Thế giới đang trải qua cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với đặc trưng là Dữ liệu lớn (Big data), Trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), Điện toán đám mây (Cloud computing) và Khoa học dữ liệu (Data Science). Theo xu hướng đó, ngành Khoa học dữ liệu được nhiều bạn trẻ quan tâm và yêu thích. Tuy nhiên, ngành học này được hiểu thế nào, học những gì thì không phải ai cũng có thể nắm rõ. Để giải đáp thắc mắc này, mời các bạn tham khảo bài viết: “Ngành Khoa học dữ liệu là gì? Học những gì?” ngay sau đây.
Ngành Khoa học dữ liệu là gì?
Hiểu một cách đơn giản, Khoa học dữ liệu là khoa học về việc quản trị và phân tích dữ liệu, trích xuất các giá trị từ dữ liệu để tìm ra các hiểu biết, các tri thức hành động, các quyết định dẫn dắt hành động.
Khoa học dữ liệu gồm có ba phần chính: Tạo ra và quản trị dữ liệu, phân tích dữ liệu và chuyển kết quả phân tích thành giá trị của hành động. Việc phân tích và dùng dữ liệu lại dựa vào ba nguồn tri thức: toán học (thống kê toán học), công nghệ thông tin (máy học) và tri thức của lĩnh vực ứng dụng cụ thể.
Cũng như các hình thức thí nghiệm khác, khoa học dữ liệu sẽ yêu cầu bạn thực hiện các quan sát, đặt câu hỏi, hình thành các giả thuyết, tạo các bài kiểm tra, phân tích kết quả và đưa ra một khuyến nghị thực tế. Chính vì vậy mà mục đích chính của Khoa học dữ liệu là biến đổi một lượng lớn dữ liệu chưa qua xử lý, làm thế nào để định vị được thành mô hình kinh doanh, từ đó giúp đỡ các tổ chức tiết giảm chi phí, gia tăng hiệu quả làm việc, nhìn nhận cơ hội, rủi ro trên thị trường và làm gia tăng lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp.
Các lĩnh vực của khoa học dữ liệu gồm: Khai thác dữ liệu (Data mining), Thống kê (Statistic), Học máy (Machine learning), Phân tích (Analyze) và Lập trình (Programming).
"Ngành Khoa học dữ liệu là gì? Học những gì?" là câu hỏi đặt ra đầu tiên khi các bạn học sinh tìm hiểu ngành học này
Ngành Khoa học dữ liệu học những gì?
Với ngành Khoa học dữ liệu, sinh viên sẽ được trang bị khối kiến thức nền tảng vững chắc về quản lý, xử lý và phân tích dữ liệu lớn; kiến thức chuyên ngành sâu và rộng về khoa học dữ liệu và hệ thống thông tin; các kiến thức về hội nhập, khởi nghiệp cũng như tham gia các khóa học bồi dưỡng để nắm bắt các xu hướng công nghệ mới. Song song đó, các bạn còn được rèn luyện những kỹ năng mềm cần thiết để phục vụ cho công việc sau này.
Sinh viên sau khi tốt nghiệp có đầy đủ kiến thức và kỹ năng để giải quyết vấn đề, phân tích, tối ưu và thiết kế các hệ thống thông tin thông qua việc phân tích dữ liệu lớn; Có khả năng thiết kế, phát triển và tích hợp hệ thống thông tin cho các ứng dụng kỹ thuật liên quan đến phân tích dữ liệu lớn; Có khả năng giải quyết các vấn đề liên ngành về kỹ thuật, xã hội, chính trị và kinh tế.
Nắm bắt xu thế phát triển cùng nhu cầu nhân lực ngày càng cao của ngành học này, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính thành phố Hồ Chí Minh (UEF) đã mở đào tạo ngành Khoa học dữ liệu vào năm 2020. Khi theo học ngành này tại UEF, bên cạnh kiến thức chuyên ngành: Lập trình hướng đối tượng, Phân tích dữ liệu, Cấu trúc dữ liệu và giải thuật, Khoa học dữ liệu và trực quan hóa dữ liệu, Nguyên tắc của quản trị cơ sở dữ liệu, Phân tích và thiết kế hướng đối tượng, Xác suất, thống kê và quá trình ngẫu nhiên, Giới thiệu về trí tuệ nhân tạo, Tính toán khả năng mở rộng và phân bố, Phân tích dữ liệu quan sát,… các bạn còn được phát triển các kỹ năng mềm, tạo điều kiện tham gia những buổi hội thảo, giao lưu quốc tế, học kỳ quốc tế để nâng cao kiến thức, giao lưu văn hóa,…
Với những thông tin vừa cung cấp trên, tin chắc rằng các bạn thí sinh đã tìm ra lời giải cho câu hỏi ngành Khoa học dữ liệu là gì? Học những gì?. Đây cũng chính là tiền đề để các bạn định hướng chọn lựa ngành học cũng như môi trường học tập phù hợp trong thời gian sắp tới. Chúc các bạn thành công!
Kim Bằng