Hiện nay, có rất nhiều sinh viên mong muốn làm việc tại các công ty Nhật Bản vì môi trường làm việc chuyên nghiệp, sáng tạo cùng mức lương đáng mơ ước. Thế nhưng, các bạn lại lo lắng không biết làm thế nào để trang bị những kiến thức về văn hóa Nhật Bản trong kinh doanh một cách đầy đủ và phù hợp nhất.
Hiểu được điều này, chiều 19/3 vừa qua, Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa quốc tế UEF phối hợp với Tổ chức D&i partners LLP (Nhật Bản) tổ chức buổi workshop với chủ đề “Những điều cần biết về văn hóa Nhật Bản trong kinh doanh” với mong muốn chia sẻ cho các bạn sinh viên UEF nói chung và các bạn sinh viên chuyên ngành Ngôn ngữ Nhật nói riêng kiến thức tổng quan về văn hóa doanh nghiệp Nhật Bản nhằm tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng.
Buổi workshop diễn ra với sự tham gia đông đảo của sinh viên UEF
Diễn giả khách mời của buổi workshop là ông Okita Fumio - Chủ tịch Tổ chức D&i partners LLP; bà Ayaka Fujiwara - Thành viên Tổ chức D&i partners LLP.
Đại diện UEF có TS. Hồ Viễn Phương - Phó Hiệu trưởng Nhà trường, TS. Võ Văn Thành Thân - Trưởng Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa quốc tế, ThS. Cao Đỗ Quyền - Trợ lý ngành Ngôn ngữ Nhật cùng các giảng viên Khoa.
Đại diện Ban tổ chức chương trình trao thư và quà cảm ơn đến diễn giả
Bắt đầu buổi trao đổi, TS. Hồ Viễn Phương đã gửi lời cảm ơn chân thành đến các diễn giả hỗ trợ UEF tổ chức khóa học bổ ích này và chúc mừng các bạn sinh viên ngành Ngôn ngữ Nhật đã có thêm một buổi học ngoại khóa ấn tượng. Cạnh đó, thầy cũng nhấn mạnh buổi workshop về “Văn hóa doanh nghiệp Nhật Bản” lần này sẽ giúp bổ sung kiến thức thực tiễn để sinh viên UEF có thể vận dụng trong công việc sau khi tốt nghiệp.
TS. Hồ Viễn Phương phát biểu mở đầu chương trình
Được biết đến là một quốc gia có nền văn hóa lâu đời, có nhiều phong tục tập quán từ xa xưa mang đậm bản sắc dân tộc, sự kết hợp hài hòa giữa nền văn hóa cũ và mới tạo nên những nét đặc trưng riêng trong văn hóa của Nhật Bản. Là một trong những yếu tố quan trọng, thúc đẩy sự phát triển và thay đổi của đất nước, văn hóa Nhật Bản trong kinh doanh cũng bị ảnh hưởng phần nào đó từ văn hóa chung của quốc gia. Trong kinh doanh, người Nhật luôn có những quy tắc, văn hóa riêng khác biệt so với các quốc gia khác trên thế giới.
Diễn giả Okita Fumio có hơn 30 năm kinh nghiệm trong việc đưa doanh nghiệp phát triển ra quốc tế và vốn đầu tư nước ngoài. Ông chia sẻ với mục tiêu giúp các bạn sinh viên khái quát về quản lý kinh doanh kiểu Nhật, hình dung hình ảnh người quản lý mà công ty Nhật cần và hiểu biết thực tế về cách vận hành một công ty Nhật Bản. Từ đó, mỗi sinh viên có thể nhận thức và tự đặt mục tiêu cho bản thân, sẵn sàng trở thành nhà quản lý kinh doanh kiểu Nhật thời đại mới trong tương lai. Đặc biệt phải kể đến Triết lý kinh doanh được ông rất đề cao: Ba hướng tốt (Sanpo Yoshi): tốt cho người bán, tốt cho người mua và tốt cho xã hội.
Diễn giả Okita Fumio mang đến cho sinh viên nhiều thông tin bổ ích về văn hóa doanh nghiệp Nhật Bản
Diễn giả giải đáp cho các bạn sinh viên về định nghĩa "văn hóa là gì?", "văn hóa doanh nghiệp là như thế nào?", đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của văn hóa qua các phương tiện truyền thông chính thống của Nhà nước, đều tập trung xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc và doanh nghiệp cũng như vậy. Theo ông, văn hóa doanh nghiệp cần phải nhìn bằng nhiều khía cạnh. Trong đó, 2 quan điểm chính là yếu tố bên ngoài qua những đặc trưng hành vi, ứng xử để phân biệt giữa các doanh nghiệp và yếu tố bên trong là những giá trị niềm tin của con người trong doanh nghiệp là tự nguyện hay tuân thủ.
Một khía cạnh khác trong việc bạn cảm thấy mình có phù hợp với văn hóa doanh nghiệp hay không đó chính là do cảm xúc chiếm phần lớn và 7 yếu tố ảnh hưởng gồm: Môi trường làm việc; Mối quan hệ lãnh đạo và nhân viên; Mối quan hệ giữa đồng nghiệp; Những đãi ngộ và mức thu nhập; Quá trình làm việc được ghi nhận; Được thăng tiến trong công việc; Cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
Tiếp đó, chủ đề “Điểm quan trọng trong kinh doanh xuất khẩu” đã được bà Ayaka Fujikawa - có hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, phát triển kế hoạch sản phẩm tại công ty thương mại chia sẻ.
Bài giảng tập trung vào việc giúp sinh viên biết được hiện trạng xuất khẩu thực phẩm hiện nay tại Nhật Bản, hiểu được những vấn đề công ty Nhật phải đối mặt trong xuất khẩu, từ đó suy ra được những điểm đặc biệt quan trọng trong kinh doanh xuất khẩu.
Bà Ayaka Fujiwara giúp sinh viên có cái nhìn cụ thể về kinh doanh trong xuất khẩu
Thông qua việc truyền tải các khía cạnh của công việc xuất khẩu, bà mong muốn sẽ giúp ích cho các bạn sinh viên tham gia chương trình có nguyện vọng làm việc trong lĩnh vực này.
Buổi workshop đã cung cấp cho các bạn sinh viên nhiều thông tin hữu ích gắn với văn hóa, kinh tế xứ sở mặt trời mọc. Đây cũng là hành trang vững chắc giúp các bạn vận dụng hiệu quả trong kỳ thực tập sắp tới tại các doanh nghiệp Nhật Bản. Hy vọng, kiến thức tích lũy khi tham gia chương trình sẽ được các bạn sinh viên vận dụng thật tốt trong thời gian tới đây.
Vinh Thư
Ảnh: Minh Thiện