Kinh tế là nhóm ngành được nhiều thí sinh lựa chọn ở nguyện vọng một. Cùng với mặt bằng điểm thi năm nay khá cao, điểm chuẩn ngành này được dự đoán tăng khoảng 2 điểm.
Sau khi Bộ GD&ĐT công bố điểm sàn 15,5 áp dụng cho tất cả khối thi, nhiều trường đào tạo kinh tế đã đưa ra mức sàn nhận hồ sơ và dự kiến điểm trúng tuyển.
Trao đổi với Zing.vn, thạc sĩ Nguyễn Văn Đương, Phó trưởng phòng Đào tạo, ĐH Kinh tế TP.HCM, dự đoán điểm chuẩn các ngành của trường năm nay tăng từ một điểm trở lên.
Đặc biệt, ngành Quản trị Bệnh viện dù mới, chỉ tuyển 50 chỉ tiêu, số thí đăng ký ban đầu khá cao. “Đây là ngành được nhiều thí sinh quan tâm và có thể sẽ có điểm chuẩn cao nhất năm nay”, thạc sĩ Đương đánh giá.
Thương mại Điện tử là ngành mới bắt đầu tuyển sinh năm 2017 cũng được nhiều thí sinh quan tâm. Điểm chuẩn ngành này có thể sẽ khá cao.
Các ngành Kinh tế học, Quản trị Kinh doanh, Marketing, Kinh doanh Quốc tế, Kinh doanh Thương mại, Tài chính Ngân hàng, Kế toán, Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành dự kiến điểm chuẩn có thể tăng từ một điểm trở lên (năm 2016 là 21 điểm).
Ngành Ngôn ngữ Anh (chuyên ngành Tiếng Anh thương mại) năm trước có điểm chuẩn 28 (môn Tiếng Anh nhân hệ số 2), điểm chuẩn năm nay có thể tăng.
Năm 2016, điểm chuẩn của ĐH Kinh tế TP.HCM dao động từ 18-21 điểm.
Đại diện ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết ngưỡng điểm nhận hồ sơ vào trường là 15,5 ở tất cả ngành học.
TS Nguyễn Thanh Trọng, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Kinh tế - Luật, dự đoán ở một số ngành nhận được nhiều sự quan tâm của thí sinh như Kinh tế Đối ngoại, Kinh doanh Quốc tế, Quản trị Kinh doanh, Luật thương mại Quốc tế, điểm chuẩn sẽ tăng, nhiều khả năng từ 0,5-1 điểm. Một số ngành ít nhận được sự quan tâm của thí sinh có thể điểm chuẩn không biến động nhiều so với năm ngoái.
Năm 2016, điểm chuẩn ĐH Kinh tế - Luật dao động từ 21,5-25,5 điểm.
Theo đề án tuyển sinh đã công bố trước đó, ĐH Ngân hàng TP.HCM sẽ lấy ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (nhận hồ sơ xét tuyển) là 15,5 điểm ở tất cả ngành học, bằng điểm sàn do Bộ GD&ĐT công bố.
Ông Phạm Ngọc Minh, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Ngân hàng TP.HCM cho biết, mặt bằng điểm thi năm nay rất cao nên điểm chuẩn vào trường có thể sẽ tăng nhẹ so với năm ngoái.
Năm 2016, điểm sàn xét tuyển của ĐH Ngân hàng TP.HCM là 15. Điểm chuẩn tất cả ngành bậc đại học là 20,5, liên thông đại học chính quy là 15 điểm.
Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2017. Ảnh: Tiến Tuấn.
ĐH Kinh tế Quốc dân, Hà Nội, thông báo mức điểm sàn để xét tuyển của trường là 18, cao hơn năm trước một điểm.
Theo thông báo của ĐH Kinh tế Quốc dân, mức điểm xét tuyển được làm tròn đến 0,25 cộng với điểm ưu tiên đối tượng, khu vực và ưu tiên xét tuyển thẳng.
