Menu
  
Tin tuyển sinh

Học ngành Quan hệ công chúng có dễ xin việc không?

29/08/2019
Quan hệ công chúng được xem là nghề “giữ hồn” cho thương hiệu, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh sôi động trên nhiều lĩnh vực hiện nay. Với nhu cầu nhân lực ngày một tăng, sinh viên ngành Quan hệ công chúng có nhiều "đất" để thể hiện năng lực. Tuy nhiên, trước thềm chọn ngành, nhiều bạn vẫn còn băn khoăn học ngành Quan hệ công chúng có dễ xin việc không. Hy vọng thông tin dưới đây sẽ giúp các bạn có cái nhìn tổng quan về cơ hội nghề nghiệp của ngành học này.  

 

Học ngành Quan hệ công chúng có dễ xin việc không?

 

Quan hệ công chúng (PR) được hiểu là việc thực hiện các công việc, chiến lược cụ thể nhằm thiết lập cầu nối giữa tổ chức, doanh nghiệp với cộng đồng, khách hàng (hiện tại và tiềm năng), nhà đầu tư, giới truyền thông,... nhằm định hình, khẳng định tên tuổi, thương hiệu sản phẩm hoặc đơn vị trong toàn bộ hoạt động và tiến trình phát triển.
Trong bối cảnh nền kinh tế phát triển nhanh, mạnh, hàng hóa, dịch vụ ngày càng đa dạng, người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn nhưng cũng gặp những khó khăn trong việc đánh giá, phân biệt sản phẩm tốt trên thị trường. Vì thế, các sản phẩm, các doanh nghiệp đã có tiếng hoặc đang trong quá trình xây dựng thương hiệu đều cần đội ngũ nhân sự ngành PR.
 
 
“Học ngành Quan hệ công chúng có dễ xin việc không?” là thắc mắc của rất nhiều học sinh khi lựa chọn ngành nghề

 

Cơ hội việc làm trong lĩnh vực Quan hệ công chúng sẽ tiếp tục rộng mở. Các bạn trẻ hoàn toàn lạc quan với tương lai ngành nghề mình đã quyết tâm lựa chọn theo đuổi.


Học ngành Quan hệ công chúng tốt nghiệp ra trường làm gì? Ở đâu?

 

Tại Việt Nam hiện nay có nhiều môi trường để các bạn theo học lĩnh vực này như: Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn – ĐHQG Hà Nội,... Sinh viên sau khi tốt nghiệp sẽ được trang bị các kiến thức chuyên ngành vững vàng trong lĩnh vực PR như: vị trí của Quan hệ công chúng trong tổ chức, doanh nghiệp; hình thái của hoạt động PR; phương thức và bản chất PR trong nội bộ với cộng đồng; hiểu biết sâu về nhiệm vụ và hoạt động của PR cụ thể trong từng lĩnh vực,...
Học ngành Quan hệ công chúng, ra trường sinh viên có thể đảm nhận các vị trí:
- Chuyên viên PR: Làm các công việc như phụ trách quan hệ báo chí, quan hệ cộng đồng, tổ chức sự kiện, tổ chức truyền thông nội bộ,… tại các cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân, các tổ chức kinh tế, quốc tế và các tổ chức xã hội, phi Chính phủ….
- Phóng viên, biên tập viên tại các cơ quan báo, tạp chí, hãng thông tấn, đài phát thanh, đài truyền hình và các kênh truyền thông,...
- Chuyên viên phân tích và tư vấn quan hệ công chúng: Đảm nhận các công việc như trợ lí phân tích và lập báo cáo về môi trường truyền thông đối nội và đối ngoại của đơn vị; trợ lí xây dựng và thực hiện chiến lược truyền thông trong kinh doanh, phát triển đội ngũ nhân sự, xây dựng và phát triển thương hiệu. Các bạn sẽ làm việc tại các công ty, tổ chức tư vấn quản trị truyền thông doanh nghiệp, các Bộ và Sở, Ban, Ngành liên quan đến truyền thông.
- Nghiên cứu và giảng dạy về PR trong các cơ sở giáo dục đại học, tham gia nghiên cứu các vấn đề có liên quan đến truyền thông, quan hệ công chúng, trợ lí giảng dạy; Tương lai có thể trở thành nghiên cứu viên, giảng viên, nhà quản lí trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu về truyền thông và quan hệ công chúng. 
Với những thông tin vừa cung cấp, tin chắc rằng các bạn đã hình dung được bức tranh nghề nghiệp của ngành Quan hệ công chúng cũng như có cho mình câu trả lời học ngành Quan hệ công chúng có dễ xin việc không? Chúc các bạn sớm định hướng đường đi phù hợp với bản thân mình nhé.

 

Phước Hiển
TIN LIÊN QUAN