Menu
  
Tin tức sự kiện

​Tọa đàm “Intellectual Property" đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến lĩnh vực sở hữu trí tuệ

21/07/2023
Trong nền kinh tế số với sức cạnh tranh và hội nhập không ngừng, quyền sở hữu trí tuệ đã và đang đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sáng tạo và phát triển công nghệ. Đặc biệt, đối với các trường đại học, viện nghiên cứu, việc quản lý và bảo vệ tài sản trí tuệ là cực kỳ cần thiết. 
Vào sáng 20/7, UEF đã tổ chức buổi tọa đàm về “Vai trò của quyền sở hữu trí tuệ và hoạt động quản trị tài sản trí tuệ trong cơ sở giáo dục - Intellectual Property” với sự tham gia chia sẻ của các chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
 

Tọa đàm “Intellectual Property"  diễn ra thành công vào 20/7 vừa qua

Buổi tọa đàm có sự tham dự của PGS.TS. Ngô Cao Cường - Phó Hiệu trưởng thường trực Nhà trường; ThS. Nguyễn Phạm Hải Hà - Phó Viện trưởng Viện Đào tạo Sau đại học và Khoa học công nghệ; TS. Lê Vũ Hương Giang - Phó Chánh Văn phòng trường – Giám đốc Trung tâm Bảo đảm chất lượng và Dự án quốc tế; ThS. Đặng Thị Lệ Quyên - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo đảm chất lượng và Dự án quốc tế; cùng lãnh đạo, cán bộ - giảng viên - nhân viên các Khoa, Phòng, Trung tâm.
Về phía khách mời, có sự tham dự của bà Lê Thị Thanh Tâm - Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đại học Quốc gia TP.HCM; Ông Trần Giang Khuê - Cục Sở hữu trí tuệ, Văn phòng đại diện TP.HCM; Bà Phạm Thị Kim Loan - Founder - Chủ tịch hệ thống Doctor Loan; Ông Hoàng Đình Thái - Phụ trách đối ngoại - Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đại học Quốc gia TP.HCM; Ông Nguyễn Cửu Long - Bless Education - Chuyên đào tạo tư duy khởi nghiệp.
 
PGS.TS. Ngô Cao Cường chia sẻ về những câu hỏi và những quan tâm cấp thiết về quyền sở hữu trí tuệ tại các cơ sở giáo dục

Mở đầu buổi tọa đàm, PGS.TS. Ngô Cao Cường - Phó Hiệu trưởng thường trực UEF bày tỏ vui mừng khi nhận được sự quan tâm, hỗ trợ nhiệt tình của các khách mời với chủ đề này: “Từng ngày chúng tôi xây dựng, phát triển nhiều đơn vị, trong công tác đảm bảo chất lượng, chúng tôi luôn đặt những câu hỏi liên quan đến giấy tờ và văn bản đã đảm bảo sở hữu trí tuệ hay chưa? Làm sao bảo vệ được những kiến thức trí tuệ của các thầy cô Nhà trường bằng giấy tờ, văn bản, hệ thống an ninh,... Thông qua chương trình hôm nay, mong rằng chúng ta sẽ có thêm nhiều kiến thức bổ ích trong lĩnh vực này.”
Quản trị tài sản trí tuệ có vai trò rất quan trọng. Một số trường đại học lớn trên thế giới đã đưa sở hữu trí tuệ vào giảng dạy hệ đại học, thành lập bộ phận chuyên trách về sở hữu trí tuệ để quản trị tài sản trí tuệ, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động đổi mới sáng tạo và khẳng định vị thế của Nhà trường. 
Với sự hỗ trợ nhiệt tình của bà Lê Thị Thanh Tâm, thầy cô tham dự đã hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của quản trị tài sản trí tuệ, không chỉ trong những giáo án, luận văn,... mà còn là những nghiên cứu của sinh viên mang giá trị cao trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước trong tương lai.
 


Những vấn đề trọng tâm và nhiều câu chuyện thực tế về sở hữu trí tuệ được các chuyên gia chia sẻ 

Những năm gần đây, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ nhất là công nghệ số, có thể thấy một sản phẩm thành công trên thị trường thì ngay sau đó sẽ xuất hiện những sản phẩm tương tự hoặc là giống với sản phẩm đó. Từ đây tạo áp lực lên chủ sở hữu sản phẩm gốc, thậm chí có những sản phẩm gốc bị chính sản phẩm ăn theo đó đánh bật khỏi thị trường. Lúc này, chúng ta càng thấy được vị thế, tầm quan trọng trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Đây cũng là những chia sẻ vô cùng thực tế từ ông Trần Giang Khuê với công tác quản lý và thủ tục bảo hộ về sở hữu trí tuệ của Nhà trường.
Với kinh nghiệm kinh doanh thực tế của bản thân, bà Phạm Thị Kim Loan đã phân tích sản phẩm sáng chế từ góc độ của nhà đầu tư tài chính kinh tế. Những vấn đề về kinh tế và phát triển lâu dài như: Tiềm năng sinh lời, tính khả thi kinh doanh, giá trị thương hiệu,... xoay quanh câu chuyện đổi mới sáng tạo và tầm quan trọng của các giấy tờ pháp lý về sở hữu trí tuệ được đề cập.
 

Việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là cách thúc đẩy phát triển giá trị trong nền giáo dục cũng như tạo động lực cho tác giả sở hữu

Một sản phẩm được “khai sinh” là sự kết tinh của thành quả nghiên cứu, lao động, là chất xám của người sáng tạo, người sở hữu. Vì vậy bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là tôn trọng chủ sở hữu và là động lực để những người để sáng tạo tiếp tục cống hiến tạo ra giá trị.
Tin chắc rằng sau buổi tọa đàm với nhiều nội dung thiết thực này, UEF sẽ có thêm nhiều kinh nghiệm để đảm bảo công tác bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho cán bộ, giảng viên, sinh viên trường.
 
Quỳnh Anh
Ảnh: Lê Hải
TIN LIÊN QUAN