Sự nỗ lực không ngừng nghỉ và nghiêm túc đầu tư vào từng đề tài khoa học đã giúp sinh viên Nhà UEF đạt nhiều thành tựu, ghi tên mình tại những sân chơi học thuật lớn.
Nhằm khuyến khích sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học (NCKH), phát huy năng lực tư duy sáng tạo, làm việc nhóm, góp phần nâng cao năng lực tự học, tự nghiên cứu cho các bạn, ngày 22/11 vừa qua, Khoa Kinh tế đã tổ chức chuỗi workshop hướng dẫn NCKH buổi 1: "Phương pháp tìm kiếm tài liệu, viết tổng quan nghiên cứu và trích dẫn tài liệu tham khảo - Phát triển ý tưởng và thiết kế nghiên cứu khoa học".
Các hoạt động về nghiên cứu khoa học luôn nhận được sự quan tâm từ các bạn sinh viên và Nhà trường
Tham dự và chia sẻ trong buổi seminar có TS. Đào Thị Bích Vân - Giảng viên Đại học Việt Đức và ThS. Nguyễn Thị Kim Tri - Giám đốc Thư viện Đại học Việt Đức. Các chuyên gia trong buổi chia sẻ lần này là những nghiên cứu sinh có kinh nghiệm dày dặn trong nghiên cứu khoa học, sở hữu nhiều dự án cũng như giải thưởng danh giá tại các sân chơi quốc tế. Đại diện Khoa Kinh tế đồng hành với sinh viên là ThS. Trần Hoàng Nam – Trưởng ngành Bất động sản.
Mở đầu chương trình, cô Bích Vân đã dẫn dắt các bạn qua một hành trình đặc biệt – hành trình được ví như một “vòng cung xoắn ốc”. "Theo chị, nghiên cứu không đơn thuần là một con đường thẳng, thay vào đó mỗi lần quay lại với một vấn đề đã biết, chúng ta đều có thể khám phá ra những kiến thức mới, mang đến những giá trị vượt ngoài mong đợi. Nghiên cứu không chỉ là tìm kiếm câu trả lời mà còn là hành trình trở lại để nhìn vấn đề từ một góc nhìn mới mẻ hơn, sâu sắc hơn” - Tiến sĩ chia sẻ.
Diễn giả nhấn mạnh cách lựa chọn đề tài nghiên cứu đóng vai trò rất quan trọng
Với phần hướng dẫn chi tiết, chuyên gia đã phân tích về cách tiếp cận nghiên cứu thông qua các bước cụ thể: lựa chọn chủ đề, thu hẹp phạm vi, xác định câu hỏi nghiên cứu, xây dựng thiết kế và hoàn thiện đề xuất nghiên cứu. Đây là những bước đầu tiên giúp sinh viên xác định hướng đi rõ ràng cho các dự án học thuật của mình. Cô Bích Vân chia sẻ nên chọn những chủ đề gần gũi, phù hợp với những vấn đề các bạn thực sự quan tâm. Sau đó, việc thu hẹp phạm vi nghiên cứu giúp đảm bảo sự tập trung, tránh lan man trong quá trình thực hiện. Đặc biệt, chuyển đổi ý tưởng thành câu hỏi nghiên cứu cụ thể và rõ ràng là bước quan trọng để định hướng toàn bộ quá trình.
Những câu chuyện nổi bật về vấn đề bản quyền được ThS. Nguyễn Thị Kim Tri nhấn mạnh
Nối tiếp chương trình, cô Kim Trí giới thiệu chi tiết về các công cụ và phương pháp hỗ trợ tối ưu hóa quá trình nghiên cứu tài liệu. Cô đã giúp sinh viên hiểu rõ hơn về cách quản lý và xử lý nguồn tài liệu một cách hiệu quả.
Với sự phát triển vượt trội của trí tuệ nhân tạo (AI), các ứng dụng AI được giới thiệu như một công cụ đắc lực để tìm kiếm nhanh các tài liệu cần thiết hoặc phân tích dữ liệu phức tạp. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là sinh viên cần có kỹ năng đánh giá và kiểm chứng thông tin một cách chặt chẽ khi sử dụng AI. Theo cô Kim Tri: "AI chỉ nên là công cụ hỗ trợ, không phải là yếu tố quyết định. Các em cần đảm bảo rằng mọi thông tin thu thập được đều chính xác, có nguồn gốc rõ ràng và không vi phạm bản quyền. Điều này không chỉ bảo vệ giá trị đạo đức mà còn đảm bảo tính đáng tin cậy của nghiên cứu”.
UEFers tích cực học hỏi để nâng cao kỹ năng nghiên cứu khoa học
ThS. Nguyễn Thị Kim Tri đã minh họa bằng những ví dụ thực tế như cách tìm kiếm thông tin từ các tổ chức thương mại hay giáo dục uy tín. Điều này giúp sinh viên không chỉ nắm được phương pháp mà còn thấy rõ tầm quan trọng của việc sử dụng nguồn tài liệu một cách sáng tạo và linh hoạt.
Với những định hướng chi tiết của các chuyên gia, buổi chia sẻ đầu tiên của workshop hướng dẫn NCKH đã tạo cho UEFers bước đà xây dựng ý tưởng nhất định trong hoạt động nghiên cứu cũng như các cuộc thi liên quan đến ý tưởng sáng tạo. Chuỗi hoạt động xây dựng nền tảng nghiên cứu bổ ích này sẽ được tiếp diễn vào thứ 6 ngày 29/11, các bạn sinh viên chú ý theo dõi để có thêm hành trang cần thiết cho mình nhé!
TT-TT-TT