Sáng nay (21/4), Trung Tâm hợp tác doanh nghiệp, Phòng đào tạo UEF phối hợp cùng các khoa chuyên môn đã tổ chức chương trình tư vấn trực tiếp “Hành trang thực tập – Từ giảng đường đến khởi nghiệp 2020”. Chương trình đã giúp các bạn sinh viên UEF năm cuối nắm rõ về lộ trình thực tập doanh nghiệp và tích lũy thêm “bí kíp” để có kỳ thực tập hiệu quả cũng như hoàn thành thật tốt chuyên đề/khóa luận tốt nghiệp trong thời gian tới.
Chuẩn bị "hành trang" cho học kỳ doanh nghiệp
Với mong muốn giúp các bạn sinh viên có cái nhìn tổng quan về kỳ thực tập sắp tới, các thầy cô đã cung cấp những thông tin quan trọng như: thời gian liên hệ doanh nghiệp, các tài liệu hướng dẫn, hồ sơ thực tập, đơn vị thực tập, cách tính điểm thực tập.
Các thầy cô tham gia tư vấn trong chương trình
Theo đó, chậm nhất vào ngày 24/4, Nhà trường sẽ gửi Công văn về việc thực tập của sinh viên đến các doanh nghiệp tiếp nhận thực tập. Các bạn sẽ được cung cấp thông tin về người liên hệ tại doanh nghiệp và sẽ bắt đầu liên hệ với doanh nghiệp từ ngày 27/4.
Các thầy cô còn chia sẻ về hồ sơ sinh viên cần chuẩn bị khi đến doanh nghiệp thực tập gồm: CV – Sơ yếu lý lịch của sinh viên; Tài liệu hướng dẫn thực hiện học phần Thực tập tốt nghiệp; Tài liệu hướng dẫn thực hiện học phần Chuyên đề/Khóa luận tốt nghiệp; sổ Nhật ký thực tập, Ký xác nhận hoàn thành.
Kiến thức xã hội và kỹ năng mềm cũng là yếu tố quan trọng mà sinh viên cần lưu ý khi đến thực tập tại doanh nghiệp. Tại chương trình, các thầy cô cũng đã khuyên những đều nên và không nên thực hiện trong quá trình thực tập cho các bạn sinh viên. Song song đó là những lý giải chi tiết hơn về địa điểm thực tập, việc thay đổi đơn vị thực tập, thời gian kết thúc thực tập,...
Nắm bắt “bí kíp” hoàn thành báo cáo chuyên đề/ khóa luận tốt nghiệp
Kỳ thực tập là thời gian để sinh viên làm quen với môi trường làm việc của ngành nghề. Cạnh đó, thực tập còn giúp các bạn có sự chuẩn bị, định hướng cho chuyên đề/ khóa luận tốt nghiệp sắp tới. Tại chương trình, các thầy cô đã hướng dẫn chi tiết cách chọn đề tài khóa luận, giảng viên hướng dẫn, cách trình bày, những tài liệu, file thông tin cần nộp về trường, việc chuẩn bị buổi báo cáo chuyên đề/khóa luận theo từng ngành.
Nhiều bạn sinh viên thường có mong muốn chọn đề tài có liên quan đến doanh nghiệp nơi mình thực tập. Tùy vào đặc thù, việc bảo mật thông tin của từng đơn vị, các thầy cô cũng định hướng sinh viên nên trao đổi trực tiếp với doanh nghiệp và thầy cô hướng dẫn để chọn được đề tài vừa sức, có giá trị, tạo được nền tảng tốt cho sinh viên khi khởi đầu công việc của mình.
Nhiều lời khuyên bổ ích về việc chọn đề tài và cách thực hiện khóa luận/chuyên đề tốt nghiệp được chia sẻ với các bạn sinh viên
Kết thúc kỳ thực tập, các bạn sinh viên năm cuối sẽ tiến hành làm khóa luận/chuyên đề để hoàn tất chương trình học tại UEF. Trong chương trình, các thầy cô cũng lưu ý sinh viên những nội dung quan trọng khi làm khóa luận và những “mẹo” để giảm áp lực tại buổi bảo vệ đề tài.
Thực tập thực tế tại doanh nghiệp là học phần quan trọng mà sinh viên UEF cần hoàn thành trước thềm tốt nghiệp. Quá trình thực tập sẽ giúp sinh viên hiểu và mô tả được những đặc trưng, cơ cấu tổ chức quản lý, chức năng và nhiệm vụ các bộ phận trong đơn vị thực tập; mô tả được (những) quy trình nghiệp vụ cụ thể tại đơn vị. Cạnh đó, các bạn cũng sẽ có cơ hội vận dụng được kiến thức, chuyên môn vào những công việc phù hợp với chuyên ngành đào tạo.
Hoàn tất quá trình thực tập, sinh viên sẽ có được không ít kiến thức thực tế và kinh nghiệm làm việc thực tiễn. Hy vọng với những thông tin đã cung cấp trong chương trình, các bạn sinh viên đã có thêm hành trang vững chắc để tự tin bước vào kỳ thực tập sắp tới.
Các bạn sinh viên quan tâm có thể xem lại toàn bộ nội dung buổi tư vấn TẠI ĐÂY
Tin: Quyền Cương, ảnh: Media Team