Menu
  
Tin tức sự kiện

Thế hệ trẻ UEF hành động cho sự phát triển bền vững của khu vực ĐBSCL và Đông Nam Bộ

23/11/2023
Vào ngày 18-19/11, Trung tâm Kết nối cộng đồng UEF và Dự án VNYP-Mekong đã phối hợp tổ chức Hội nghị Thanh niên Mekong tại Hội trường Đại học Cần Thơ. Trước khi bước vào các phiên họp toàn thể quan trọng, các Nghị sĩ trẻ (NST) cùng tham gia Tọa đàm “Tình yêu quê hương và đóng góp của thế hệ trẻ cho sự phát triển bền vững của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ” với những thông tin hữu ích.
Với sự điều phối của Đại sứ truyền thông - anh Thái Hải Đăng, hơn 100 đại biểu tham gia đã được lắng nghe những chia sẻ đầy sâu sắc và tâm huyết đến từ các khách mời: Ông Kỷ Quang Vinh - Nguyên Chánh văn phòng Phòng Công tác biến đổi khí hậu TP. Cần Thơ; Ông Hà Hoàng Hiếu - Giảng viên Trường Đại học Văn Lang; Ông Phan Kỳ Trung - Cán bộ Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ; Bà Bùi Thị Mỹ Nhật - Đại diện Dự án thanh niên Green River.
 
 
Tọa đàm diễn ra với nhiều thông tin hữu ích và câu chuyện truyền cảm hứng
 
 
ThS. Bùi Quang Đông - Trưởng phòng Công tác sinh viên và ThS. Trần Thị Mỹ Phượng - Giám đốc Trung tâm Kết nối cộng đồng, đồng Ban tổ chức VNYP-Mekong 2023 tại chương trình
 
Buổi tọa đàm xoay quanh các vấn đề của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ cũng như trọng trách của những người con nơi đây. Với tiềm năng tự nhiên về đất đai, nước và con người, khu vực này đã và đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực nhưng cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ tác động của biến đổi khí hậu và các hoạt động của con người.
Trong quá trình phát triển và giải quyết những thách thức này, sự đóng góp của thế hệ trẻ là vô cùng quan trọng. Qua buổi tọa đàm các NST đã có thêm động lực để giữ vững sự nhiệt huyết và khơi dậy khát khao đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển xanh cũng như sự bền vững của mảnh đất này.
Trước đó, vào sáng cùng ngày, các NST thuộc các chủ đề: Nông nghiệp, Nước, Năng lượng có dịp tiếp xúc cùng Cộng đồng nông nghiệp Thuận Thiên Abavina và Mô hình máy thu gom rác trên sông Cần Thơ sử dụng năng lượng mặt trời của Ocean CleanUp để tìm hiểu các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu tại địa phương, lấy cảm hứng cho các đề xuất cho phiên toàn thể.
 
  

Các NST tham quan, học tập tại Cộng đồng nông nghiệp Thuận Thiên Abavina và mô hình máy thu gom rác trên sông Cần Thơ sử dụng năng lượng mặt trời của Ocean CleanUp

Trong khuôn khổ của Hội nghị thanh niên Mekong, các NST đã mang trọn sức trẻ và tinh thần phấn khởi của mình để cùng viết nên bản Tuyên ngôn thanh niên Mekong hành động vì khí hậu thông qua ba phiên họp toàn thể diễn ra vào chiều ngày 18 và cả ngày 19/11. Các NST đã có khoảng thời gian cùng nhau trình bày, tranh luận về 09 đề xuất đến từ các tiểu ban. Sau quá trình bỏ phiếu nghiêm túc, 4/9 đề xuất chính sách đã được thông qua bởi toàn thể Nghị trường để đưa vào bản Tuyên ngôn.
 
     








Các tiểu ban trình bày đề xuất chính sách

Hy vọng rằng, những đề xuất này sẽ đóng góp một phần quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển ĐBSCL và Đông Nam Bộ bền vững dưới tác động của biến đổi khí hậu và góp phần tạo dựng một Việt Nam tươi sáng hơn. Bản đề xuất sẽ được trình bày tại Hội nghị về Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2023 (COP28) sắp tới tại Thành phố Expo, Dubai, UAE.
 
Diễn đàn mô phỏng Nghị viện trẻ - Chương trình Mekong 2023 được nhận bảo trợ bởi Quỹ sáng kiến Green Youth Labs với sự hỗ trợ từ Bộ Kinh tế và Hành động vì khí hậu Cộng hòa Liên bang Đức, Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên và An toàn hạt nhân Cộng hòa Liên bang Đức, Sáng kiến Khí hậu Quốc tế (IKI), Viện Friedrich-Ebert-Stiftung (FES), Trung tâm Nghiên cứu Xây dựng Năng lực Thích ứng (CAB), và Chương trình đổi mới sáng tạo UNLEASH, Lãnh sự quán Hoa Kỳ cùng với sự bảo trợ và đồng tổ chức bởi Trung tâm Kết nối cộng đồng, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF).
Cùng xem qua Bản Tuyên ngôn Thanh niên Mekong Hành động vì Khí hậu sau các phiên họp và thông qua:
- Đối với lĩnh vực Nông nghiệp, Tiểu ban Hạ lưu Đồng bằng Sông Cửu Long - Nông nghiệp lựa chọn vấn đề liên quan đến tình hình xâm nhập mặn ngày một gia tăng ở huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Từ đó đề xuất chính sách về kỹ thuật canh tác bưởi da xanh cho năng suất và chất lượng cao, có khả năng thích nghi với hạn mặn.
- Trong tầm nhìn phát triển bền vững ở lĩnh vực Nước, các NST Tiểu ban Đông Nam Bộ - Nước tin rằng việc khắc phục trở ngại nguồn lực, quỹ đất và nhận thức cộng đồng là yếu tố quan trọng nhằm giải quyết vấn đề chống ngập, thông qua việc tăng cường đầu tư cho quy hoạch, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, các quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan trong lĩnh vực xây dựng phát triển đô thị xanh, hấp thụ, lưu trữ nước, và chống ngập úng.
- Các NST Tiểu Ban Hạ lưu Đồng bằng Sông Cửu Long - Nước chọn đưa ra đề xuất chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp tại các tỉnh khu vực Hạ nguồn Đồng bằng Sông Cửu Long, với các đề xuất bao gồm việc ban hành các chính sách hỗ trợ, khuyến khích trong việc thúc đẩy thay đổi cơ cấu ngành Nông nghiệp. Cùng với đó là việc chuyển đổi hình thức nông nghiệp sang nuôi trồng thủy sản trong bối cảnh sản xuất lúa gạo tại khu vực ĐBSCL đang đối mặt với nhiều thách thức về an ninh lương thực.
- Đối với lĩnh vực Năng lượng, NST Tiểu ban Đông Nam Bộ - Năng lượng nhận thấy tối ưu hóa sử dụng điện năng trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử sẽ là phần quan trọng trong cách mạng năng lượng và môi trường. Vì vậy, các NST đã đề xuất áp dụng các phương pháp tối ưu hóa năng lượng trong sản xuất linh kiện điện tử, đầu tư vào các hệ thống điện tái tạo cho các nhà máy và hỗ trợ vay vốn từ cả quỹ tài chính công và tư.
 
Tin, ảnh: TT.KNCĐ, VNYP-Mekong
TIN LIÊN QUAN