mini game đoán tên giảng viên qua một đoạn voice. Nhiều đáp án đúng được đưa ra, chứng tỏ các thầy, cô Nhà mình đã có những vị trí nhất định trong lòng UEFers.
Các UEFers đã gửi những lời chúc đến quý thầy, cô nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
Qua những chia sẻ của các thầy, cô cùng bạn Hùng Tuấn, sinh viên đã có sự thấu hiểu nhiều hơn đối với giảng viên của mình. Có được sự cảm thông lẫn nhau, mỗi ngày lên giảng đường sẽ là một ngày tuyệt vời giữa thầy và trò cùng nhiều cảm xúc. Ngày 20/11 cận kề, tin chắc rằng các UEFers đã chuẩn bị những lời tri ân để dành đến thầy, cô của mình.
Quy Nguyễn