Menu
  
Tin tức sự kiện

Sinh viên IR tiếp cận câu chuyện chính trị quốc tế qua góc nhìn của chuyên gia

15/03/2022
Với mong muốn giúp sinh viên có cơ hội tiếp cận những sự kiện, câu chuyện quốc tế mang tính thời sự, đồng thời tăng cường kiến thức và lĩnh hội thêm kinh nghiệm nghiên cứu khoa học về các vấn đề trên thế giới, tối 12/3, câu lạc bộ IRC đã phối hợp với khoa Quan hệ quốc tế tổ chức webinar chủ đề “Xung đột Nga – Ukraine: Các cách tiếp cận từ những nhà nghiên cứu trẻ về quan hệ quốc tế”.
Chủ đề đã thu hút gần 700 người tham dự, trong đó gồm các học giả, nghiên cứu viên trong và ngoài nước, sinh viên đến từ các trường đại học trong cả nước như UEF, Trường Đại học KHXH&NV – Đại học Quốc gia TP. HCM, Học viện Báo chí Tuyên truyền, Học viện Ngoại giao, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng,…
 
xungdot-Nga-Ukraine
xungdot-Nga-Ukraine
Các diễn giả tham gia chia sẻ trong chương trình
 
Diễn giả của chương trình có: TS. Lê Hồng Hiệp - Nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS – Yusof Ishak Institute, Singapore); NCS. Ngô Di Lân – Nghiên cứu sinh, Nghiên cứu viên, Trợ giảng Đại học Brandeis, Hoa Kỳ; NCS. Lê Ngọc Thảo Nguyên – Nghiên cứu sinh Đại học Nottingham, Anh quốc.
Đồng hành với các khách mời là TS. Trần Thanh Huyền - Trưởng khoa Quan hệ Quốc tế UEF, TS. Đào Minh Hồng – Phó Trưởng khoa Quan hệ Quốc tế UEF cùng sự tham dự của thầy cô giảng viên khoa.
Buổi webinar xoay quanh 4 nội dung chính: Xung đột Nga - Ukraine qua lăng kính 3 cấp độ phân tích trong Quan hệ quốc tế; Sự thật không hẳn là sự thật: Tiếp cận từ các nguồn thông tin; Xung đột Nga - Ukraine: Liệu có phải là tính quy luật của quá trình thay đổi trật tự thế giới mới?; Tác động từ xung đột Nga - Ukraine với nghiên cứu quan hệ quốc tế.
Ở phần đề dẫn, TS. Lê Hồng Hiệp đã đưa ra cách tiếp cận xung đột Nga - Ukraine qua lăng kính của 3 cấp độ phân tích trong quan hệ quốc tế, đó là cấp độ cá nhân, cấp độ quốc gia và cấp độ quốc tế. 
 
xungdot-Nga-Ukraine
xungdot-Nga-Ukraine
Các nội dung chính được chia sẻ tại chương trình 
 
Dù TS. Lê Hồng Hiệp cho rằng để có được cái nhìn tổng quát và đầy đủ thì cần phải xem xét ở cả 3 cấp độ, nhưng NCS. Ngô Di Lân đã đặt ra câu hỏi “Ở trường hợp Nga chọn Ukraine, thì trong việc sử dụng 3 cấp độ phân tích thì theo TS. Lê Hồng Hiệp, cấp độ nào sẽ được xem là quan trọng nhất trong việc phân tích hành động này?”. TS. Lê Hồng Hiệp đã đưa ra quan điểm cá nhân rằng trong trường hợp này, cấp độ cá nhân – mà ở đây là vai trò của Tổng thống Putin dẫn dắt nước Nga trong thời gian qua là nhân tố quan trọng nhất. 
Trong nội dung thảo luận của này, TS. Đào Minh Hồng cũng đưa ra câu hỏi thảo luận cho hai diễn giả về việc sử dụng 3 cấp độ phân tích để phân tích đối tượng là Ukraine thay vì là Nga, hoặc đề nghị diễn giả thảo luận thêm về việc áp dụng lý thuyết bất cân xứng (Asymmetry Theory) của Brantly Womack có thể phân tích được quan hệ Nga - Ukraine lúc này hay không. NCS. Ngô Di Lân cho rằng, khi một sự kiện, hiện tượng xảy ra sẽ có rất nhiều lý thuyết được đưa ra để phân tích. Tuy nhiên, điều quyết định cho việc lựa chọn lý thuyết nào là khi lý thuyết đó phân tích được tình huống, hiện tượng một cách hợp lý và tối ưu nhất. 
Về góc nhìn đa chiều từ các nguồn thông tin, NCS. Lê Ngọc Thảo Nguyên cho rằng “công chúng” trong ngoại giao công chúng cần được định nghĩa lại. Sự tái định nghĩa này thật ra không cần lý thuyết gì rườm rà mỗi cá nhân khi sử dụng Internet đều có thể để ý thấy. 
Diễn giả cũng nhấn mạnh 3 điều các bạn trẻ cần lưu ý khi sử dụng mạng xã hội là: Chú tâm đến ngôn từ được sử dụng vì nó hàm ý về câu chuyện mà nguồn thông tin đó muốn bạn tin; Kiên nhẫn chờ đợi kiểm chứng và tìm kiếm nhiều nguồn để đối chứng; Chỉ chia sẻ khi tỉnh táo chứ không phải lúc xúc động vì bất kỳ cảm xúc nào.
Buổi chia sẻ đã đem lại nhiều cách tiếp cận gợi mở, hy vọng có thể tạo ra nguồn cảm hứng và thúc đẩy tinh thần nghiên cứu khoa học, phát triển cộng đồng nghiên cứu ở lĩnh vực Quan hệ quốc tế tại Việt Nam ngày một vững mạnh hơn. 
 
xungdot-Nga-Ukraine
Buổi tọa đàm tiếp nối về câu chuyện xung đột Nga - Ukraine ở góc nhìn khác 
 
Được biết, vào ngày 18/3 sắp tới, khoa Quan hệ quốc tế sẽ tiếp tục tổ chức buổi Toạ đàm khoa học với chủ đề “Xung đột Nga - Ukraine: Phép thử cho một trật tự thế giới mới” dưới góc nhìn về vai trò của Liên hợp quốc. Diễn giả chính là Đại sứ Đặng Đình Quý – Nguyên Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc. 
 
Khoa Quan hệ quốc tế 
TIN LIÊN QUAN