Menu
  
Tin tức sự kiện

UEFers tìm hiểu về thuế tối thiểu toàn cầu và thu hút đầu tư quốc tế giai đoạn 2024 - 2040

23/05/2024
Trong khuôn khổ hoạt động đưa sinh viên đến gần hơn với thực tiễn môn học, Khoa Kinh tế tiếp tục tổ chức buổi báo cáo chuyên đề học phần Đầu tư quốc tế vào tối 22/5. Với chủ đề “Thuế tối thiểu toàn cầu và thu hút vốn FDI tại Việt Nam (giai đoạn 2024 - 2040)", UEFers đã được gặp gỡ và lắng nghe những chia sẻ bổ ích từ diễn giả Nguyễn Huỳnh Đức Khoa - Founder, CEO của Linghome & SMEs. 
 


Bài học được chia sẻ gắn với bối cảnh hội nhập toàn cầu
 
Với kinh nghiệm điều hành, quản lý doanh nghiệp về tư vấn đầu tư, diễn giả đã cung cấp cho sinh viên những kiến thức về thuế tối thiểu toàn cầu cũng như tầm quan trọng của vốn đầu tư nước ngoài đối với nền kinh tế nước ta. Bên cạnh đó, một số tầm nhìn, chiến lược của quốc gia trong giai đoạn tới cũng được đề cập đến, đi kèm là những giải pháp gợi ý của diễn giả nhằm giúp Việt Nam có thể tăng khả năng cạnh tranh trong thu hút FDI. 
Nhìn lại giai đoạn 1987 - 2023, FDI có đóng góp rất quan trọng vào sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Trong số 142 quốc gia và vùng lãnh thổ mà nước ta đã thu hút vốn đầu tư thì Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore là các quốc gia đứng đầu. 
 


Đông đảo sinh viên tham gia buổi báo cáo chuyên đề
 
Diễn giả cho biết, mục tiêu của Việt Nam đến năm 2045 sẽ trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao và đến 2050 sẽ đạt mức trung hòa carbon. Để hoàn thành các mục tiêu này, nước ta cần 368 tỷ USD, trong đó đầu tư công và FDI chiếm 28% nguồn vốn. 
Cũng theo ông Đức Khoa, nước ta đang chậm hơn các nước cạnh tranh thu hút FDI trong khu vực. Gần đây, Malaysia đã ban hành thuế bổ sung tối thiểu nội địa, song song với việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. “Thuế tối thiểu toàn cầu chính là công cụ trong ngăn chặn cạnh tranh không lành mạnh giữa các quốc gia trong thu hút FDI” - diễn giả lưu ý sinh viên. 
Thông tin từ diễn giả đã gợi mở nhiều vấn đề cho sinh viên nhóm ngành Kinh tế tại UEF. Buổi báo cáo chuyên đề không chỉ giúp các bạn có thêm kiến thức về môn học chuyên ngành mà còn góp phần hình thành những tư duy, kế hoạch phát triển, đầu tư mới trong bối cảnh hiện tại và tương lai. 
 
TT.TT-TT
TIN LIÊN QUAN