Trên hành trình từ giảng đường đến doanh nghiệp, sinh viên sẽ gặp không ít những khó khăn, thử thách. Trong đó, vấn đề thay đổi môi trường, tiếp cận với văn hóa doanh nghiệp là điều khiến nhiều bạn trẻ bỡ ngỡ, lo lắng. Nắm bắt tâm lý của các bạn sinh viên chuẩn bị bước vào kỳ thực tập, ngày 24/7 vừa qua, Trung tâm Hợp tác doanh nghiệp phối hợp cùng Khoa Kinh tế tổ chức 2 buổi workshop với chủ đề "Kỹ năng kiểm soát cảm xúc và thích nghi văn hóa doanh nghiệp". Hoạt động nhận được sự quan tâm của đông đảo sinh viên UEF.
Chương trình trang bị kỹ năng cần thiết cho sinh viên trước thềm thực tập
Về phía UEF, chương trình có sự tham dự của ThS. Huỳnh Quốc Phong – Giám đốc Trung tâm Hợp tác doanh nghiệp; ThS. Nguyễn Thị Kim Loan – Phó Giám đốc Trung tâm Hợp tác doanh nghiệp; ThS. Tăng Mỹ Hà – Phó Trưởng Khoa Kinh tế.
Chuỗi hoạt động có sự đồng hành của hai vị diễn giả: ông Tống Trần Dương - Quyền Giám đốc Viện đào tạo Bất động sản Bcons, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Phó Giám đốc Ngân hàng PVcombank - Chi nhánh Gia Định.
Đại diện UEF gửi thư cảm ơn đến các diễn giả
Ở phần chia sẻ đầu tiên, ông Tống Trần Dương đã mang đến những câu chuyện về “cuộc đời là hành trình trải nghiệm và bài học”. Với những kinh nghiệm đúc kết được từ bản thân, nhiều thông điệp truyền cảm hứng, tạo động lực dễ dàng thích ứng môi trường mới, trau dồi thêm các kỹ năng kiểm soát cảm xúc bản thân được diễn giả mang đến.
Tiếp đó, để làm rõ hơn về các kỹ năng kiểm soát cảm xúc và thích nghi văn hóa doanh nghiệp, diễn giả đã chia sẻ lần lượt qua các nội dung: tầm quan trọng của giao tiếp, kỹ năng lắng nghe chủ động, biểu đạt rõ ràng, xử lý bất đồng, thích nghi với văn hóa công ty, xây dựng mối quan hệ chuyên nghiệp, quản lý cá nhân.
Khách mời nhấn mạnh: “Cách bạn nói quan trọng gấp đôi những gì bạn nói”. Ông giúp các UEFers hiểu rõ hơn về quy tắc 7-38-55 trong giao tiếp. Trong đó, nội dung nói chỉ chiếm 7%; 38% là giọng nói (điều chỉnh tốc độ phù hợp với bối cảnh, cao độ của giọng nói, khoảng dừng); 55% còn lại là ngôn ngữ hình thể. Đồng thời với những trải nghiệm và góp nhặt của bản thân, diễn giả cũng đã truyền tải đến sinh viên những “bí quyết” để phát triển bản thân và nhanh chóng hòa nhập môi trường mới.
Những lưu ý trong quá trình thực tập được ông Tống Trần Dương nhấn mạnh
Đã phải trải qua khoảng thời gian nhiều khó khăn, thử thách khi startup cho đến khi xây dựng được thương hiệu cho riêng mình cùng đa dạng vị trí công việc đã đảm nhận, những bộc bạch của diễn giả giúp các bạn trẻ có thêm góc nhìn sâu sắc về sự dấn thân và những phương pháp để vượt qua rào cản.
Cầu thị và khiêm tốn là hai yếu tố cần có của một nhân viên, hơn hết là sinh viên thực tập. Ông cũng làm rõ điều quan trọng nhất là thái độ, kiến thức chỉ là yếu tố xếp sau qua đó truyền động lực cho UEFers trong việc không ngừng nâng cấp bản thân, trau dồi kiến thức.
Sinh viên tập trung lắng nghe những nội dung chia sẻ từ diễn giả
Chiều cùng ngày, chủ đề "Kỹ năng kiểm soát cảm xúc và thích nghi văn hóa doanh nghiệp" được bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Phó giám đốc Ngân hàng PVcombank - Chi nhánh Gia Định chia sẻ với UEFers một cách thẳng thắn và giàu tính thực tế.
Kỹ năng giao tiếp là một trong những kỹ năng “sống còn” giúp mỗi cá nhân tồn tại trong môi trường công sở. Diễn giả Tuyết Mai chia sẻ, công việc của thực tập sinh thường sẽ có sự hỗ trợ từ các anh chị hướng dẫn. Tuy nhiên, để có thể hiểu hơn về công việc, các bạn cần chủ động trong việc kết nối và tìm hiểu những công việc được giao.
Các nhà tuyển dụng sẽ rất ấn tượng với những ứng viên đã từng trải nghiệm môi trường làm việc chuyên nghiệp. Bà Tuyết Mai cũng chia sẻ, sau thời gian thực tập, các bạn sinh viên có cái nhìn rõ hơn về công việc, từ đó có cho mình những định hướng phù hợp và lựa chọn vào các doanh nghiệp phù hợp với vị trí mình yêu thích. Vậy nên hãy tận dụng tối đa thời gian thực tập để trau dồi thêm kỹ năng, tăng cường giao tiếp kết nối với mọi người để có thể mở rộng cơ hội trong sự nghiệp tương lai.
Diễn giả Tuyết Mai mang đến buổi workshop nhiều bài học kinh nghiệm và câu chuyện thực tế
Khi nhắc đến cơ hội thực tập mà các bạn sinh viên có thể ứng tuyển, diễn giả đã phân tích và chia sẻ nhiều câu chuyện thực tế về vị trí công việc của bản thân. Từ đó, đưa ra các "tips" gây ấn tượng với nhà tuyển dụng, phác họa những tình huống có thể xảy ra khi phỏng vấn cũng như thái độ cần có trong quá trình thực tập tại doanh nghiệp. Với những câu hỏi về bí kíp để cởi mở hơn trong quá trình thực tập cũng được diễn giả giải thích vô cùng kỹ lưỡng.
Sinh viên đặt ra nhiều câu hỏi thực tế cho diễn giả
Kết thúc buổi workshop, ThS. Tăng Mỹ Hà đã chia sẻ với UEFers về các vấn đề cần lưu ý trong học phần thực tập tốt nghiệp của Khoa Kinh tế. Từ kế hoạch thực tập tốt nghiệp khóa 2021, kế hoạch tốt nghiệp, chuẩn đầu ra tiếng Anh - Tin học đến công tác đăng ký doanh nghiệp thực tập, cách làm hồ sơ học tập, những lưu ý khi đổi đơn vị thực tập,... đều được cô đề cập, hướng dẫn tỉ mỉ, chi tiết.
ThS. Tăng Mỹ Hà chia sẻ về các vấn đề sinh viên cần lưu ý trong kỳ thực tập sắp tới
Trong mỗi năm học, Trung tâm Hợp tác doanh nghiệp và các Khoa tại UEF đều chú trọng tổ chức các hoạt động gắn kết thực tiễn, với sự đồng hành của các doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Mong rằng thông qua những chương trình Internship Orientation này, UEF sẽ giúp sinh viên trang bị đầy đủ hành trang nghề nghiệp, tự tin tham gia thực tập, làm việc tại các công ty, tập đoàn lớn.
TT.TT-TT