Menu
  
Tin tức sự kiện

UEF tổ chức thành công hội thảo liên Khoa – Viện về kết hợp dạy ngôn ngữ và văn hóa cho người học

01/07/2022
Mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hóa; cách tiếp cận và mục tiêu chuyển tải văn hóa trong dạy tiếng nhằm nâng cao năng lực ngôn ngữ và năng lực giao tiếp liên văn hoá cho người học,… là những vấn đề được trình bày và thảo luận tại hội thảo khoa học “Kết hợp giảng dạy ngôn ngữ và văn hóa cho sinh viên nhóm ngành ngôn ngữ Nhật - Hàn - Trung” do Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa quốc tế UEF phối hợp với Viện Công nghệ Việt - Nhật HUTECH tổ chức vào chiều ngày 30/6 vừa qua.
 

Hội thảo là diễn đàn để các giảng viên trao đổi, thảo luận và đề xuất những phương pháp giảng dạy ngôn ngữ kết hợp yếu tố văn hóa cho người học
 
Chương trình có sự tham dự của PGS.TS. Ngô Cao Cường - Phó Hiệu trưởng thường trực UEF, ThS. Nguyễn Phạm Hải Hà – Phó Viện trưởng Viện đào tạo sau đại học và Khoa học công nghệ UEF, cùng quý thầy cô là lãnh đạo, giảng viên Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa quốc tế; Viện công nghệ Việt - Nhật.
 
PGS.TS. Ngô Cao Cường đề cao vai trò, ý nghĩa của hội thảo
 
Mở đầu chương trình, PGS.TS. Ngô Cao Cường gửi lời chúc mừng 2 đơn vị đã tổ chức thành công hội thảo khoa học, đồng thời cho biết: “Học ngôn ngữ phải hiểu về văn hóa của quốc gia sử dụng ngôn ngữ đó. 04 bài báo cáo trong hội thảo hôm nay xoay quanh văn hóa, lịch sử của 3 quốc gia Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả đào tạo ngôn ngữ cho người học”. 
Cạnh đó, TS. Võ Văn Thành Thân – Trưởng khoa Ngôn ngữ và Văn hóa quốc tế cũng giới thiệu tổng quan về Khoa cũng như 3 ngành học Ngôn ngữ Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc tại UEF đến các thầy cô Viện Công nghệ Việt - Nhật.
 
TS. Võ Văn Thành Thân chia sẻ tại hội thảo
 
Hội thảo nhận được 26 bài tham luận đến từ các nhà nghiên cứu và thầy cô, trong đó có 4 tham luận được trình bày gồm: “Truyền tải kiến thức văn hóa trong giảng dạy tiếng Nhật cho sinh viên” của ThS. Tiết Thụy Tường Vy; “Truyền tải văn hóa vào giảng dạy tiếng Nhật và các lưu ý” của ThS. Hoàng Vũ Đức; “Khai thác yếu tố lịch sử, văn hóa trong việc định hướng tư duy học ngoại ngữ cho sinh viên ngành ngôn ngữ Hàn tại Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM” của ThS. Phạm Phương Thảo; “Lồng ghép yếu tố văn hóa vào giảng dạy từ vựng chỉ màu sắc trong tiếng Trung” của ThS. Hứa Phạm Cẩm Tú.
 







Các tác giả trình bày báo cáo và có những trao đổi, thảo luận sôi nổi xoay quay đề tài
 
Theo đó, ngôn ngữ và văn hóa có mối quan hệ mật thiết, không thể tách rời nhau. Văn hóa là nội dung, còn ngôn ngữ là phương tiện để mô phỏng, truyền tải nội dung đó. Khi học tiếng Nhật, tiếng Hàn hay tiếng Trung, người học nói chung và sinh viên nói riêng không chỉ học về ngôn ngữ mà còn phải tìm hiểu về văn hóa của quốc gia đó nhằm nâng cao năng lực ngôn ngữ và năng lực giao tiếp liên văn hoá. Hội thảo chính là cơ hội để các thầy cô trao đổi về kết quả nghiên cứu, chia sẻ cùng nhau những phương pháp giảng dạy ngôn ngữ kết hợp yếu tố văn hóa một cách hiệu quả.
 
TT.TT-TT
TIN LIÊN QUAN