Hiện nay, đứng trước những áp lực của công việc, học tập và các mối quan hệ, không ít người đã quên đi giá trị cốt lõi của bản thân, thậm chí trở thành nên khắt khe với chính mình. Để giúp sinh viên kết nối lại với “đứa trẻ bên trong” của mình từ việc gần gũi nhất là chấp nhận bản thân, Trung tâm Tham vấn tâm lý và Hỗ trợ pháp luật UEF đã tổ chức talkshow "Compass", trong chuỗi chương trình ý nghĩa "Chấp nhận bản thân – bạn đã bao giờ?" vào ngày 13/12 vừa qua.
Có ý nghĩa thiết thực với người trẻ, chương trình thu hút sự tham gia của đông đảo sinh viên
Tham gia hoạt động, UEFers đã được “chữa lành” với những góc nhìn tâm lý đa chiều và câu chuyện sinh động từ TS. Nguyễn Văn Tường – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ sức khỏe tinh thần, Chủ nhiệm Bộ môn Tâm lý học giáo dục, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP.HCM. Bên cạnh đó là sự tham dự của ThS. Nguyễn Thị Nguyệt Hoàng - Phó trưởng Phòng Công tác sinh viên, Giám đốc Trung Tham vấn tâm lý và Hỗ trợ pháp luật; ThS. Nguyễn Anh Khoa - Phó Giám đốc Trung Tham vấn tâm lý và Hỗ trợ pháp luật; ThS. Đặng Thị Mai Ly - Giảng viên ngành Tâm lý học UEF.
Trong phần chia sẻ, TS. Nguyễn Văn Tường nhấn mạnh rằng lòng tự trắc ẩn không chỉ là sự cảm thông với người khác mà còn là khả năng tử tế đối với chính bản thân mình. Diễn giả khẳng định, trải nghiệm thất bại hoặc không mong muốn là điều phổ biến mà bất kỳ ai cũng đều phải đối mặt. Vì thế, người biết yêu thương và chấp nhận bản thân sẽ không bị cuốn vào những cảm xúc tiêu cực.
"Chấp nhận bản thân chính là biểu hiện rõ ràng của lòng tự trắc ẩn" - TS. Nguyễn Văn Tường chia sẻ
Đó là khả năng nhìn nhận những cảm xúc căng thẳng và tình huống xảy ra một cách khách quan, không có phán đoán. Tuy nhiên, việc yêu thương và chấp nhận chính mình lại không dễ dàng với nhiều người. Những rào cản ngăn cản vô hình đến từ niềm tin, tư duy hay thói quen dập tắt suy nghĩ sai hướng khiến chúng ta dễ đưa ra những quyết định mà thiếu đi sự phản biện cần thiết. Hành trình để chấp nhận bản thân không thể thiếu sự nỗ lực bền bỉ. Đó là quá trình mà mỗi người cần học cách loại bỏ những lớp áo nghi ngờ, chủ động nhìn nhận giá trị của mình và cả những người khác.
Sinh viên chia sẻ câu chuyện của mình và đặt câu hỏi cho diễn giả
Theo chuyên gia, mỗi người đều cần học cách phát triển từ chính những tổn thương của mình. "Người có lòng trắc ẩn luôn mang trong mình một tư duy hướng tới sự phát triển và hoàn thiện" - TS. Nguyễn Văn Tường chia sẻ. Buổi giao lưu nhẹ nhàng nhưng sâu sắc đã giúp nhiều bạn trẻ được chữa lành khi đối diện thực tại và nhận ra rằng mỗi người đều có hành trình riêng, giá trị riêng và hành trình đó không cần phải vội vàng hay chạy theo người khác.
Hơn cả những kiến thức tâm lý bổ ích từ chuyên gia, chương trình đã gửi đến UEFers một lời nhắc nhở chân thành rằng hãy sống chậm lại, lắng nghe chính mình nhiều hơn và bắt đầu hành trình yêu thương bản thân từ những điều nhỏ bé nhất. Những giá trị mà chương trình mang lại vẫn sẽ tiếp tục đồng hành với sinh viên UEF, động viên các bạn tự tin hơn trên con đường tìm kiếm hạnh phúc và hoàn thiện chính mình.
TT.TT-TT