Ứng phó khi doanh nghiệp xảy ra khủng hoảng là một kỹ năng quan trọng của người làm truyền thông. Để trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng này cho sinh viên, Khoa Marketing UEF đã tổ chức talkshow “Truyền thông tích hợp trong xử lý khủng hoảng”. Đồng hành với chương trình là hai chuyên gia Marketing - Nguyễn Bích Trâm và Nguyễn Trí Cường.
Buổi giao lưu, chia sẻ có sự tham dự của ThS. Ngô Thanh Phương Quỳnh - Phó Trưởng khoa Marketing, TS. Nguyễn Hà Như Thuận và ThS. Lê Thanh Hải - giảng viên Khoa Marketing. Đồng thời, talkshow được dẫn dắt bởi ThS. Nguyễn Hoàng Lân - Trưởng ngành Quản trị sự kiện.
Những lý thuyết xoay quanh vấn đề khủng hoảng truyền thông được nữ diễn giả Nguyễn Bích Trâm chia sẻ
Chị Nguyễn Bích Trâm được biết đến là một chuyên gia Marketing với hơn 13 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực truyền thông Marketing. Đồng thời, chị hiện là một nhà văn, giảng viên và Giám đốc Marketing tập đoàn Embassy Education. Chia sẻ trong buổi talkshow cùng chị là anh Nguyễn Trí Cường. Anh được mọi người chú ý đến với nhiều năm kinh nghiệm trong việc áp dụng công nghệ vào hoạt động Marketing và bán hàng, đặc biệt ở lĩnh vực bất động sản. Bằng trải nghiệm qua nhiều vị trí ở những tập đoàn lớn như: Novaland, VSIP, Hòa Bình, Cambodia Angkor Air,... anh đã đem đến nhiều phân tích thú vị cho UEFers.
Xử lý khủng hoảng truyền thông trong doanh nghiệp là một đề tài thú vị và hấp dẫn. Chị Bích Trâm mở đầu buổi talkshow bằng những lý thuyết cơ bản xoay quanh vấn đề này như: khái niệm khủng hoảng truyền thông, cách phân loại và xử lý. Các loại khủng hoảng truyền thông phổ biến hiện nay được chị liệt kê rõ ràng và chi tiết. Điển hình như: khủng hoảng xảy ra do cạnh tranh không công bằng, xung đột lợi ích, xuất phát từ nội bộ, khủng hoảng liên đới, khủng hoảng chồng khủng hoảng,... Những thông tin này giúp sinh viên có cái nhìn bao quát hơn về đề tài. Sự biến hóa khôn lường từ trước, trong và sau giai đoạn khủng hoảng khó kiểm soát được. Điều này đòi hỏi những chuyên viên truyền thông, marketing phải có kinh nghiệm quản lý rủi ro và đưa ra hướng xử lý phù hợp. Chuyên gia Bích Trâm chia sẻ thêm: “Khi khủng hoảng có dấu hiệu khởi phát, chúng ta phải tận dụng đa kênh truyền thông trong quá trình xử lý. Tiêu biểu như: PR, Social Media, Digital, Event,...".
Anh Nguyễn Trí Cường mang đến bài học thú vị từ những va chạm thực tế trong xử lý trong khủng hoảng truyền thông
Tiếp lời chị Bích Trâm, anh Trí Cường chia sẻ thêm về những dự án, sự kiện khủng hoảng đã xảy ra và được giải quyết bởi anh. Những đợt khủng hoảng của một số thương hiệu lớn cũng được đưa ra phân tích như: tập đoàn Tân Hiệp Phát, Sâm Ngọc Linh,... Bên cạnh đó, anh Trí Cường cũng phổ biến quy trình tạo lập kế hoạch xử lý khủng hoảng, phân chia mức độ rủi ro. Tùy vào đối tượng, thời gian và biến động doanh thu mà khả năng xảy ra khủng hoảng được phân thành nhiều cấp độ. Một số phương pháp được áp dụng thường xuyên và hiệu quả trong xử lý khủng hoảng, ví dụ như: đi bài PR, đẩy bài SEO, tạo lập quan hệ với báo chí, sử dụng công cụ theo dõi thông tin và mạng xã hội,...
UEFers tích cực trao đổi để có cơ hội học hỏi thêm nhiều kiến thức hữu ích ngoài sách vở
Talkshow mang đến nhiều bài học bổ ích cho sinh viên Khoa Marketing
Sau mỗi phần chia sẻ của từng chuyên gia, nhiều bạn sinh viên hào hứng đặt câu hỏi. Những câu hỏi liên tiếp từ đơn giản đến chuyên sâu được các diễn giả nhiệt tình trả lời. Ngoài những bài học sách vở, các bạn sinh viên đã có thêm cơ hội học tập từ chính những trải nghiệm thực tế của chuyên gia trong ngành. Buổi talkshow khép lại với một lượng kiến thức mới mẻ và bổ ích.
Tấn Phát
Ảnh: Cát Nguyên