Vào lúc 15h45 ngày (16/1), Báo Thanh Niên tiếp tục tổ chức buổi thứ hai trong chuỗi chương trình Tư vấn truyền hình trực tuyến với chủ đề "Chọn ngành học phù hợp - khối ngành Kinh tế - Ngân hàng - Luật". TS Nguyễn Thanh Giang, Hiệu trưởng trường Trường Đại học Kinh tế - Tài chính thành phố Hồ Chí Minh (UEF) là một trong những khách mời của buổi tư vấn.
Khách mời tham dự chương trình còn có: Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thị trường lao động TP.HCM; PGS-TS Nguyễn Minh Hà, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP.HCM; Thạc sĩ Nguyễn Văn Đương, Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM.
Đại diện các trường đại học tại chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến
Với học sinh lớp 12 thì việc học ngành nào vừa phù hợp với năng lực, sở trường của bản thân, điều kiện kinh tế gia đình, vừa đáp ứng nhu cầu nhân lực của xã hội, ra trường tìm được việc làm phù hợp luôn là mục đích quan trọng và lưu tâm nhất. Vì thế, chương trình Tư vấn mùa thi năm 2018, các chuyên gia đã tư vấn tận tình về cách chọn ngành học phù hợp cho các em học sinh đặc biệt là những em đang quan tâm đến nhóm ngành Kinh tế - Ngân hàng - Luật.
Dưới đây là những vấn đề được nhiều thí sinh quan tâm tại chương trình:
Giữa ngành luật quốc tế và luật kinh tế có điểm gì khác nhau?
Em chưa hiểu nhiều về chương trình song ngữ của Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM?
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang: Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM đào tạo đa ngành, trong đó chủ lực là khối ngành quản trị - tài chính - luật.
Ngoài các ngành truyền thống, trường tiếp tục tuyển các ngành phù hợp xu thế hiện nay như: kinh doanh quốc tế, thương mại điện tử…
Song song đó, TS Nguyễn Thanh Giang cũng giải đáp thắc mắc về khối ngành luật, quan hệ quốc tế, ông nhấn mạnh: Các doanh nghiệp cần làm việc đúng luật pháp, cần chuyên gia về luật để tư vấn lãnh đạo đơn vị hoạt động đúng luật pháp. Trong lĩnh vực kinh tế hợp tác quốc tế, doanh nghiệp cần biết luật khi tham gia, đảm bảo đúng luật pháp nước mình và nước ngoài. Đặc biệt là khi có tranh chấp.
Trường đào tạo quốc tế song ngữ. Ngoài các môn chung, các môn chuyên ngành trường đào tạo bằng tiếng Anh với thời lượng học trên 50%.
TS Nguyễn Thanh Giang, hiệu trưởng UEF nhiệt tình trả lời các câu hỏi của các em học sinh
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang: Sự cạnh tranh trong công việc hiện nay rất cao, đặc biệt tại các thành phố lớn. Đòi hỏi người lao động càng nhiều kỹ năng, năng lực cao. Ngay từ khi thành lập, Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM đã quan tâm đến công tác việc làm. Trường luôn đào tạo gắn liền thực tiễn, mời chuyên gia đầu ngành đến chia sẻ với SV. Ngoài ra, trường còn chú trọng đào tạo kỹ năng, ngoại ngữ cho SV.
Ông Trần Anh Tuấn: Năm 2018 và những năm sắp tới, thị trường lao động khá lạc quan. Chúng ta đang đẩy mạnh hội nhập, tiến tới cách mạng công nghiệp 4.0, đang có nhiều chuyển dịch và tạo nhiều cơ hội việc làm cho bạn trẻ.
Cơ cấu nguồn nhân lực quốc gia tăng trưởng đều ở các địa phương đặc biệt ở phía nam: TP.HCM, Tây Ninh, Bình Phước, Đồng Nai, Long An, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu cần 700.000 chỗ làm việc/năm; Đồng bằng sông Cửu Long là 500.000 chỗ làm việc/năm. Trong đó, TP.HCM chiếm vị trí dẫn đầu, cần 300.000 chỗ làm việc/năm từ nay đến năm 2025.
Nhiều ngành dịch chuyển mạnh như: kinh tế, công nghệ thông tin và khoa học xã hội để hình thành những ngành nghề mới. Kiến thức, kỹ năng, tác phong công nghiệp, ngoại ngữ... là những yếu tố quan trọng đối với nguồn nhân lực trong thời kỳ này.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thị trường lao động TP.HCM
Nếu bạn cần một việc làm tốt, thu nhập cao mà năng lực không có thì dễ bị sa vào nhưng thông tin ảo.
Nhiều em phấn đấu, thành công trong sự nghiệp bằng năng lực của mình mà không tốn bất cứ một đồng xu nào. Những đô thị lớn tập trung nhu cầu lao động lớn, từ đó cũng có sự cạnh tranh, đào thải. Ở những địa phương lại ít thu hút được người giỏi về làm, tạo nên sự mất cân đối về thị trường lao động. Tỷ lệ cạnh tranh lao động tại TP.HCM cao nhất nước là 1/46, khối ngành kinh tế là 1/60. Hà Nội là 1/33, đứng thứ 2.
Các em mới ra trường phải chấp nhận làm từ vị trí thấp đến cao. Tiến đến cách mạng công nghiệp 4.0, người có kỹ năng thấp sẽ bị thất nghiệp. Nhiều ngành nghề mất đi, những nghề như bán hàng ở mức độ đơn giản sẽ được thay thế bởi robot.
Muốn có việc làm, muốn thành công: phải biết kết hợp với công nghệ thông tin; phải có ngoại ngữ, ngoài tiếng Anh còn nhiều thứ tiếng khác; phải có kỹ năng mềm: giao tiếp và làm việc nhóm; phải có kinh nghiệm làm việc: xây dựng giá trị hành nghề qua quá trình học tập, phải đi làm thêm, tham gia hoạt động xã hội để tích lũy vốn sống.
Sinh viên phải biết tự học, tự chủ, học một nghề làm được nhiều nghề, phải học liên tục và biết kết hợp công nghệ.
Theo Báo Thanh Niên