Theo số liệu thống kê năm nay, số hồ sơ xét tuyển vào các trường đại học ngoài công lập tăng rất mạnh. Có trường, tổng số nguyện vọng tăng hơn 100%.
Tăng đều ở các phương thức
So với năm ngoái, thí sinh (TS) đăng ký xét tuyển vào Trường ĐH Văn Hiến năm nay bằng kết quả kỳ thi THPT đã tăng lên đến hơn 109%. Trong đó, số lượng TS xét tuyển nguyện vọng (NV) 1 trực tiếp vào trường tăng hơn 102%. Còn số TS xét học bạ của trường này cũng tăng 132% so với năm 2017 (năm ngoái 238 hồ sơ, năm nay đến thời điểm này là 551 hồ sơ).
Trường ĐH Công nghệ TP.HCM cũng có số lượng TS đăng ký tăng lên khá cao. Có tổng số khoảng 51.000 NV đăng ký vào trường này theo phương thức xét điểm thi, tăng khoảng 24% so với năm ngoái. Tính riêng số lượng NV1 vào trường, tăng đến 33% so với năm trước (năm ngoái 8.300, năm nay 11.000). Đó là chưa kể số lượng TS nộp theo phương thức học bạ khá đông tại trường này trong những ngày gần đây.
Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển học bạ tại UEF
Có hơn 10.000 hồ sơ nộp vào Trường ĐH Duy Tân, tăng khoảng 30% so với năm 2017. Trong đó, có hơn 2.000 NV1. Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho rằng con số này so với năm ngoái là hết sức khả quan.
Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF) có số lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển theo phương thức điểm thi khoảng 25.000, tăng gần 70% so với năm 2017. Trong đó, số lượng TS chọn NV1 tăng gần 20%.
Tại Trường ĐH Văn Lang, số lượng hồ sơ xét tuyển cũng tăng khoảng 35%, với hơn 27.700 NV
Thu hẹp ranh giới công lập - ngoài công lập
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, số lượng TS đăng ký xét tuyển trong năm nay là 688.641, tăng 7,5% so với năm ngoái (640.431). Nếu tính về tổng số NV, năm nay có 2.750.444 NV đăng ký, tăng 7,1% so với năm 2017 (2.555.029 NV). Việc tăng số lượng so với năm 2017 trên cả nước là một lý do giải thích cho sự tăng NV dự thi của thí sinh tại các trường ĐH. Tuy nhiên, theo chuyên gia các trường, bên cạnh đó vẫn có nhiều lý do khác.
Theo tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, việc tăng số lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH ngoài công lập cho thấy ranh giới giữa trường công lập - ngoài công lập đang ngày càng rút ngắn so với trước kia. Minh chứng ở con số TS chọn NV1 trực tiếp vào các trường ĐH ngoài công lập tăng lên rất nhiều. Trước kia đa số TS chọn trường công lập ngay ở NV đầu tiên thì hiện nay TS đã dịch chuyển sự lựa chọn qua trường ngoài công lập.
Tiến sĩ Hải cũng cho biết một lý do nữa cho sự lựa chọn này là hiện nay có nhiều trường ĐH công lập tự chủ tài chính với mức học phí khá cao. Chẳng hạn, tại Đà Nẵng, có trường công lập tự chủ tài chính mức học phí cao hơn cả Trường ĐH Duy Tân. Vì thế, nếu trước đây nhiều TS chọn trường công vì học phí thấp hơn trường tư thì nay không phải lúc nào cũng vậy nên TS chọn thẳng vào trường tư nếu thấy phù hợp.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Diệu Anh, Trưởng phòng Truyền thông và sự kiện Trường ĐH Văn Hiến, cũng đồng ý mức học phí hai loại hình trường ngày càng không xê xích nhiều như trước đã ảnh hưởng đến lựa chọn của TS. Ngoài ra, bà Diệu Anh còn cho biết một số TS giải thích việc chọn NV1 vào trường ngoài công lập là vì ngành học chuyên ngành cụ thể hơn. Chẳng hạn, có TS chọn học truyền thông sự kiện tại trường ngoài công lập vì thích chuyên ngành truyền thông số. Điều đó cho thấy TS đã tìm hiểu kỹ, chủ động chọn hướng đi mình thích, không còn đặt nặng vấn đề công lập hay ngoài công lập nữa.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung, Phó trưởng phòng Truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cũng cho rằng ranh giới công - tư không còn rõ như trước. TS tìm hiểu kỹ khi chọn trường theo học, không còn chọn “hú họa” bằng quá nhiều NV nữa. Vì thế, việc lựa chọn của TS khá rõ ràng.
Theo Thanh niên