Với lịch sử văn minh lâu đời cùng sự phát triển mạnh về kinh tế, đất nước Trung Quốc nhận được nhiều sự quan tâm của các bạn trẻ. Cùng với đó, nhu cầu tiếp cận ngôn ngữ quốc gia này cũng ngày càng gia tăng. Để giúp sinh viên có môi trường học tập, trao đổi và nắm bắt các bí quyết “làm chủ” tiếng Trung, khoa Ngôn ngữ và Văn hóa quốc tế UEF đã tổ chức workshop “Hán tự và những điều kỳ thú” vào chiều ngày 29/9 vừa qua.
Hoạt động được livestream trên Fanpage khoa Ngôn ngữ và Văn hóa quốc tế chiều ngày 29/9
Chương trình có sự tham dự của PGS.TS. Ngô Cao Cường – Phó Hiệu trưởng thường trực Nhà trường, TS. Nhan Cẩm Trí – Phó Hiệu trưởng Nhà trường, TS. Võ Văn Thành Thân – Trưởng khoa Ngôn ngữ và Văn hóa quốc tế, TS. Nguyễn Thị Lan – Phó Trưởng khoa Ngôn ngữ và Văn hóa quốc tế cùng với hơn 500 sinh viên theo dõi trên livestream và Microsoft Teams.
Diễn giả chính là ThS. Hứa Phạm Cẩm Tú và điều phối hoạt động là ThS. Lê Thanh Huy – Giảng viên ngành Ngôn ngữ Trung Quốc.
Nhiều thầy cô cũng theo dõi workshop cùng sinh viên
Mở đầu chương trình, cô Cẩm Tú đã đặt ra các câu hỏi tương tác cho sinh viên. Thông qua đó cũng cung cấp đến các bạn những lý do chính khiến người Trung Quốc không sử dụng tiếng Latinh thay thế Hán tự: Thứ nhất, tiếng Trung có rất nhiều từ đồng âm, dùng tiếng Latinh sẽ gây nhiều khó khăn trong việc hiểu nghĩa; Thứ hai, đất nước này có nhiều phương ngữ (7 vùng phương ngữ), nếu dùng chữ Latinh để ghi lại âm đọc sẽ gây ra khó khăn trong giao tiếp; Thứ ba, mặc dù có những thay đổi nhưng khi giữ chữ Hán thì người Trung Hoa mới có thể tìm hiểu về văn hóa, văn minh của tổ tiên để lại.
Theo cô Cẩm Tú chia sẻ, chữ Hán là loại văn tự vừa biểu ý vừa biểu văn. Hiện nay, tiếng Trung đang được sử dụng phổ biến là chữ khải. Trước đó, văn tự này đã trải qua các giai đoạn từ giáp cốt văn, kim văn, tiểu triện cho đến lệ thư. Ngoài ra còn có 2 loại khác là chữ hành (khi chữ khải được viết nhanh) và chữ thảo (thường được dùng trong các tác phẩm nghệ thuật).
![]()
Chữ Hán được bắt nguồn từ việc ghi chép bằng những hình ảnh tương đồng với đời thực trên xương, cốt
Người Trung Hoa có 6 cách để tạo ra Hán ngữ, vì vậy được gọi là lục thư, bao gồm: tượng hình, chỉ sự, hội ý, hình thanh, chuyển chú và giả tá. Trong đó, hình thanh chiếm số lượng phổ biến nhất, khoảng 80% chữ Hán. Đây là cách tạo chữ có sự kết hợp giữa phần hình và phần thanh.
Để quá trình học chữ Hán thuận lợi, người học cần đi từ sự hiểu biết căn bản về bút họa - đơn vị kết cấu nhỏ nhất của Hán tự. Đó là các chấm và đường tạo nên hình thể chữ Hán. Theo yêu cầu khi viết chữ khải, từ lúc hạ bút đến khi nhấc bút được tính là một nét.
Trong chữ Hán có 7 nét cơ bản: ngang, hất, chấm, phẩy, sổ, mác, móc và một số nét biến thể khác. Khi viết tiếng Hán cần tuân thủ theo quy tắc bút thuận, được quy định như sau: ngang trước sổ sau; trái trước phải sau; trên trước dưới sau; phẩy trước mác sau; ngoài trước trong sau (đối với chữ đóng không kín); ngoài trước trong sau rồi đóng lại (đối với chữ đóng kín) và giữa trước hai bên sau.
Những nét biến thể trong quá trình phát triển Hán tự
Ngoài ra, người học cũng cần chú ý đến các quy tắc bổ sung khác như: chấm ở góc trái hoặc trên cùng thì viết chấm trước, chấm bên trong hoặc góc phải thì viết chấm sau cùng, bán bao vây trên - trái/ trên - phải thì ngoài trước trong sau, bán bao vây trái - dưới thì viết sau cùng, bán bao vây phía dưới thì trong trước ngoài sau, bán bao vây phía bên trái thì viết nét trên cùng trước sau đó phía phần bên trong rồi mới viết các nét còn lại.
Khi viết, nét bút có 3 tổ hợp cần nhớ rõ, tránh “râu ông nọ cắm cằm bà kia” làm sai nghĩa hoặc mất nghĩa của từ: tách nhau, giao nhau và tiếp nhau.
Cô Cẩm Tú cũng cho biết chữ Hán có 214 bộ thủ và Hán tự đa phần là hình thanh. Để dễ dàng trong việc học, sinh viên nên học các bộ thủ thường gặp trước, sau đó học những từ trong bộ này. Đây được gọi là phương pháp chiết tự.
50/214 bộ thủ thường được sử dụng phổ biến
Theo đó, cô đã giới thiệu 3 bộ thủ căn bản và thường gặp, đó là bộ 3 chấm thủy (thường gặp trong những từ liên quan đến nước), bộ thảo (thường gặp trong những từ liên quan đến thực vật) và bộ khẩu (những từ có liên quan đến miệng hoặc hoạt động vùng miệng).
Trong mỗi phần chia sẻ, cô đã đưa ra các bài luyện tập tương ứng để sinh viên dễ dàng hình dung và rèn luyện. UEFers đã được tham gia mini game trên ứng dụng Kahoot để thể hiện sự hiểu biết của mình về Hán tự. Cuối chương trình, ThS. Lê Thanh Huy đã giới thiệu đến các bạn ứng dụng giúp cải thiện khả năng học tiếng Trung.
Mỗi phần lý thuyết gắn liền với bài luyện tập giúp sinh viên dễ tiếp thu và ghi nhớ lâu hơn
Thông qua những chia sẻ gần gũi và sinh động, cô Hứa Phạm Cẩm Tú đã truyền đạt đến sinh viên những kiến thức căn bản nhất về tiếng Trung. Sau workshop, tin chắc rằng các bạn đang theo đuổi ngôn ngữ này sẽ có hướng học tập phù hợp và thuận lợi hơn. Được biết trong thời gian tới, ngành Ngôn ngữ Trung Quốc cũng sẽ tổ chức thêm nhiều sự kiện khác để sinh viên có môi trường tiếp cận tốt nhất với ngoại ngữ này.
Quy Nguyễn