Sau nhiều năm liền triển khai, chương trình “Phiên tòa giả định” đã mang đến cho sinh viên Khoa Luật UEF những hiệu quả đáng kể trong học tập từ kiến thức chuyên môn đến thực hành nghề nghiệp. Nhận thấy những lợi ích thiết thực đó, sáng ngày 31/3, Câu lạc bộ Pháp luật - Integrity Law Club (ILC), Khoa Luật đã tiếp tục tổ chức “Phiên tòa giả định” với chủ đề “Phòng, chống bạo lực học đường” tại Trường THPT Hùng Vương (TP.HCM).
Kiến thức về hành vi phòng, chống bạo lực học đường được tuyên truyền rộng rãi đến học sinh THPT
“Phiên tòa” có sự tham dự của ThS. Vũ Anh Sao - Phó Trưởng khoa, Khoa Luật; ThS. Nguyễn Nho Đại - Phó Ban Tuyển sinh; ThS. Phạm Huỳnh Bảo Oanh - Giảng viên, Khoa Luật. Bên cạnh đó còn có Ban giám hiệu, giáo viên và 3000 học sinh Trường THPT Hùng Vương.
Bạo lực học đường đã và đang là một vấn đề “nóng” và nan giải của xã hội. Hậu quả của thực trạng này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường giáo dục và sự phát triển của thanh thiếu niên. Đây là những hành vi sử dụng vũ lực, lời nói hoặc hành động gây ra tổn thương về thể chất hoặc tinh thần cho người khác.
Các thành viên ILC dàn dựng bối cảnh xảy ra tình huống dẫn đến bạo lực học đường
Tại chương trình, UEFers đã dàn dựng tình huống về bạo lực học đường xảy ra trong khuôn viên một trường THPT. Cao trào của xung đột xuất phát từ những lần “cà khịa” tưởng chừng như vô hại của bạn bè trên mạng xã hội, dẫn đến những mâu thuẫn không đáng có và gây ra tổn thương về nhiều mặt cho người bị hại. Sinh viên Khoa Luật UEF đã hóa thân thành các nhân vật trong buổi xét xử tại “Tòa Gia đình và người chưa thành niên” theo quy định của pháp luật vì có người tham gia tố tụng dưới 18 tuổi.
Qua tình huống và phiên xét xử giả định, UEFers đã giúp cho các bạn học sinh hiểu rõ hơn về hành vi cố ý gây thương tích và hậu quả nghiêm trọng của bạo lực học đường. Từ đó, mỗi bạn tự nhận thức được trách nhiệm của mình trong việc xây dựng một môi trường học tập an toàn, lành mạnh. Sống tốt đẹp và không vi phạm pháp luật vừa để bảo vệ mình, vừa để bảo vệ những người xung quanh và góp phần xây dựng xã hội phát triển văn minh. Ngoài ra, bản án dành cho bị cáo trong phiên tòa giả định cũng thể hiện vai trò răn đe, giáo dục và hướng con người đến những giá trị tốt đẹp của pháp luật.
Sinh viên hóa thân thành các vị trí trong phiên tòa để xét xử tình huống giả định
Sinh viên hóa thân thành các vị trí trong phiên tòa để xét xử tình huống giả định
Sinh viên hóa thân thành các vị trí trong phiên tòa để xét xử tình huống giả định
Sinh viên hóa thân thành các vị trí trong phiên tòa để xét xử tình huống giả định
Theo dõi “phiên tòa”, học sinh Phan Nguyễn Tố Anh, lớp 12A10 đã hiểu rõ về những tác hại của hành vi vi phạm pháp luật nói chung và bạo lực học đường nói riêng. Bạn đúc kết: “Em nhận thấy hành vi bạo lực học đường không chỉ gây ảnh hưởng đến tâm lý và sự tự tin của nạn nhân mà còn tổn thương thể chất, tinh thần lâu dài và làm giảm hiệu quả học tập và khả năng hòa nhập xã hội”.
Trong khi đó, học sinh Trần Thị Nhi, lớp 10A2 cũng mạnh mẽ lên án hành vi phạm tội này và cho biết: “Nếu là nạn nhân của bạo lực học đường, em sẽ tìm đến sự giúp đỡ của thầy cô và gia đình, thậm chí là cơ quan chức năng trong trường hợp bị đe dọa nghiêm trọng”.
Bên cạnh việc đồng tình với các quan điểm trên, học sinh Minh Trí, lớp 11A2 nêu cao tinh thần học tập nghiêm túc và cư xử thân thiện trong môi trường giáo dục. Bạn nhìn nhận rằng mọi mâu thuẫn dù là nhỏ nhất nếu không được giải quyết thỏa đáng sẽ rất dễ gây ra những hiểu lầm và dẫn đến hậu quả không lường, dù là ở thế giới thực hay mạng xã hội.
Học sinh vừa cập nhật kiến thức pháp luật vừa nhận về phần quà dễ thương của UEF
![]()
![]()
Học sinh THPT Hùng Vương tìm hiểu thông tin và đăng ký học bổng sớm vào UEF ngay sau "phiên tòa giả định"
Hoạt động khép lại đã để lại nhiều suy nghĩ cho các bạn học sinh THPT Hùng Vương. Tin chắc rằng sau "phiên tòa giả định" về bạo lực học đường, các bạn sẽ có những cư xử chuẩn mực hơn cùng bạn bè trong môi trường giáo dục, góp phần xây dựng và phát triển trường học thân thiện, lành mạnh và an toàn. Ngoài ra, chương trình cũng phần nào giúp học sinh yêu thích và đam mê ngành luật có thêm định hướng về con đường học tập, sự nghiệp tương lai. Với những hiệu quả và giá trị đã mang đến, mô hình "phiên tòa giả định" của Khoa Luật UEF sẽ tiếp tục đồng hành, lan tỏa đến nhiều trường THPT khác trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh lân cận.
TT.TT-TT