Cập nhật những vấn đề thực tế dựa trên những trăn trở của sinh viên, từ đó phân tích, hướng dẫn cách tiếp cận để các bạn đạt hiệu quả trong việc sử dụng tiếng Anh phục vụ cho mục đích thuyết trình, nói trước công chúng. Đó cũng là những nội dung được diễn giả chia sẻ trong suốt buổi talkshow của khoa Quan hệ quốc tế vào chiều ngày 8/7 với chủ đề “IR Speak Out”.
Đồng hành với các bạn sinh viên trong hoạt động lần này là ThS. Lê Ngọc Thảo Nguyên - Giám đốc Học thuật của YOURE. Ngoài ra, chương trình còn có sự tham dự của TS. Trần Thanh Huyền – Trưởng khoa Quan hệ quốc tế và ThS. Lê Phương Cát Nhi – Giảng viên khoa Quan hệ quốc tế, đóng vai trò dẫn dắt, kết nối diễn giả cùng sinh viên
Profile của ThS. Lê Ngọc Thảo Nguyên
Mở đầu chương trình, diễn giả đã giới thiệu đến sinh viên một trang web, các bạn đã truy cập vào đó và đưa ra các vấn đề bản thân đang gặp phải khi thuyết trình bằng tiếng Anh. Theo đó, thiếu tự tin và vốn từ vựng là 2 vấn đề mà hầu hết các bạn gặp phải.
Sau đó, khách mời đã đưa ra sơ đồ để phần tích về các vấn đề trong một bài thuyết trình tiếng Anh để các bạn nhận thức và cải thiện lỗ hỏng của bản thân. Bốn hình tượng: người xây dựng, người chuyên gia, người nhạc trưởng, người giám sát và yếu tố về trí nhớ được diễn giả đưa vào làm sinh động phần chia sẻ của mình.
Nhiều vấn đề được diễn giả chia sẻ
Để xử lý tốt một bài nói trước công chúng, các bạn cần thiết lập được đường đi, mạch chuyện, xác định đúng trọng tâm chủ đề đang nói, tránh lan man dựa vào nền tảng kiến thức, cấu trúc cơ bản về tiếng Anh mà bản thân đã có. Đó chính là hình tượng người xây dựng được diễn giả nhắc đến.
Hình tượng người chuyên gia chính là việc hình thành sự hiểu biết về vấn đề mình đang nói đến. Các bạn phải hiểu rõ và nắm vững về đề tài mình nói chứ không chỉ đơn thuần là học thuộc lòng rồi đọc lại cho người khác nghe.
Nhạc trưởng là vai trò của một người điều hành. Trong việc học tiếng Anh, diễn giả chỉ ra đây là việc chúng ta bộc lộ những nền tảng đã xây dựng và những hiểu biết đã tìm hiểu ở trên ra bên ngoài thông qua ngữ âm, ngữ điệu, cách nói, nhịp độ, phát âm,…
Kiểm tra chính là nhiệm vụ của một người giám sát. Đồng thời, vai trò của yếu tố này là đưa ra những phương án xử lý khi gặp vấn đề.
Các thành tố góp phần tạo sự thành công cho bài thuyết trình
Ngoài ra, diễn giả cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của trí não con người. Mọi việc nói, viết, trình bày đều nhờ một phần vào trí nhớ, vì vậy, chúng ta cần phải rèn luyện để có trí nhớ tốt hoặc cải thiện sự nhớ của bản thân.
Góp phần giúp sinh viên hiểu rõ hơn về những kiến thức đã được truyền đạt, diễn giả cho các bạn tiến hành làm bài tập nhóm với đề bài là sắp xếp những yếu tố đã cho vào hàng phù hợp với 1 trong 5 thành phần tạo nên một bài thuyết trình tốt.
Sinh viên thực hành ngay trong buổi talkshow
Sau 20 phút làm bài, diễn giả đã chỉnh sửa và tiến hành phân tích kỹ hơn mỗi vấn đề. Kết thúc phần chia sẻ của cô Thảo Nguyên, UEFers đã đặt các câu hỏi liên quan, vừa thể hiện sự chú tâm theo dõi của mình trong suốt talkshow vừa giải đáp các khúc mắc của bản thân.
Đây là hoạt động thiết thực giúp các bạn nâng cấp khả năng thuyết trình bằng ngoại ngữ, đặc biệt với sinh viên UEF, tiếng Anh là ngôn ngữ quan trọng trong quá trình học tập. Sắp tới, khoa Quan hệ quốc tế sẽ tiếp tục có những chương trình trang bị kiến thức, kỹ năng, UEFers đón theo dõi để có thêm những bài học thực tiễn giá trị.
Quy Nguyễn