Trả lời Zing.vn trước đó, GS.TS Trần Thọ Đạt - Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân - cho biết thí sinh đạt từ 20 điểm trở lên có thể tự tin đăng ký vào trường.
Theo ông Đạt, số liệu thống kê đăng ký tuyển sinh đợt một cho thấy ĐH Kinh tế Quốc dân đứng top 5 trong số các trường xét nguyện vọng một và tất cả nguyện vọng.
GS.TS Trần Thọ Đạt nói: “Năm nay, điểm chuẩn của nhà trường sẽ tăng nhẹ và tăng không đồng đều giữa các ngành, dự kiến tăng từ một đến hai điểm. Để quyết định đăng ký vào ngành nào đó của trường, thí sinh nên tham khảo điểm chuẩn của 1-2 năm trước”.
Năm 2016, điểm chuẩn của ĐH Kinh tế Quốc dân dao động từ 20,55-25,5 điểm.
ĐH Ngoại thương cũng đã công bố mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển vào trường cao nhất là 22,5.
Cụ thể với cơ sở Hà Nội và TP.HCM, mức điểm nhận hồ sơ khối A00 là 22,5 điểm, các khối còn lại là 21,5 điểm. Riêng khối D02 của Tiếng Nga là 20,5 điểm. Cơ sở Quảng Ninh có mức điểm nhận hồ sơ là 18 điểm.
TS Phạm Thu Hương, Trưởng phòng Đào tạo, cho biết thí sinh đạt 25,5 điểm có cơ hội trúng tuyển ĐH Ngoại thương. Bà Hương dự đoán điểm chuẩn của trường năm nay không tăng đột biến so với năm ngoái.
Năm 2016, điểm chuẩn ĐH Ngoại thương dao động từ 23,45-26,45 điểm đối với cả hai cơ sở.
ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) thông báo mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển từ 15,5 điểm. Năm nay, trường dành 637 chỉ tiêu xét tuyển sử dụng kết quả bài thi THPT quốc gia.
Năm 2016, điểm chuẩn của ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) dao động từ 92-111 điểm (xét theo bài thi đánh giá năng lực).
Học viện Ngân hàng thông báo nhận hồ sơ xét tuyển có điểm từ 15,5, bằng điểm sàn do Bộ GD&ĐT công bố.
Năm 2016, điểm chuẩn Học viện Ngân hàng dao động từ 20,97-22,5 điểm.
Trong hệ thống các trường ngoài công lập đào tạo mạnh nhóm ngành kinh tế tài chính, kinh doanh và quản lý, trường Trường Đại học Kinh tế - Tài chính thành phố Hồ Chí Minh (UEF) là một trong những trường thu hút thí sinh đăng ký nguyện vọng đông. Cũng theo đánh giá của Hội đồng tuyển sinh UEF, trường thu hút nhiều thí sinh trong đợt đăng ký nguyện vọng do UEF hiện là một trong số ít các trường có chương trình đào tạo song ngữ nổi bật, đáp ứng tốt nhu cầu học tiếng Anh bậc đại học hiện nay. Năm 2016, điểm chuẩn NV1 các ngành dao động từ 15-18 điểm. Dự kiến năm 2017, điểm chuẩn không thay đổi nhiều.
Năm 2017, trường tuyển sinh dựa trên hai phương thức:
+ Xét tuyển kết quả thi THPT quốc gia với mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển đợt 1 là 15.5 cho 16 ngành đào tạo đối với tất cả các tổ hợp môn. .
+ Xét tuyển học bạ lớp 12 với điều kiện thí sinh tốt nghiệp THPT; Tổng điểm trung bình năm lớp 12 của 3 môn trong tổ hợp môn xét tuyển đạt từ 18.0 trở lên đối với trình độ đại học. UEF nhận hồ sơ xét tuyển học bạ đến ngày 20.7. Dự kiến đợt tiếp theo nhận đến ngày 30.7. |
Minh Nhật (Zing)