Trên hành trình hình thành và phát triển của UEF, quốc tế hóa, nâng cao chất lượng đào tạo, mở rộng mạng lưới doanh nghiệp, kết nối tập thể vững mạnh,... là những điều đã, đang và sẽ tiếp tục được thực hiện. Đồng hành với Nhà UEF, hướng đến kỷ niệm 15 năm, mỗi thành viên của Nhà trường đều những mang cảm xúc đặc biệt, đều bồi hồi nhìn lại những thành tích đáng tự hào và gửi gắm hy vọng về chặng đường mới với những bước đột phá mới.
Tất cả vì mục tiêu vươn tầm quốc tế
Với vai trò lãnh đạo Viện Quốc tế, đơn vị chủ chốt trong các hoạt động kết nối, hợp tác quốc tế của UEF, TS. Đỗ Hữu Nguyên Lộc – Phó Hiệu trưởng, Viện trưởng Viện Quốc tế khẳng định Nhà trường đang từng ngày khắc họa rõ nét yếu tố quốc tế từ chất lượng giảng dạy đến hoạt động sinh viên.
Nhấn mạnh về tính quốc tế của UEF, TS. Đỗ Hữu Nguyên Lộc cho biết: “Trường đại học quốc tế cần nhiều yếu tố như mạng lưới đối tác quốc tế rộng lớn, có những chương trình đào tạo quốc tế được công nhận, những liên kết quốc tế lớn, có những hoạt động sinh viên quốc tế thường xuyên, kết nối với các quốc gia và đạt kiểm định quốc tế,... Ở UEF, ngoài dịch vụ tốt thì yếu tố hình thành tính quốc tế gần như được Nhà trường đáp ứng. Mạng lưới đối tác quốc tế của UEF hiện nay gần 100 tổ chức nói chung, trong đó chương trình quốc tế được 15 trường trên thế giới công nhận. UEF cũng có chương trình liên kết với nước ngoài, có gần 500 sinh viên theo học và sẽ nhận bằng cử nhân do Anh, Mỹ cấp. Các hoạt động quốc tế cho sinh viên cũng được tổ chức thường xuyên như học kỳ quốc tế, giao lưu, trao đổi văn hóa ngắn hạn,… Đặc biệt, UEF đã đạt chứng nhận quốc tế QS Stars 4 Sao, một thành tựu nổi bật khẳng định tính quốc tế của Nhà trường”.
Hành trình vươn tầm quốc tế cần nhiều nỗ lực, đó là quá trình liên tục, lâu dài và không kết thúc. Sau thành tựu đạt chuẩn QS Stars 4 Sao, UEF còn rất nhiều định hướng phát triển mạnh mẽ hơn để giảng viên, sinh viên đều có những thụ hưởng tốt nhất.
“Từ chứng nhận QS Stars 4 Sao, UEF có thể đặt mục tiêu và cố gắng đạt chứng nhận 5 Sao. Các ngành đào tạo cũng phải hướng đến những kiểm định quốc tế khác. Ngoài ra, UEF sẽ mở rộng thêm nhiều chương trình quốc tế, ví dụ là phát triển chương trình quốc tế sau đại học. Ở cấp độ giảng viên, trường sẽ tiếp tục tuyển dụng giảng viên tốt nghiệp từ các trường đại học uy tín tại nước ngoài, tăng cường những hoạt động đào tạo nghiệp vụ cho giảng viên để tiếp cận những phương pháp giảng dạy tiệm cận nhất với thế giới, đưa giảng viên đi tập huấn ở nước ngoài, mời chuyên gia quốc tế về chia sẻ,… Đó là định hướng về chiều sâu lẫn chiều rộng để phát triển yếu tố quốc tế của trường”, TS. Đỗ Hữu Nguyên Lộc định hướng.
Với thời gian gần 7 năm đồng hành với UEF, TS. Đỗ Hữu Nguyên Lộc cũng bày tỏ đây là chặng đường dài, nhiều tâm huyết và xem UEF là ngôi nhà thứ 2. Trên hành trình xây dựng và phát triển, mỗi cá nhân mang những nhiệm vụ, trách nhiệm khác nhau. Dù là người “tiên phong” hay ở vị trí "hậu phương", đội ngũ cán bộ - giảng viên - nhân viên (CB-GV-NV) Nhà trường luôn không ngừng cống hiến. TS. Đỗ Hữu Nguyên Lộc gửi gắm: “Bằng tất cả tâm huyết, các thầy cô đã cùng hợp lực để tuổi 15 của UEF ghi thêm nhứng dấu ấn tự hào. Chúc cho hành trình vươn tầm quốc tế của UEF sẽ có những bước tiến mạnh mẽ hơn, gặt hái những thành tựu rực rỡ hơn”.
