Sáng nay - 6/1, các bạn sinh viên UEF theo học nhóm ngành truyền thông nói riêng và có đam mê với lĩnh vực này nói chung đã có cơ gặp gỡ, giao lưu và lắng nghe chia sẻ từ chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm truyền thông xây dựng thương hiệu. Với những câu chuyện xoay quanh chủ đề “Truyền thông - thông điệp và thiết kế”, ThS. Lê Thị Bích Loan - Giám đốc sáng tạo, Công ty TNHH TNHH TM - DV - SX Bao bì Tafuco đã mang đến cho UEFers nhiều kiến thức thực tế bổ ích.
Hoạt động được tổ chức trực tuyến với nhiều góc nhìn thú vị về thông điệp truyền thông
Chị Bích Loan cho biết, thông điệp truyền thông khác với thông điệp quảng cáo và khi làm công tác truyền thông, chúng ta phải luôn suy nghĩ thông điệp mình mong muốn mang đến là gì. Tự mình đưa ra các câu hỏi chiến dịch này sẽ hướng đến ai? Với mục đích gì? Từ đó người làm truyền thông sẽ có những hướng triển khai, cách sử dụng ngôn ngữ, hình thức phù hợp để lan tỏa thông điệp. Thông điệp đôi khi là hình ảnh, câu chuyện nhưng có lúc chỉ là một, một vài dòng chữ đơn giản. “Mục đích của thông điệp truyền thông là tác động đến nhận thức, cảm xúc hay hành vi của người tiếp nhận. Đối với doanh nghiệp, truyền thông sẽ góp phần xây dựng nên giá trị thương hiệu cho doanh nghiệp” - diễn giả chia sẻ thêm.
Bên cạnh đó, khách mời cho rằng việc xây dựng tầm nhìn, sứ mệnh và giá trị cốt lõi là nhiệm vụ hàng đầu của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp mới bắt đầu hoặc muốn phát triển lên tập đoàn. Những điều này ngoài việc tạo cơ sở để xây dựng chiến dịch truyền thông còn được xem là lời cam kết của doanh nghiệp cùng khách hàng.
ThS. Lê Thị Bích Loan là người có nhiều năm "chinh chiến" trong việc tạo dựng các ấn phẩm truyền thông, lan tỏa thành công thông điệp cho doanh nghiệp
Với những kinh nghiệm thực tế của bản thân, chị Bích Loan đã mang đến góc nhìn gần gũi và dễ hiểu về hình thức của thông điệp truyền thông, đó là cách thiết kế (mã hóa) bằng các yếu tố minh họa trực quan, sinh động như hình ảnh, màu sắc, âm thanh,... Với mỗi sự kiện, doanh nghiệp có thể đưa ra những thông điệp nhỏ khác nhau nhưng sẽ không nằm ngoài thông điệp chính cốt lõi mà công ty hướng đến. Ngôn ngữ truyền thông thông điệp có thể được chia làm 2 loại: truyền thông theo giọng điệu (mang tính thông tin, đe dọa hoặc khuyến khích) và truyền thông theo mục đích.
Tuy nhiên, với những cái đôi khi chỉ xuất hiện chớp nhoáng, việc xây dựng thông điệp truyền thông được diễn giả hết sức lưu ý với các tiêu chí như: ngắn gọn, đơn giản, dễ tiếp nhận; chính xác, chân thực; ngôn từ phổ biến, thông dụng; liên kết chặt chẽ với chủ đề; sự hấp dẫn trong hình thức và câu từ; phù hợp với văn hóa.
Một số thể loại ấn phẩm truyền thông minh họa
Nhận định rằng thiết kế không phải là tất cả của một thông điệp truyền thông nhưng là phần tất yếu không thể thiếu, việc thể hiện các ý tưởng thành ấn phẩm sẽ giúp ích rất lớn cho hoạt động quảng cáo, quảng bá sản phẩm dịch vụ tạo nên nhận thức quen thuộc, giúp duy trì sự tin cậy của khách hàng, tiếp cận khách hàng một cách tự nhiên và nâng tầm giá trị thương hiệu của công ty, doanh nghiệp. Phân tích sâu sắc về tính đặc thù, áp dụng và sự khác biệt của các ấn phẩm truyền thông như backdrop, poster, flyer, billboard, printAd, brochure, standee, tạp chí, POSM,... chị Bích Loan mở ra thế giới đa dạng, trực quan và sinh động về những câu chuyện truyền thông thời hiện đại.
Những nội dung khác được diễn giả chia sẻ đến sinh viên
Những thông điệp trên ấn phẩm truyền thông phải đảm bảo nội dung trang bìa hấp dẫn, mô tả được sản phẩm dịch vụ khéo léo, cung cấp thông tin hữu ích cho khách hàng, sắp xếp và trình bày nội dung một cách khoa học, kêu gọi hành động và xác định rõ nhu cầu của người đọc.
Từ những chia sẻ thực tế của diễn giả kết hợp với ví dụ cụ thể, UEFers được mở rộng tầm nhìn về lĩnh vực truyền thông, giúp các bạn đang theo học hoặc có niềm đam mê sẽ tự tin theo đuổi con đường này với những ý tưởng mới mẻ, táo bạo và độc đáo nhưng vẫn đảm bảo các yếu tố về thông điệp, thương hiệu và cuốn hút.
Quy Nguyễn