Dạy và học trực tuyến đang trở thành giải pháp an toàn trong mùa dịch nhưng cũng gây ra những rào cản nhất định cho thầy và trò. Nhằm nắm bắt và cải thiện những bất cập, tạo môi trường gắn kết, thấu hiểu giữa sinh viên và giảng viên khi tiếp cận hình thức này, chiều ngày 26/6, khoa Quan hệ công chúng và Truyền thông đã tổ chức buổi workshop với chủ đề “Quản lý cảm xúc trong dạy học trực tuyến”.
Đây là một chủ đề thiết thực trong thời buổi hiện tại
Chương trình diễn ra theo hình thức online với sự tham dự của PGS.TS. Ngô Cao Cường – Phó Hiệu trưởng thường trực Nhà trường, ThS. Mạch Trần Huy – Phó Chánh Văn phòng Trường cùng lãnh đạo khoa Quan hệ công chúng và truyền thông, thầy cô lãnh đạo, giảng viên, sinh viên đến từ các khoa. Diễn giả của chương trình là là Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Văn Tường.
Diễn giả và các thầy cô trao đổi qua hình thức trực tuyến
Trong phần chia sẻ của mình, khách mời đã mang đến cho người tham dự những góc nhìn mới và đa chiều về cảm xúc. Theo đó, các vấn đề được diễn giả chia sẻ bao gồm: Định nghĩa cảm xúc, phân tích nguồn gốc của cảm xúc, phân loại, gọi tên cảm xúc, nhận biết lao động cảm xúc và chỉ ra những nội dung của trí tuệ cảm xúc và quản lý cảm xúc.
Diễn giả đưa ra 5 thành phần trong cấu trúc của cảm xúc theo những nghiên cứu của Shuman.V. và Scherer.K.R, năm 2014 và phân tích các ví dụ liên quan về những yếu tố này trong dạy học online.
3 yếu tố tạo ra cảm xúc được diễn giả chia sẻ
Theo TS. Nguyễn Văn Tường, cảm xúc đóng vai trò quan trọng quyết định cách tư duy và hành xử của mỗi cá nhân trong xã hội. Theo nghiên cứu của Cherry 2019, cảm xúc có 5 vai trò nổi bật: thúc đẩy chúng ta hành động, giúp chúng ta sinh tồn, phát triển và phòng tránh các mối nguy hiểm, đưa ra quyết định. Đồng thời, cảm xúc giúp chúng ta hiểu được người khác và ngược lại.
Mặt khác, nhiều mô hình nghiên cứu về cảm xúc cũng được khách mời đưa vào phân tích một cách sinh động. Trong đó, 2 mô hình điển hình dùng để phân loại cảm xúc được diễn giả nhắc đến là bánh xe cảm xúc của Robert Plutchik 1980 và hoán đổi cảm xúc của Russell & Feldman Barrett 1998.
Các mô hình nghiên cứu về cảm xúc được diễn giả đưa ra trong phần trình bày của mình
Bên cạnh đó, vấn đề lao động cảm xúc mà nhiều giảng viên quan tâm cũng được đề cập một cách chi tiết, rõ ràng. Theo Winograd 2003, trong dạy học cần có 5 quy tắc cảm xúc sau: yêu thương và thể hiện sự nhiệt thành đối với người học; nhiệt tình và đam mê; tránh thể hiện những cảm xúc thái quá như giận dữ, vui mừng, buồn bã; yêu công việc giảng dạy; có khiếu hài hước, “cho qua” những sai lầm của chính họ và các lỗi nhỏ của người học.
Câu hỏi vận dụng được diễn giả đưa ra trước khi kết thúc phiên trao đổi
Với câu hỏi vận dụng cuối giờ “thầy cô nên/phải làm gì để quản lý cảm xúc trong giảng dạy, đặc biệt là dạy học online”, các thầy cô đã chia sẻ những kinh nghiệm của mình cùng đồng nghiệp.
Song song đó, các bạn sinh viên có dịp lắng nghe những khó khăn mà giảng viên gặp phải khi tiến hành giảng dạy online. Các bạn cũng mạnh dạn nêu lên những mong muốn của mình trong một buổi học trực tuyến, tạo cơ sở để thầy cô có sự điều chỉnh phù hợp nhằm mang lại những buổi học hiệu quả nhất cho sinh viên.
Quy Nguyễn