Tạo sự gắn kết cho tập thể vững mạnh
Là người phụ trách công tác quản lý, tổ chức hoạt động kết nối, chăm sóc đời sống tinh thần cho tập thể CB-GV-NV Nhà UEF, TS. Hồ Viễn Phương - Phó Hiệu trưởng, Chánh Văn phòng trường đã chia sẻ: để tạo nên sự gắn kết giữa CB-GV-NV với nhau cần kết hợp nhiều yếu tố.
"Tập thể CB-GV-NV của UEF được gắn kết bởi sự quan tâm của lãnh đạo đến các thầy cô giáo, nhân viên của đơn vị vì nếu người lãnh đạo không tiên phong đi đầu gắn kết thì sẽ khó để nhân viên làm theo. Thứ 2 là chú trọng phân công công việc phù hợp với chuyên môn, năng lực của người lao động, để đảm bảo công bằng giữa các giảng viên, nhân viên. Tạo môi trường giao lưu, vui chơi, học hỏi giữa các CB-GV-NV cùng với chế độ lương, phúc lợi phù hợp. Bên cạnh đó là tạo cơ hội để người lao động học tập, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, để người lao động nhận thấy cơ hội có thể thăng tiến", TS. Hồ Viễn Phương cho biết.
Sự phát triển, vươn tầm quốc tế của UEF không thể thiếu giá trị nội tại từ sự gắn kết, đồng lòng và hỗ trợ nhau của tập thể. TS. Hỗ Viễn Phương cũng đã chỉ ra những định hướng, kế hoạch để tiếp tục phát huy sự đoàn kết vững mạnh. Đặt ra mục tiêu ngắn hạn và trung hạn để các CB-GV-NV năm bắt; xây dựng kế hoạch chi tiết, rõ ràng cho các hoạt động của Nhà trường; bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và tiếng Anh; tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp và thân thiện; gắn kết các cá nhân với tập thể, giữa đơn vị với Nhà trường là những mục tiêu đã, đang và sẽ luôn được thực hiện tại UEF.
Nỗ lực trong công tác đảm bảo chất lượng
Đầu năm 2019, UEF chính thức nhận Quyết định công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng cấp cơ sở giáo dục theo Bộ tiêu chuẩn mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo, dựa trên bộ tiêu chuẩn của mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á – AUN. Đây là thành quả đáng tự hào của Nhà trường trong công tác đảm bảo chất lượng và cũng là kỷ niệm khó quên đối với TS. Lê Vũ Hương Giang – Phó Chánh Văn phòng trường, Giám đốc Trung tâm Bảo đảm chất lượng và Dự án quốc tế.
“
Mùa hè năm 2018, UEF gấp rút chuẩn bị cho kiểm định chất lượng cấp cơ sở giáo dục. Một “phòng đặc biệt” được thiết lập để nhóm cán bộ nhân viên tập trung làm việc từ 7g30 đến sau 22g00 mỗi ngày, không có ngày nghỉ cuối tuần. Đó là thời gian mà chúng tôi gọi đùa với nhau là “ăn ngủ cùng minh chứng”. Chúng tôi, mỗi người một hoàn cảnh, một nhiệm vụ khác nhau, nhưng tất cả đều chung một mục tiêu và quyết tâm cao độ, đó là đạt kiểm định và bảo đảm đúng tiến độ đề ra. Tôi không bao giờ quên được sự hy sinh thầm lặng, tinh thần trách nhiệm, hết mình vì công việc của mọi người, ai nấy đều gác lại việc riêng để tập trung lo cho công việc chung, và rồi tất cả đã được bù đắp bằng trái ngọt”, TS. Lê Vũ Hương Giang bồi hồi nhớ lại.
Đối với lĩnh vực giáo dục, có thể nói “con người” là yếu tố then chốt để nâng cao chất lượng dạy và học, với thời gian gắn bó, tâm huyết trong hoạt động đảm bảo chất lượng của UEF, TS. Lê Vũ Hương Giang cho rằng yếu tố “con người” ở UEF cũng là yếu tố quan trọng nhất tạo nên thành quả của trường cho đến hôm nay.
Trong kết quả đánh giá đạt chuẩn QS Stars 4 Sao, tiêu chuẩn “Chất lượng giảng dạy” là một trong bốn tiêu chuẩn UEF đạt 5 Sao. Điều đó cho thấy yếu tố “con người” của UEF thật sự chất lượng và ấn tượng. UEF có một đội ngũ cán bộ - giảng viên trẻ, tâm huyết, có năng lực, trình độ cao, chuyên nghiệp và đầy chất sáng tạo, cùng tạo nên một môi trường làm việc đầy tính nhân văn, thân thiện, yêu thương và cùng nhau gắn bó, phát triển. Mỗi thành viên luôn xem UEF là gia đình thứ hai của mình, luôn tự hào thể hiện phong cách “UEFer”, góp phần lan tỏa những giá trị cốt lõi chung của Nhà trường đến với cộng đồng và xã hội.
Với định hướng mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong và ngoài nước, trở thành thành viên của mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á - AUN (ASEAN University Network), tạo bước chuyển biến tích cực và mạnh mẽ trong công tác bảo đảm chất lượng tại UEF, TS. Lê Vũ Hương Giang bày tỏ niềm tin UEF bước sang giai đoạn mới sẽ gặt hái thêm nhiều thành công mới, phát triển vượt bậc, vươn tới những tầm cao mới, ngày càng khẳng định vị thế và uy tín trong nền giáo dục Việt Nam và toàn cầu.
Chú trọng mở rộng đối tác doanh nghiệp
Nổi bật trong chương trình đào tạo của UEF là mô hình “đào tạo gắn kết thực tiễn”, tạo môi trường học tập, thực hành chất lượng cho sinh viên. Đảm bảo công tác kết nối doanh nghiệp của Nhà trường, ThS. Nguyễn Thị Kim Loan – Phó Giám đốc Trung tâm Hợp tác doanh nghiệp nhấn mạnh: “Hằng năm, UEF đã cung cấp một lực lượng lao động chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp và là những công dân có ích cho xã hội. Có được điều này là nhờ vào chủ trương, đường lối đúng đắn của Ban lãnh đạo, hướng đến “đào tạo luôn gắn kết thực tiễn” bằng các hoạt động rất thiết thực và hữu ích với sự đầu tư bài bản, đúng mục tiêu. Bên cạnh đó, các hoạt động văn hóa - thể thao, hoạt động cộng đồng, các cuộc thi từ kiến thức tổng quát chuyên môn đều mang lại giá trị, góp phần tạo nên những cử nhân ưu tú, công dân tốt cho xã hội”.
Hệ sinh thái “Doanh nghiệp – Nhà trường – Sinh viên” sẽ tiếp tục được phát triển và mở rộng tại UEF. Bằng những kinh nghiệm thực tế từ chuyên gia, các bạn trẻ dễ dàng hình dung về “bức tranh” tổng quan của ngành nghề, sẵn sàng đương đầu cùng thách thức và nhanh chóng nắm bắt những cơ hội trong công việc.
Định hướng về sự phát triển của công tác kết nối doanh nghiệp, ThS. Nguyễn Thị Kim Loan cho biết: “Trung tâm Hợp tác doanh nghiệp mỗi năm đều có mục tiêu và kế hoạch hoạt động cụ thể nhắm đến sứ mạng đào tạo của UEF là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu xã hội và hội nhập toàn cầu. Các hoạt động sẽ tập trung vào chất lượng và luôn gắn kết với doanh nghiệp. Tận dụng sự hỗ trợ, đồng hành của đối tác doanh nghiệp để phối hợp tổ chức các hoạt động mang lại giá trị thiết thực và hữu ích cho sinh viên”.
Chỉ còn chưa đầy một tuần nữa, Nhà UEF sẽ cùng nhau đón chào tuổi mới. Với những gì đạt được trên hành trình 15 năm, định hướng vươn tầm quốc tế, UEF thực sự là điểm đến gửi gắm ước mơ và hoài bão của người học, là môi trường để cán bộ - giảng viên - nhân viên thể hiện khát khao cống hiến, với tinh thần đoàn kết, trách nhiệm và khả năng sáng tạo không ngừng.
TT.TT-TT